Thách thức với ngành gỗ trong thực hiện mục tiêu xuất khẩu

Xuất khẩu gỗ tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, góp phần quan trọng vào kết quả chung của toàn ngành nông nghiệp. Song việc thực hiện mục tiêu xuất khẩu cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là nguy cơ thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu.

Xuất khẩu gỗ và lâm sản 10 tháng năm 2024 ước đạt 13,18 tỷ USD (tăng 20,9%) so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh ST

Xuất khẩu gỗ và lâm sản 10 tháng năm 2024 ước đạt 13,18 tỷ USD (tăng 20,9%) so với cùng kỳ năm 2023. Ảnh ST

Còn nhiều thách thức

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản 10 tháng năm 2024 ước đạt 13,18 tỷ USD (tăng 20,9%) so với cùng kỳ năm 2023. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản bình quân đạt gần 1,4 tỷ USD/tháng. Đây là một con số tương đối ấn tượng, trong bối cảnh ngành gỗ phải đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là chi phí đầu vào của doanh nghiệp và rủi ro địa chính trị tăng cao.

Nhận định về tình hình xuất khẩu gỗ những tháng cuối năm, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ Việt Nam cho rằng với đà tăng trưởng thời gian qua, xuất khẩu gỗ và lâm sản của cả năm có thể khả quan.

Song, ông Hoài cũng lưu ý, tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đáng chú ý, giá cước vận tải tăng cao; cộng với việc nhiều doanh nghiệp Việt hiện phải nhập nguyên liệu gỗ từ các quốc gia khác, với giá thành cao; có những loại gỗ giá nhập vào hiện tại đã tăng 40% so với năm trước cũng ảnh hưởng lớn đến giá thành sản phẩm đầu ra của ngành gỗ, từ đó tác động giá cước vận tải biển tăng cao làm giá thành sản phẩm đầu ra tăng. từ đó gây áp lực cho các thị trường tiêu thụ vốn đang gặp khó khăn...

Trong khi đó, theo ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), hiện một số thị trường xuất khẩu chính đồ gỗ của nước ta áp dụng chính sách bảo hộ sản phẩm hàng hóa, thực hiện chặt chẽ quy định về giải trình gỗ bất hợp pháp, giảm phát thải khí nhà kính. Gỗ Việt cũng vừa trải qua thời gian dài trong diện điều tra về chống bán phá giá và chống trợ cấp của thị trường Hoa Kỳ...

Diện tích rừng trồng sản xuất gần 170 nghìn ha bị gãy đổ do ảnh hưởng của cơn bão số 3, chưa kể số bị sạt lở. Ảnh: N.Lộc

Diện tích rừng trồng sản xuất gần 170 nghìn ha bị gãy đổ do ảnh hưởng của cơn bão số 3, chưa kể số bị sạt lở. Ảnh: N.Lộc

Bên cạnh đó, việc Việt Nam chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào một số thị trường bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp...

Các chuyên gia cũng dự báo, các vụ kiện có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, từ đó gây ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp, làm giảm cơ hội thêm chi phí, mất cơ hội và đơn hàng có thể sụt giảm.

Đau đầu bài toán thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu

Bên cạnh những thách thức về thị trường và chi phí gia tăng, một trong những thách thức nổi cộm ngành gỗ đang phải đối diện và có hệ lụy lâu dài, đó là thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu.

Theo ông Vũ Duy Văn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh, lâm nghiệp là một trong những lĩnh vực chịu nhiều thiệt hại do bão số 3, khi 3/4 diện tích rừng trồng của tỉnh bị gãy đổ do bão. 8 công ty lâm nghiệp của tỉnh bị thiệt hại nặng nề, có những doanh nghiệp như Công ty Lâm nghiệp Tiên Yên toàn bộ diện tích rừng không còn cây nào lành lặn; Công ty Lâm nghiệp Ba Chẽ chỉ còn 138 ha rừng. “Để có được diện tích rừng phát triển như hiện nay, các doanh nghiệp phải mất 10 năm trồng chăm sóc và không biết đến bao giờ mới khôi phục được” - ông Văn cho biết.

