Thái Bình đề ra kịch bản tăng trưởng năm 2025 đạt 10,5% trở lên
Chiều 17/1, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, kỳ họp thứ 40 do Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã báo cáo Kế hoạch thực hiện kịch bản tăng trưởng 2 con số trong năm nay. Điều này thể hiện quyết tâm của tỉnh Thái Bình nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo của Trung ương để cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Theo đó, trên cơ sở rà soát, phát huy tiềm năng, lợi thế , dư địa của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2025 đạt 10,5% trở lên. Trong đó, tăng trưởng giá trị sản xuất các khu vực: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,6%; công nghiệp và xây dựng tăng 17,3% và dịch vụ tăng 10%.
Để đạt được mục tiêu này, ngành công nghiệp dự kiến tăng trưởng đạt 19,8%, trong đó có một số ngành, lĩnh vực kỳ vọng phát triển ổn định như: điện năng, sắt thép, dệt sợi, may mặc…
Tại Thái Bình, một loạt các nhà máy có tiềm năng đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển gồm: Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy luyện và cán thép Shengli, Nhà máy Lotes Thái Thụy, Nhà máy sản xuất Amon Nitrat; Nhà máy sợi Hương Sen, Nhà máy sợi Trà Lý, Nhà máy dệt Minh Long…
Bên cạnh đó, nhiều dự án sản xuất công nghiệp sẽ đi vào hoạt động, tạo ra năng lực mới trong năm 2025 như: Nhà máy Greenworks, Nhà máy Compal Việt Nam, Nhà máy sản xuất rượu Soju, Nhà máy sản xuất sợi gai 30 nghìn cọc sợi, Nhà máy sản xuất đồ chơi Kord…
Đối với ngành xây dựng, dự kiến tăng trưởng năm 2025 đạt 10%. Trước mắt, tỉnh sẽ khai thác tối đa dư địa để thúc đẩy tăng trưởng như: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư Khu công nghiệp VISP, Khu công nghiệp Hải Long, Khu công nghiệp Hưng Phú, Nhà máy Nhiệt điện LNG Thái Bình… và các dự án thứ cấp trong Khu kinh tế Thái Bình và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Mặt khác, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là công trình trọng điểm như: Cao tốc CT 08 (kế hoạch vốn 5.800 tỷ đồng), Tuyến đường bộ ven biển (952,8 tỷ đồng), tuyến đường trục trong Khu kinh tế Thái Bình (450 tỷ đồng), tuyến đường thành phố Thái Bình đi huyện Hưng Hà kết nối với tỉnh Hưng Yên (300 tỷ đồng)…
Tỉnh cũng tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án phát triển nhà ở đã được chấp thuận đầu tư như: Khu đô thị mới Kiến Giang, Khu đô thị mới Hoàng Văn Thái, Khu dân cư thị trấn Tiền Hải, Dự án phát triển nhà ở thương mại phường Trần Lãm…
Trong lĩnh vực nông nghiệp, sẽ nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, triển khai kế hoạch phát triển lúa gạo Thái Bình. Ngoài ra, hỗ trợ liên kết sản xuất, tích tụ ruộng đất, mua máy cấy, máy sấy phục vụ sản xuất. Thái Bình tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp xanh và bền vững.
Nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Rà soát các chỉ tiêu kinh tế đạt thấp, phân tích, đánh giá các tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển để đề ra các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, linh hoạt.
90
Chỉ đạo xây dựng mô hình mới và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả; rà soát cơ chế hỗ trợ, nghiên cứu cơ chế hỗ trợ xây dựng các thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực và hỗ trợ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Tỉnh khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Phấn đấu thu hút vốn đầu tư FDI năm 2025 đạt hơn 1 tỷ USD; tập trung thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh; phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công được giao.