THACO đề xuất làm metro kết nối Bến Thành, Thủ Thiêm và sân bay Long Thành
Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Trường Hải (THACO) đề xuất nghiên cứu tuyến metro Bến Thành - Thủ Thiêm - Long Thành. Nếu không được chọn làm nhà đầu tư, tập đoàn này vẫn bàn giao toàn bộ kết quả nghiên cứu cho Thành phố và không yêu cầu hoàn trả chi phí...
Cụ thể, trong văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.HCM, THACO cho biết đã đề xuất Chính phủ xem xét cho phép tập đoàn được thực hiện đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Trong văn bản nêu trên, tập đoàn công nghiệp đa ngành cho biết cho biết đề xuất này được xây dựng trên tinh thần hưởng ứng Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân và Nghị quyết 198 của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển hệ thống đường sắt đô thị.

Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài khoảng 42 km với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD. Ảnh minh họa.
Tại địa bàn TP.HCM, THACO cho biết UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch đầu tư 355 km đường sắt đô thị từ nay đến năm 2035 theo Nghị quyết 188/2025/QH15 ngày 19.2.2025 của Quốc hội về Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, TP.HCM. Trong đó hai tuyến quan trọng được xác định là Metro số 2 (đoạn Bến Thành - Tham Lương và Bến Thành - Thủ Thiêm) và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Theo THACO, trong quá trình quy hoạch hai tuyến metro và tuyến đường sắt nêu trên, các nhà ga và depot (khu vực dùng để tập kết, bảo dưỡng, sửa chữa và các hoạt động kỹ thuật khác liên quan đến toa xe, đầu máy) sẽ được định hướng tích hợp toàn diện với mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình Transit Oriented Development - TOD). Các khu TOD này sẽ được thiết kế theo hướng đa chức năng, kết hợp hài hòa giữa hệ thống giao thông công cộng với không gian thương mại - dịch vụ, tiện ích công cộng, công viên cây xanh và các khu dân cư mật độ cao...
Từ định hướng quy hoạch này, THACO đề xuất UBND TP.HCM cho phép doanh nghiệp này được nghiên cứu đầu tư các dự án nêu trên theo hình thức tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế - mua sắm vật tư, thiết bị - thi công xây dựng công trình) hoặc đầu tư trực tiếp theo quy định của Luật Đầu tư.
Ngoài ra, tập đoàn này cũng kiến nghị cho phép triển khai nghiên cứu song song trong thời gian không quá 3 tháng (kể từ thời điểm được Thành phố (TP) chấp thuận giao nghiên cứu) để xây dựng phương án tổng thể, bao gồm việc lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp (đầu tư công hoặc đầu tư trực tiếp). Đồng thời đề xuất các giải pháp tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả khai thác đầu tư, đặc biệt là việc sử dụng không gian ngầm cho các tiện ích công cộng và tích hợp các khu TOD tại vị trí các nhà ga và depot.
Về phần mình, THACO cam kết toàn bộ quá trình nghiên cứu sẽ được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, không làm ảnh hưởng đến tiến độ khởi công tuyến metro số 2 vào cuối năm này và đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành vào quý IV.2026 theo kế hoạch của TP.HCM.
Tập đoàn này cam kết sau khi hoàn tất nghiên cứu, nếu không được lựa chọn làm nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ bàn giao toàn bộ kết quả nghiên cứu cho TP.HCM và không yêu cầu hoàn trả bất kỳ chi phí nào.

Khu đô thị Sala nằm trong lõi xanh của Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ảnh: Dân Trí
Đề nghị doanh nghiệp chủ động nghiên cứu, đề xuất
Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo Kết luận của ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND Thành phố, tại cuộc họp Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình, dự án, khu đất trên địa bàn thành phố liên quan đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án và công tác tháo gỡ tồn đọng, vướng mắc tại các dự án, khu đất do THACO thực hiện và nghiên cứu đầu tư.
Theo thông báo kết luận, UBND TP.HCM đánh giá cao THACO là doanh nghiệp có kinh nghiệm trong lĩnh vực cơ khí ô tô đã đề xuất nghiên cứu đầu tư các dự án đường sắt đô thị.
UBND TP.HCM xem đây là hướng đi phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, cũng như phù hợp với quy hoạch và kế hoạch đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt của TP.
