Thách thức với tân Tổng thống Phần Lan trong bối cảnh địa chính trị mới

Bối cảnh địa chính trị đang thay đổi ở châu Âu sẽ là thách thức chính đối với tổng thống mới của Phần Lan.

Ông Pekka Haavisto (trái) và Alexander Stubb (phải) đối đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Phần Lan. Ảnh: AFP

Ông Pekka Haavisto (trái) và Alexander Stubb (phải) đối đầu trong cuộc bầu cử tổng thống Phần Lan. Ảnh: AFP

Theo hãng AFP, cựu Thủ tướng bảo thủ Alexander Stubb đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Phần Lan ngày 11/2, đảm nhận một vai trò ngày càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nước này là thành viên NATO và căng thẳng gia tăng với nước láng giềng Nga.

Khoảng 4,3 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu để lựa chọn vị nguyên thủ quốc gia của Phần Lan giữa ông Stubb và cựu ngoại trưởng Pekka Haavisto, một nghị sĩ Đảng Xanh tranh cử với tư cách độc lập.

“Xin chúc mừng Alexander Stubb, tổng thống thứ 13 của Phần Lan”, ông Haavisto nói trên truyền hình trực tiếp khi thừa nhận thất bại sau khi đài truyền hình Yle dự đoán rằng ông Stubb đã thắng với 51,4%.

Khi tất cả phiếu bầu được kiểm, kết quả cuối cùng cho thấy ông Stubb giành được 51,6% phiếu bầu. Ông Stubb, người gọi chiến thắng này là “vinh dự lớn nhất trong cuộc đời”, sẽ nhậm chức vào ngày 1/3 tới.

Bối cảnh địa chính trị đang thay đổi ở châu Âu sẽ là thách thức chính đối với nguyên thủ quốc gia mới, người - mặc dù có quyền hạn hạn chế so với thủ tướng - cùng với chính phủ vạch ra chính sách đối ngoại của nước này và đóng vai trò là tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang Phần Lan.

Mối quan hệ giữa Nga và Phần Lan đã xấu đi sau cuộc xung đột ở Ukraine, khiến Helsinki phải từ bỏ chính sách không liên kết quân sự trong nhiều thập kỷ và gia nhập NATO vào tháng 4/2023.

Nga, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.340 km với Phần Lan, đã nhanh chóng cảnh báo về “các biện pháp đối phó”.

Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, Helsinki duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Moskva. Tổng thống sắp mãn nhiệm Sauli Niinisto, được bầu lần đầu tiên vào năm 2012, từng tự hào về mối quan hệ chặt chẽ của mình với Tổng thống Nga Vladimir Putin trước khi trở thành một trong những người chỉ trích gay gắt Moskva.

Vào tháng 8/2023, Phần Lan cho biết một dòng người di cư vào biên giới phía Đông mà không có thị thực. Helsinki cáo buộc Moskva đang thúc đẩy những người di cư nhằm "gây bất ổn" cho nước này và để đáp trả, Phần Lan đã đóng cửa biên giới của họ vào tháng 11 – một động thái được cả hai ứng cử viên tổng thống khi đó ủng hộ.

Hanna Ojanen, Giám đốc nghiên cứu chính trị tại Đại học Tampere, nhận định: “Tôi tin rằng ông (Stubb) có thể điều hướng cả hợp tác đa phương và quan hệ song phương, đó là điều cần thiết, và ông ấy có thể cũng sẽ hiểu được bức tranh chung về chính sách đối ngoại và an ninh”.

Ông Stubb và Haavisto, cả hai đều từng giữ chức ngoại trưởng, đã chia sẻ tầm nhìn tương tự về lập trường của Phần Lan đối với Nga, kêu gọi các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Moskva và hỗ trợ cho Ukraine.

Theo Theodora Helimaki, nhà nghiên cứu tiến sĩ về khoa học chính trị tại Đại học Helsinki, khi tham gia cuộc bầu cử, các nhà phân tích đã lưu ý rằng hai ứng cử viên phần lớn có quan điểm giống nhau về các vấn đề chính sách lớn, do đó, sự khác biệt là ở một số động thái, chẳng hạn như việc lưu trữ hoặc quá cảnh vũ khí hạt nhân ở Phần Lan.

Ông Stubb từng nói rằng nước này không nên loại trừ “bất kỳ phần nào” trong khả năng răn đe hạt nhân của NATO, trong khi ông Haavisto không muốn có vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Phần Lan.

Chuyên gia Helimaki cho rằng ông Stubb sẽ được coi là “một kiểu tổng thống hơi mới” đối với người Phần Lan. “Có lẽ ông ấy hướng ngoại hơn nhiều so với những người khác, có thể 'quốc tế' hơn một chút về nhiều mặt", chuyên gia Helimaki nêu quan điểm.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thach-thuc-voi-tan-tong-thong-phan-lan-trong-boi-canh-dia-chinh-tri-moi-20240212094149611.htm