'Thái Bình cần lấn biển và làm ngay tuyến đường 10 làn kết nối với Hưng Yên'

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Thái Bình cần lấn biển để có không gian mới phát triển và nghiên cứu phát triển giao thông kết nối thuận lợi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình. Ảnh: VGP.

Sáng 12/5, tại tỉnh Thái Bình, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Bình 4 tháng đầu năm 2025 và nhiệm kỳ 2020 - 2025; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới; cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Kinh tế Thái Bình tăng trưởng tích cực, bứt phá công nghiệp và dịch vụ

Các báo cáo, ý kiến tại cuộc họp đánh giá, Thái Bình là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đang chuyển mình từ một tỉnh nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ và đô thị hiện đại. GRDP quý 1/2025 tăng 9,04% - cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025, đứng thứ 23/63 tỉnh, thành. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm ước đạt 8,36%/năm. CPI 4 tháng tăng 2,07%.

Nông nghiệp phát triển bền vững, toàn bộ 51 xã đạt chuẩn nông thôn mớ, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chính với tăng trưởng 17,1% trong 4 tháng. Các nhà máy nhiệt điện tổng công suất 1.800 MW đã hoạt động; dự án điện khí LNG công suất 1.500 MW đang triển khai. 4 khu công nghiệp mới đã thành lập.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP.

Thương mại, dịch vụ khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu tăng 11,1%, tổng mức bán lẻ tăng 16,1%. Thu ngân sách 4 tháng đạt 67,2% dự toán, tăng 60,8% so với cùng kỳ.

Môi trường đầu tư cải thiện, chỉ số PAPI xếp thứ 15, SIPAS thứ 21, PCI trong nhóm 30. Tỉnh hiện có 12.500 doanh nghiệp, gấp đôi so với 2020. FDI 4 tháng đạt trên 585 triệu USD, gấp gần 4 lần cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 20%, cao hơn bình quân cả nước. Hạ tầng giao thông được thúc đẩy mạnh mẽ với các dự án cao tốc, đường ven biển.

An sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục được bảo đảm. Phong trào “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” được triển khai mạnh mẽ, phấn đấu hoàn thành trước 20/6/2025.

Thủ tướng: Tập trung 5 định hướng, 9 nhiệm vụ trọng tâm để tạo bứt phá

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, biểu dương nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh. Đồng thời chỉ rõ tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế, kinh tế chưa thật sự bứt phá, chất lượng tăng trưởng còn hạn chế.

Thủ tướng định hướng Thái Bình cần đánh giá đúng tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh để tìm giải pháp đột phá, tăng trưởng 2025 đạt hai con số và phát triển bứt phá trong 5 năm tới. Trong đó tỉnh cần tập trung các nhiệm vụ như: Đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính và xây dựng chính quyền hai cấp sau khi sáp nhập với Hưng Yên, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả, chuyển từ thụ động sang chủ động phục vụ.

Thủ tướng chỉ đạo tỉnh nghiên cứu, xây dựng kế hoạch lấn biển để phát triển khu kinh tế, phát triển công nghiệp, bến cảng, hạ tầng. Ảnh: TTXVN.

Thủ tướng chỉ đạo tỉnh nghiên cứu, xây dựng kế hoạch lấn biển để phát triển khu kinh tế, phát triển công nghiệp, bến cảng, hạ tầng. Ảnh: TTXVN.

Tập trung tăng trưởng hai con số, lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực xã hội, làm mới 3 động lực truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, thương hiệu, đặc sản.

Triển khai hiệu quả các nghị quyết chiến lược của Bộ Chính trị, gồm khoa học công nghệ (Nghị quyết 57-NQ/TW), hội nhập quốc tế (Nghị quyết số 59-NQ/TW), pháp luật (Nghị quyết số 66/NQ-CP) và phát triển kinh tế tư nhân (Nghị quyết số 68-NQ/TW)

Đẩy mạnh kết nối kinh tế vùng, liên kết với đồng bằng sông Hồng, miền Trung, quốc tế qua Hải Phòng -Quảng Ninh, kết nối với Trung Quốc, kết nối khu vực, kết nối quốc tế.

Trong điều kiện đất hẹp, người đông, Thủ tướng chỉ đạo tỉnh nghiên cứu, xây dựng kế hoạch lấn biển để phát triển khu kinh tế, phát triển công nghiệp, bến cảng, hạ tầng; dành phần đất phía trong để phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Thủ tướng cũng chỉ đạo 9 nhiệm vụ cụ thể, bao gồm: rà soát và hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm kỳ; triển khai hiệu quả nghị quyết Trung ương; chuẩn bị tốt Đại hội Đảng các cấp; phát triển hạ tầng chiến lược (cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng đoạn qua Thái Bình phải xong trong 2026); cải cách hành chính mạnh mẽ (giảm ít nhất 30% thủ tục, thời gian, chi phí); bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, tổ chức tốt kỳ thi THPT; đẩy nhanh chương trình xóa nhà tạm; xây dựng nhà ở xã hội; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Thủ tướng đồng ý với các kiến nghị của tỉnh, yêu cầu xây dựng đề án cụ thể để phát triển khu kinh tế Thái Bình. Đặc biệt, đề nghị nghiên cứu, làm ngay tuyến đường 10 làn kết nối từ TP Hưng Yên đến TP Thái Bình, liên thông với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Ninh Bình - Hải Phòng.

Thủ tướng cũng đồng ý chủ trương xây dựng Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường, và phát triển Trường Đại học Y Dược Thái Bình thành cơ sở đào tạo hàng đầu, đạt chuẩn quốc tế, triển khai trong khoảng 2 năm. Trung ương sẽ hỗ trợ một phần kinh phí trong khuôn khổ thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW.

Thảo Ngân

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thai-binh-can-lan-bien-va-lam-ngay-tuyen-duong-10-lan-ket-noi-voi-hung-yen-41429.html