Thông tin thêm về vấn đề này, ông Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho biết, sau khi thống kê thiệt hại, Bộ NNPTNT và các địa phương đang phối hợp để có các giải pháp hỗ trợ người dân phục hồi diện tích rừng trồng bị ảnh hưởng.

Theo đó, đối với diện tích rừng bị thiệt hại nặng, cây rừng bị đổ gãy hoàn toàn hoặc số cây còn lại không đảm bảo tiêu chí thành rừng (tỷ lệ đổ, gãy trên 70%) lập hồ sơ để thanh lý rừng theo quy định; thực hiện khai thác, tận thu toàn bộ số cây.

Đặc biệt, các địa phương cần nhanh chóng trồng lại rừng để sớm khôi phục diện tích bị thiệt hại.

Để trồng rừng mới, trồng rừng thay thế phải mất từ 5-7 năm, lượng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước sẽ giảm khoảng 3,5 triệu m3/năm. Ảnh: N.Lộc

Để trồng rừng mới, trồng rừng thay thế phải mất từ 5-7 năm, lượng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước sẽ giảm khoảng 3,5 triệu m3/năm. Ảnh: N.Lộc

Tuy nhiên, theo ông Bảo, các giải pháp này chỉ giải quyết được phần nào khó khăn và trước mắt, xuất khẩu ngành gỗ vẫn chịu ảnh hưởng. Bởi, với chu kỳ trồng rừng sản xuất cây sinh trưởng nhanh (từ 5-7 năm), lượng gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước sẽ giảm khoảng 3,5 triệu m3/năm.

Một thách thức khác ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu gỗ, đó là diện tích rừng bị thu hẹp, do phải chuyển mục đích sử dụng.

Liên quan đến vấn đề này, thảo luận tại Hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 8, đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) bày tỏ lo ngại khi diện tích rừng đang chịu tác động nghiêm trọng. “Các dự án phát triển kinh tế - xã hội đòi hỏi phải chuyển đổi mục đích sử dụng rừng rất lớn, từ đó kéo theo diện tích rừng bị phá bỏ” - đại biểu cho biết.

Do đó, đại biểu đề nghị các ngành chức năng, địa phương phải có giải pháp khôi phục lại rừng là trồng rừng thay thế tương ứng với diện tích đất rừng bị chuyển đổi. Dù rằng, “để khôi phục lại một khu rừng đã mất hoặc chuyển đổi phải mất hàng thập kỷ khi chúng ta thực hiện trồng rừng thay thế” - đại biểu nhấn mạnh.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến gần 170 nghìn ha diện tích rừng trồng sản xuất bị thiệt hại (4 tỉnh thiệt hại nặng nhất là TP. Hải Phòng 10.045ha; Lạng Sơn 19.729 ha; Bắc Giang 26.415 ha và Quảng Ninh 110.713 ha), trong khi đây là nguồn nguyên liệu chính phục vụ ngành chế biến gỗ và gỗ cho xuất khẩu.

Đại biểu Tô Văn Tám cũng đề nghị Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát việc trồng rừng và trồng rừng thay thế; Chính phủ kiểm soát chặt chẽ các dự án phát triển kinh tế - xã hội có chuyển đổi rừng theo hướng chỉ những dự án cần thiết và những dự án quan trọng phục vụ cộng đồng, những dự án phục vụ quốc phòng, an ninh, phải trồng rừng thay thế có chất lượng, hiệu quả trước khi cấp phép lấy rừng.

Đồng thời, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển rừng, vừa gắn bảo tồn với khai thác giá trị kinh tế của rừng. Đây cũng cũng là yêu cầu của kỷ nguyên mới, khi vấn đề phát triển phải bền vững, hài hòa giữa các mục tiêu.

Các chuyên gia cũng cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt đang phải nhập nguyên liệu gỗ nước ngoài về chế biến, thì sự thiếu hụt nguồn cung gỗ trong nước càng gia tăng áp lực đối với ngành gỗ trong thực hiện mục tiêu xuất khẩu, khi làm tăng giá thành sản phẩm đầu ra, điều mà doanh nghiệp đang cố gắng để tránh lúc này.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/thach-thuc-voi-nganh-go-trong-thuc-hien-muc-tieu-xuat-khau-36268.html