Phản hồi đề xuất về việc đầu tư tuyến metro Bến Thành - Tham Lương, Chủ tịch UBND TP.HCM giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp các sở ngành liên quan làm việc với nhà đầu tư để nghiên cứu, đề xuất đầu tư với tiêu chí “công nghệ hiện đại, chi phí hợp lý”, đảm bảo phù hợp quy định pháp luật và tình hình thực tiễn của TP. Sau khi nghiên cứu báo cáo, đề xuất trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét thống nhất chủ trương, đảm bảo mục tiêu phải tổ chức khởi công xây dựng trong năm 2025 theo đúng kế hoạch.
Trong khi đó, với đề xuất đầu tư tuyến đường sắt Bến Thành - Thủ Thiêm - Long Thành, UBND TP.HCM đánh giá cao các ý kiến đề xuất kết nối đồng bộ các tuyến đường sắt đô thị từ Khu vực trung tâm Thành phố (Bến Thành) đến Khu đô thị Thủ Thiêm và nối dài đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Việc tích hợp quy hoạch các tuyến này thành một tuyến thống nhất (Bến Thành - Thủ Thiêm - Long Thành) là phù hợp về mặt kỹ thuật và định hướng phát triển không gian đô thị, góp phần phát huy hiệu quả đầu tư, gia tăng khả năng kết nối và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía đông TP.HCM.
Hiện nay, UBND TP.HCM phố đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao UBND Thành phố là cơ quan chủ quản đầu tư Dự án. Trên cơ sở đó, đề nghị nhà đầu tư chủ động nghiên cứu, đề xuất nội dung liên quan để TP tổng hợp, báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Liên quan đến đề xuất về việc nghiên cứu, đầu tư hoàn chỉnh toàn bộ các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cảnh quan còn lại tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm như: quảng trường trung tâm, công viên bờ sông, khu lâm viên sinh thái, UBND TP.HCM đề nghị nhà đầu tư xác định rõ đây là các dự án đề xuất đầu tư mới, không tiếp tục thực hiện theo các thủ tục pháp lý trước đây.
Về hình thức đầu tư, UBND TP.HCM đề nghị nhà đầu tư tập trung nghiên cứu, làm rõ hình thức đầu tư phù hợp như: BT, BOT, BTL... và cam kết đảm bảo năng lực tài chính, khả năng thu xếp nguồn vốn theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Trọng Dân
Theo thông tin đã công bố, TP.HCM đang triển khai các thủ tục liên quan để đầu tư 7 tuyến metro dài 355 km. Trong đó, hai tuyến Thủ Thiêm - Long Thành và metro số 2 đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm được nghiên cứu tại hai dự án riêng biệt. Trong đó, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có chiều dài khoảng 42 km (qua TP.HCM 11,7 km và Đồng Nai 30,2 km) với tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD. Tuyến này có ý nghĩa chiến lược trong việc kết nối hai sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Long Thành.
Quy hoạch mạng lưới đường sắt của TP.HCM. Ảnh: Sở Xây dựng TP.HCM.
Trong khi đó, đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm dài 6 km là một phần thuộc toàn tuyến metro số 2 (Củ Chi - Quốc lộ 22 - An Sương - Bến Thành - Thủ Thiêm). Riêng đoạn Bến Thành - Thủ Thiêm được thiết kế đi ngầm toàn bộ, với tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD.
Nếu được nghiên cứu tích hợp, tuyến thống nhất Bến Thành - Thủ Thiêm - sân bay Long Thành sẽ có tổng chiều dài gần 48 km, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 4,8 tỷ USD.
______________________
Trước đó, như Người Đô Thị đã đưa tin, THACO đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc đề xuất đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng vốn đầu tư là khoảng 1.562.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỷ USD), hoàn thành trong 7 năm. Trong đó, hạng mục giải phóng mặt bằng là một dự án độc lập do Nhà nước thực hiện và không tính vào tổng vốn đầu tư của dự án.
Để thực hiện việc đầu tư này, THACO cho biết cơ cấu nguồn vốn gồm: phần vốn tương ứng 20% tổng mức đầu tư (tương đương khoảng 12,27 tỷ USD) là vốn chủ sở hữu và vốn huy động. Với 80% tổng vốn đầu tư còn lại (tương đương khoảng 49,08 tỷ USD) sẽ được công ty vay từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước; được Chính phủ bảo lãnh và hỗ trợ toàn bộ lãi vay trong thời gian 30 năm và tài sản đảm bảo là toàn bộ công trình dự án...