Thái Bình: Chiếu làng nghề 'lên đời' nhờ chuyển đổi số

Chuyển đổi số đã làm thay đổi bộ mặt của làng nghề dệt chiếu cói ở Thái Bình, từ chỗ có nguy cơ mai một trở thành 'ngôi sao' trên sàn thương mại điện tử.

Trải qua thăng trầm của thời gian, nghề dệt chiếu cói ở xã An Vũ (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) đã có lúc tưởng chừng như bị mai một khi đầu ra cho sản phẩm ngày càng bị bó hẹp. Nhiều người dân, nhất là những người trẻ, không còn mặn mà với công việc phải “chạy ăn từng bữa” như nghề dệt chiếu cói.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, làng nghề dệt chiếu cói tại xã An Vũ đã có sự thay đổi ngoạn mục. Quyết tâm của những thanh niên quê hương cùng với sự trợ giúp của công nghệ số, thương mại điện tử đã giúp nghề dệt chiếu cói tại An Vũ như được “cải tử hoàn sinh”.

Câu chuyện của những người đưa thương hiệu “Chiếu cói Thân Vui” (xã An Vũ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) lên sàn thương mại điện tử cũng chính là một trong những câu chuyện đầy cảm hứng về sự vươn lên của những làng nghề truyền thống trong dòng chảy của chuyển đổi số và công nghệ hiện đại.

Ông Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Marketing của Công ty TNHH Chiếu cói Thân Vui chia sẻ hành trình đưa sản phẩm chiếu cói Thân Vui lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Phong Lâm

Ông Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Marketing của Công ty TNHH Chiếu cói Thân Vui chia sẻ hành trình đưa sản phẩm chiếu cói Thân Vui lên sàn thương mại điện tử. Ảnh: Phong Lâm

"Đặt máy quay xuống là bà con bỏ chạy"

Với ông Nguyễn Văn Tuân, Giám đốc Marketing của Công ty TNHH Chiếu cói Thân Vui (đơn vị sở hữu thương hiệu Chiếu cói Thân Vui), hành trình đưa thương hiệu này lên sàn thương mại điện tử có vô vàn chông gai. Đây không chỉ là hành trình thay đổi phương thức tiêu thụ sản phẩm mà còn thay đổi tư duy của chính những người làm nghề truyền thống.

“Trước đây, bà con chủ yếu làm thuê, gia công cho các mối buôn. Làm đến đâu, bán đến đó, không chủ động được đầu ra, cũng không biết khách hàng là những ai, giá bán bao nhiêu. Người dân cứ hết việc thì nghỉ, không có khái niệm kế hoạch sản xuất hay marketing gì cả. Họ chỉ biết làm theo mùa vụ, khi thì dư thừa, khi thì thiếu hàng, rất bị động", ông Tuân chia sẻ.

Chính vì thế, khi quyết định đưa sản phẩm lên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, TikTok, Tiki, Lazada, ông Tuân và công ty mà ông cùng hai người bạn học đang chèo lái hiểu rằng, họ không chỉ đang thay đổi phương thức bán hàng, mà còn là thay đổi cả một tập quán sản xuất đã ăn sâu nhiều đời và thay đổi nào cũng cần thời gian.

Ông Tuân kể lại, thời gian đầu, việc livestream hay quay video để quảng bá sản phẩm là điều chưa từng có trong làng: "Cứ đặt máy quay xuống là bà con bỏ chạy cả chục mét. Mình phải đóng vai người dẫn chương trình, người hỏi, người trả lời, người quay phim luôn. Có hôm quay cả tiếng đồng hồ, về xem lại thấy không dùng được đoạn nào".

Nhưng từng ngày, những người dân hiền lành, mộc mạc, gắn bó với khung dệt, sợi cói... dần trở thành "người mẫu" của chính sản phẩm mình làm ra. Những video mộc mạc ghi lại quy trình dệt chiếu thủ công, câu chuyện của người thợ, giọng nói xứ đồng quê chân chất… lại chạm đúng cảm xúc của khách hàng.

“Họ còn chủ động quay video quá trình dệt chiếu, từ khâu phơi cói đến thành phẩm. Những video ấy thu hút hàng chục nghìn lượt xem, giúp người mua hiểu hơn, tin hơn vào sản phẩm”, ông Tuân cho hay.

Sản phẩm Chiếu cói Thân Vui được bán qua sàn thương mại điện tử với số lượng 250.000 sản phẩm/năm. Ảnh: Phong Lâm

Sản phẩm Chiếu cói Thân Vui được bán qua sàn thương mại điện tử với số lượng 250.000 sản phẩm/năm. Ảnh: Phong Lâm

Vụt sáng thành "ngôi sao" sàn thương mại điện tử

Từ chỗ chỉ có vài đơn tới vài chục đơn mỗi tháng khi mới lên sàn, chiếu cói Thân Vui bắt đầu có hàng trăm, rồi hàng ngàn đơn đặt hàng qua TikTok Shop. Doanh số sản phẩm này hiện đã tăng vọt lên 250.000 sản phẩm/năm, vượt xa thời kỳ chỉ làm gia công hay bán buôn truyền thống. Người dân trong làng không chỉ làm việc đều đặn quanh năm mà còn chủ động được kế hoạch sản xuất, vốn là điều mà trước đây họ chưa từng dám nghĩ tới.

