Thái Bạch Kim Tinh sai lầm nghiêm trọng khi đưa Tôn Ngộ Không lên trời
Tôn Ngộ Không quả thật quá ngông cuồng, nhưng Thái Bạch Kim Tinh lại không biết điều này, để rồi kiến nghị với Ngọc Hoàng, vời Thạch Hầu lên trời để tiện bề cai quản.
Sự kiêu ngạo của Tôn Ngộ Không thật đáng để chúng ta bàn luận một chút. Trong truyện Tây Du Ký có viết rằng, Tôn Ngộ Không được sinh ra ở nước Ngao Lai thuộc Đông Thắng Thần Châu. Thực ra đây lại là 1 kiểu chơi chữ. Chữ “ngao” này trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là ngông cuồng, kiêu ngạo, điều này chính là nói rõ rằng Tôn Ngộ Không sinh ra vốn đã kiêu ngạo. Làm được 1 việc nho nhỏ là tìm được Thủy Liêm Động thì kêu đàn khỉ phải xưng mình làm vua. Lên Thiên Đình được phong chức nhỏ không chịu được, bỏ xuống Hoa Quả Sơn và tự xưng mình là Tề Thiên Đại Thánh, cuối cùng cuồng vọng đến mức đòi đuổi cả Ngọc Hoàng đi.
Có ngờ đâu sự việc lại hoàn toàn không đơn giản như những gì mà Thái Bạch Kim Tinh nghĩ. Do suốt ngày nhàn rỗi vô sự nên Tôn Ngộ Không dạo chơi khắp nơi. “Gặp Tam Thanh thì kêu bằng tướng công, thấy Tứ Ðế thì chào rằng Bệ Hạ! Còn Cửu Diện là chín sao Bắc đẩu, năm tướng Ngũ phương, bốn vị Thiên vương, Nhị thập bát tú, Lục đinh, Lục giáp, năm ông Ngũ lão, các vị thiên thần đều quen biết, thì kêu bằng anh em!”
Vì suốt ngày “quấy rối” việc của các vị thần tiên khác, nên Hứa Tinh Dương chân nhân đã phải tâu với Ngọc Hoàng rằng:
“Bẩm Ngọc Hoàng, tên Tề Thiên Đại Thánh suốt ngày nhàn rỗi vô sự chỉ vui chơi, đến đâu y cũng kết giao bạn bè, cứ lâu dài như vậy thì e rằng y sẽ sinh sự. Chẳng bằng hãy để cho y làm một chút việc gì đó để tránh cho y gây ra nhiều việc rắc rối.”
Hứa Tinh Dương chân nhân hy vọng Tôn Ngộ Không làm được chút việc, đó là một kiến nghị đúng. Nhưng mỗi cảnh giới đều có yêu cầu khác nhau, tâm tính chưa đạt tiêu chuẩn thì không thể lên được, cho nên ngay từ lúc đầu, việc Thái Bạch Kim Tinh “hồ đồ” đưa Ngộ Không lên trời là một sai lầm tối nghiêm trọng. Mặc dù Thạch Hầu do Thiên địa hóa dục mà thành, căn cơ rất cao, nhưng khi ở với Bồ Đề Tổ Sư chưa thực sự trải qua tu luyện tâm tính, vì vậy, với tâm tính có hạn (bản tính hoang dã chưa qua rèn luyện) của mình, Thạch Hầu đã phá vườn đào, uống trộm rượu, ăn trộm linh đơn, cuối cùng dẫn đến việc đại náo Thiên cung, mười vạn thiên binh thiên tướng cũng không bắt được Ngộ Không.
Trong vũ trụ có một phép tắc đó là: Năng lực của một sinh mệnh và cảnh giới (tâm tính) của sinh mệnh đó là tương phụ tương thành với nhau. Chính là không cho phép người xấu có năng lực quá cao để phá hoại trật tự thế giới, nếu không hiểm họa sẽ khôn lường. Cho nên, việc Tôn Ngộ Không đại náo Thiên Cung có lẽ là một bài học cho con người thấy, tại sao một sinh mệnh có nhận thức thấp không nên sở hữu năng lực lớn, nếu không hậu quả sẽ không thể tưởng tượng nổi. Không chỉ gây nguy hiểm cho người khác (ví dụ điển hình mà chúng ta thấy trong truyện là sau khi Ngộ Không nhảy ra khỏi lò Bát Quái liền đạp đổ lò luyện đan, khiến những mảnh vỡ còn dư hỏa sau khi rơi xuống trung giới đã biến cả một vùng núi rộng lớn thành Hỏa Diệm Sơn) mà còn gây nguy hiểm cho chính mình.
Mặc dù Thái Bạch Kim Tinh mắc sai lầm nghiêm trọng nhưng không ai trách phạt ông cả, có lẽ hết thảy đều đã nằm trong an bài. Mười vạn thiên binh không bắt được Tôn Ngộ Không có lẽ là do kiếp nạn của Thiên cung, hoặc là nạn của chúng Thần. Phật tổ an bài Tôn Ngộ Không đến đại náo Thiên Cung chính là để các Thần hoàn trả nợ này, ngoài ra thông qua việc đó để đến thu phục (kết duyên) với Tôn Ngộ Không. Sau đó bắt Tôn Ngộ Không hoàn trả nợ nghiệp và trừ bỏ bớt ma tính bằng cách đè dưới núi Ngũ Hành Sơn 500 năm. Lại nữa khi Tôn Ngộ Không hết nợ nghiệp này thì cũng chính là lúc Đường Tăng được sinh ra, Tôn Ngộ Không sẽ phải nhận một người tầm thường, không có năng lực gì như Tam Tạng làm sư phụ – âu cũng chính là để Ngộ Không bỏ tâm kiêu ngạo cùng các nhân tâm khác đi, từ đó đắc được chính quả.