Thái Lan lên kế hoạch 'chống sốc' trước các 'đòn thuế quan' của Mỹ
Chủ tịch FTI Kriengkrai Thiennukul, cho biết tổ chức này đã thảo luận với 47 nhóm ngành và 11 cụm ngành để đánh giá tác động của mức thuế quan đối ứng 36% mà Tổng thống Mỹ dự kiến áp dụng từ ngày 1/8.

Công nhân làm việc tại một nhà máy sản xuất ôtô ở Rayong, Thái Lan. (Ảnh: THX/TTXVN)
Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) vừa lên tiếng cảnh báo nước này đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế “chưa từng có”, đồng thời kêu gọi chính phủ cần hành động nhanh chóng để bảo vệ năng lực cạnh tranh xuất khẩu của đất nước, trong bối cảnh Mỹ sắp tăng thuế nhập khẩu hàng hóa.
Chủ tịch FTI, Kriengkrai Thiennukul, cho biết tổ chức này đã thảo luận với 47 nhóm ngành và 11 cụm ngành để đánh giá tác động của mức thuế quan đối ứng 36% mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến áp dụng từ ngày 1/8 với các loại hàng hóa nhập khẩu từ Thái Lan.
Theo FTI, các ngành công nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng cao nhất bao gồm máy móc và linh kiện, thiết bị điện (phụ thuộc hơn 28–35% vào thị trường Mỹ), cũng như cao su, đồ nội thất, phụ tùng ôtô, đồ chơi, thép, đồ da và gốm sứ - tất cả đều được phân loại là rất dễ bị tổn thương.
Sau các cuộc thảo luận, FTI vạch ra chiến lược 4 điểm để bảo vệ năng lực cạnh tranh của Thái Lan, cũng như giảm thiểu tác động từ thuế quan của Mỹ.
Điểm thứ nhất là các biện pháp hỗ trợ cho các nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng, bao gồm: Các khoản vay ưu đãi lãi suất thấp, hoãn nợ và giảm lãi suất; Giảm thuế doanh nghiệp cho các nhà xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi thuế quan ; Trợ cấp và giảm chi phí cho dịch vụ hậu cần, thủ tục hải quan, phí chứng nhận xuất xứ (C/O) và dịch vụ tiện ích; Khấu trừ thuế gấp 3 lần cho chi phí pháp lý phát sinh khi thuê các công ty luật tại Mỹ để hỗ trợ đàm phán.
Điểm thứ hai là đa dạng hóa và mở rộng thị trường, bao gồm: Đẩy nhanh đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) mới; Thúc đẩy các chương trình hỗ trợ xuất khẩu và các phái đoàn thương mại; Củng cố nhu cầu trong nước và mua sắm chính phủ đối với các sản phẩm sản xuất tại Thái Lan (MiT), bao gồm việc áp dụng MiT bắt buộc trong các cơ quan chính phủ, khấu trừ thuế gấp đôi cho các doanh nghiệp được chứng nhận MiT, các ưu đãi MiT bổ sung vào cuối năm gắn liền với việc tăng cường sử dụng hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa cao và tạo việc làm.
Điểm thứ ba là thúc đẩy nội địa hóa, theo đó ngoài các biện pháp hiện có của Hội đồng đầu tư Thái Lan (BoI), FTI kêu gọi giảm thuế doanh nghiệp hơn nữa cho các công ty tìm nguồn cung ứng có tỷ lệ nội địa hóa hơn 90% và các ưu đãi để cải thiện năng suất.
Điểm cuối cùng của kế hoạch này là quản lý biến động tiền tệ. FTI kêu gọi Chính phủ Thái Lan đảm bảo đồng baht không mạnh hơn các đồng tiền khu vực, từ đó duy trì lợi thế xuất khẩu của Thái Lan.
Ông Kriengkrai nhấn mạnh tính cấp thiết của nỗ lực phối hợp quốc gia. Theo ông, Thái Lan hiện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong lịch sử hiện đại.
Nhưng với sự hợp tác mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực và các ngành, cuộc khủng hoảng này có thể trở thành một bước ngoặt - một cơ hội để chuyển đổi và củng cố nền tảng kinh tế của đất nước.
Trong một diễn biến liên quan, các nhà sản xuất phụ tùng ôtô Thái Lan cũng đang chuẩn bị ứng phó với tác động của chính sách thuế quan mạnh tay của Washington, cùng với những lo ngại về biến động giá thép toàn cầu có thể ảnh hưởng đến ngành công nghiệp ôtô.
Ông Suphot Sukphisarn, Chủ tịch Câu lạc bộ Công nghiệp Phụ tùng Ôtô thuộc FTI, cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi tiến độ của việc áp dụng thuế quan đối ứng và thuế quan phụ tùng ôtô.”
Ngày 2/4, Tổng thống Trump đã áp thuế 25% đối với ôtô sản xuất nước ngoài. Sau đó, vào ngày 3/5, ông đã ban hành thuế nhập khẩu 25% đối với động cơ, hộp số và các bộ phận quan trọng khác của xe.
Các nhà sản xuất phụ tùng ôtô Thái Lan bán sản phẩm cho nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ. Theo Hải quan và Bộ Thương mại Thái Lan, năm 2024, Thái Lan đã xuất khẩu ôtô, phụ kiện và phụ tùng ô tô trị giá 1,89 tỷ USD sang thị trường Mỹ. Trong 5 tháng đầu năm nay, giá trị các sản phẩm trong danh mục này được xuất khẩu sang Mỹ đạt 766 triệu USD.
Các nhà sản xuất phụ tùng ôtô trong nước cũng bán sản phẩm cho các nước khác, ngoài Mỹ. Theo FTI, nếu các nước này lắp ráp ôtô và xuất khẩu sang Mỹ, các nhà sản xuất phụ tùng Thái Lan vẫn phải đối mặt với tác động gián tiếp của mức thuế 25% đối với ôtô sản xuất nước ngoài.
Nhận định về mức thuế chung 36% dự kiến sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8 khi xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ, ông Suphot nói, nếu mức thuế này làm chậm xuất khẩu của Thái Lan, nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước, gây tổn hại cho nền kinh tế trong khi ngành công nghiệp ô tô phải gánh chịu hậu quả nặng nề.
Ông Sukphisarn cho biết có tới 90% phụ tùng ôtô trên thị trường nội địa được cung cấp cho việc lắp ráp xe bán tải, vốn đang phải vật lộn để đối phó với doanh số bán hàng chậm chạp.
Trong ngành thép, Nippon Steel của Nhật Bản đã hoàn tất thương vụ mua lại US Steel trị giá 14,9 tỷ USD vào tháng 6/2025, sau các cuộc đàm phán kéo dài 18 tháng.
Ông Suphot cho biết một số người trong ngành lo ngại việc tiếp quản này sẽ ảnh hưởng đến giá thép toàn cầu. Nếu thép trở nên đắt đỏ, việc lắp ráp ôtô có thể chậm lại, ảnh hưởng đến sản xuất phụ tùng ôtô./.