Thái Bình hướng đến là trung tâm công nghiệp, năng lượng của vùng

Với tiềm năng sẵn có, quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định tỉnh sẽ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững dựa trên nghiên cứu phát triển điện gió, điện khí, cân bằng lượng phát thải.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Thái Bình. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Thái Bình. Ảnh: VGP

Sáng 5/3, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Quang Hưng cho biết:

Mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2030, Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Hồng, có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng Đồng bằng sông Hồng, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao.

Quy hoạch tỉnh đã xác định 4 trụ cột tăng trưởng, 3 khâu đột phá, 4 không gian kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế, định hướng phát triển các ngành và lĩnh vực và 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Quy hoạch tỉnh cũng có nhiều điểm mới, đột phá như mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động “lấn biển”, tạo quỹ đất cho các hoạt động chức năng, hình thành không gian công nghiệp - đô thị - dịch vụ.

Về hạ tầng giao thông, Thái Bình sẽ đầu tư 3 tuyến cao tốc là cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08), đường vành đai 5 - Hà Nội (CT.39) và tuyến CT.16 kết nối Khu kinh tế với thành phố Thái Bình và vùng kinh tế phía Tây Bắc Thủ đô. Tỉnh cũng sẽ đầu tư 101km đường sắt, khổ đường dự kiến rộng 1.435 mm và sân bay chuyên dụng nằm ở ven biển Thái Bình.

Về phát triển kinh tế, quy hoạch tỉnh Thái Bình xác định tỉnh sẽ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu, phát huy các tiềm năng, thế mạnh để đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển các ngành có thế mạnh và có thể tạo đột phá như năng lượng, cơ khí chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, điện - điện tử, chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản…

Đồng thời, tập trung nghiên cứu phát triển điện gió, điện khí để tạo nguồn điện sạch và cân bằng lượng phát thải, nghiên cứu đầu tư xây dựng nhà máy chế biến Condensate, chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình.

Về nông nghiệp, tỉnh Thái Bình vẫn xác định đây là "trụ cột quan trọng" trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu của Đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá Thái Bình có 4 tiềm năng, lợi thế lớn để có thể có sự bứt phá trong thời gian tới như vị trí địa lý và tiếp cận đất đai thuận lợi; từng là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới bài bản và nghiêm túc, nhận được sự quan tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và có nhiều doanh nhân người Thái Bình và luôn hướng về quê hương; có sự đoàn kết, thống nhất, trước hết là trong tập thể lãnh đạo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VGP.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VGP.

Về vị trí địa lý và tiếp cận đất đai, Phó Thủ tướng cho rằng trong tương lai, khi Luật Đất đai có hiệu lực, Thái Bình sẽ có nhiều điều kiện lấn biển để triển khai các dự án khu đô thị, khu công nghiệp thân thiện với môi trường.

Đối với nông nghiệp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh về lâu dài Thái Bình có thể ghi điểm từ phát triển công nghiệp nhưng trước mắt, đặc biệt trong lúc khó khăn thì nông nghiệp vẫn là nền tảng rất quý giá.

Mặt khác, ứng dụng của công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sẽ rút ngắn thời gian làm đồng của người nông dân, tạo điều kiện để Thái Bình huy động nguồn nhân lực trong nông nghiệp sang phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, một lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được như Thái Bình.

Bên cạnh những lợi thế trên, lãnh đạo Chính phủ chỉ ra một số khó khăn mà tỉnh phải đối mặt như Thái Bình đã sử dụng hết 1.600 ha chỉ tiêu đất công nghiệp trong giai đoạn này, đòi hỏi phải có phương án giải quyết thấu đáo trong thời gian tới để tỉnh tiếp tục phát triển công nghiệp.

Đồng thời, Thái Bình cũng phải cạnh tranh với những địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh trong thu hút FDI trong khi phát triển cơ sở hạ tầng chưa theo kịp mong muốn.

Do vậy, khi triển khai quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng nhắn nhủ tới địa phương 8 chữ: Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và thấu hiểu. Đồng thời, tỉnh cũng phải "linh hoạt" trong tổ chức thực hiện, trong trường hợp cá biệt cụ thể, điều chỉnh mục tiêu cho phù hợp.

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã dự Lễ khởi công dự án Nhà máy Pegavision Việt Nam tại khu công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Lễ khởi công Dự án Nhà máy Pegavision Việt Nam tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Ảnh: VGP.

Lễ khởi công Dự án Nhà máy Pegavision Việt Nam tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái. Ảnh: VGP.

Nhà máy Pegavision Việt Nam do công ty Pegavision Corporation thực hiện với tổng vốn đầu tư 4.680 tỷ đồng tương đương 200 triệu USD chuyên sản xuất kính áp tròng, thiết bị y tế với công suất thiết kế 600 triệu sản phẩm/năm.

Khi đi vào hoạt động ổn định, dự kiến doanh thu của dự án đạt khoảng 2.800 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 86 tỷ/năm, giải quyết việc làm cho 1.140 lao động. Nhà đầu tư, tổng thầu thi công phấn đấu hoàn thành xây dựng, lắp đặt máy móc phục vụ sản xuất giai đoạn I của dự án trong quý 4/2024 và sẽ khởi công xây dựng dự án giai đoạn II vào quý 4/2027.

Pegavision Coporation thành lập năm 2009 có trụ sở chính ở Đài Loan nghiên cứu, phát triển và sản xuất kính áp tròng mềm và các thiết bị quang học y tế. Các sản phẩm do Pegavision sản xuất chủ yếu cung cấp cho các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu.

Thảo Ngân

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/thai-binh-huong-den-la-trung-tam-cong-nghiep-nang-luong-cua-vung-post32279.html