Khi độ nổi tiếng của thương hiệu vươn xa, khách hàng không còn gói gọn ở Thái Bình mà trải dài khắp miền Bắc, miền Trung, thậm chí vào tận TP. Hồ Chí Minh. Không chỉ bán lẻ, nhiều khách buôn từ Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng tìm đến đặt hàng với số lượng lớn. Họ ấn tượng với thương hiệu chiếu sạch, chiếu có truy xuất nguồn gốc rõ ràng mà làng nghề của anh Tuân xây dựng được.

Không chỉ đem lại hiệu quả về tăng số lượng sản phẩm bán ra, việc ứng dụng công nghệ còn giúp làng nghề tiết kiệm chi phí vận hành, quản lý đơn hàng dễ dàng và phản hồi khách nhanh chóng. Đặc biệt, những người dân từng muốn bỏ nghề để lên thành phố lập nghiệp nay lại quay về, trở thành những người tham gia trực tiếp vào quá trình chuyển đổi số cho làng nghề.

“Thương mại điện tử không chỉ là con đường tăng doanh số mà còn là chiếc phao cứu sinh cho một nghề đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhờ bán hàng trực tuyến đem lại thu nhập cao hơn, cơ sở chúng tôi giữ chân được thợ lành nghề, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động trong xã. Có người còn xin học nghề trở lại vì thấy làm chiếu giờ cũng ra tiền, không còn nghèo như xưa nữa”, ông Tuân bộc bạch.

Nói về bí quyết duy trì sức hút của mặt hàng chiếu cói trên sàn thương mại điện tử, ông Nguyễn Văn Tuân cho rằng, chất lượng sản phẩm là yếu tố tiên quyết.

“Sản phẩm của chiếu cói Thân Vui không bị “lai tạp hóa” để phục vụ thị trường, mà vẫn giữ nguyên chất truyền thống. Chiếu của chúng tôi được làm từ cây cói thật. Nó có thể còn mùi cói, bị mốc nếu để lâu trong điều kiện ẩm, nhưng đó là đặc trưng tự nhiên. Giống như trái cây để lâu cũng sẽ hỏng, nhưng người ta yêu quý sản phẩm này bởi vì nó hàng thật, từ tự nhiên", ông Tuân nói.

Cũng theo ông Tuân, việc đưa sản phẩm làng nghề lên sàn thương mại điện tử đã làm sống lại giá trị thật của sản phẩm, kết nối lại mạch cảm xúc giữa người làm ra sản phẩm với người dùng. Và chính sự tử tế, chân thành, giản dị trong từng thước phim, từng câu chuyện livestream… đã giúp sản phẩm Chiếu cói Thân Vui tạo nên một cộng đồng gồm những người mua, người bán và người làm chiếu đầy gắn bó trên không gian mạng.

Việc đưa sản phẩm chiếu cói lên sàn thương mại điện tử đã giúp thay đổi cuộc sống của người dân làng nghề chiếu cói tại xã An Vũ (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Ảnh: Phong Lâm

Việc đưa sản phẩm chiếu cói lên sàn thương mại điện tử đã giúp thay đổi cuộc sống của người dân làng nghề chiếu cói tại xã An Vũ (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình). Ảnh: Phong Lâm

Thành công của thương hiệu Chiếu cói Thân Vui là minh chứng sinh động cho vai trò của chuyển đổi số, của thương mại điện tử trong việc “chắp cánh” cho hàng Việt. Những sản phẩm tưởng như chỉ quen thuộc ở chợ quê giờ có thể đến tận tay người tiêu dùng thành thị, thậm chí quốc tế chỉ sau một cú click chuột.

Câu chuyện của Chiếu cói Thân Vui cũng cho thấy, thương mại điện tử không chỉ giúp người dân thúc đẩy việc bán hàng. Nó là công cụ xây dựng thương hiệu, là kênh kết nối cảm xúc giữa người làm ra sản phẩm và người tiêu dùng. Nhờ đó, người nông dân như ông Tuân nói riêng và bà con xã An Vũ nói chung có thể trở thành doanh nhân số, biết làm chủ công nghệ và chạm tới những giấc mơ lớn hơn từ chính căn nhà nhỏ của mình.

Câu chuyện của Chiếu cói Thân Vui không chỉ là hành trình khởi nghiệp của một làng nghề truyền thống, mà còn là biểu tượng của sự đổi mới trong thời đại mới. Khi người Việt biết yêu nghề, ứng dụng công nghệ thông minh, thì dù sản phẩm có mộc mạc đến đâu, cũng có thể vươn xa.

Phong Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thai-binh-chieu-lang-nghe-len-doi-nho-chuyen-doi-so-387876.html