Thái Lan rà soát chống bán phá giá ống dẫn bằng sắt từ Việt Nam
Sản phẩm thuộc đối tượng rà soát là các mặt hàng ống, ống dẫn bằng sắt hoặc thép thuộc các mã HS 7306.19, HS 7306.29, HS 7306.30, HS 7306.40, HS 7306.50; HS 7306.61, HS 7306.69, HS 7306.90.

Vận chuyển thép thành phẩm đến các khu tập kết. (Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN)
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Cục đã nhận được thông tin về việc Cục Ngoại thương Thái Lan (Cơ quan điều tra phòng vệ thương mại) khởi xướng rà soát cuối kỳ lệnh áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng ống, ống dẫn bằng sắt hoặc thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Việc rà soát cuối kỳ thuế chống bán phá giá nhằm đánh giá xem lệnh áp thuế chống bán phá giá hiện hành có nên được duy trì hay dỡ bỏ hay không; xác định việc xóa bỏ thuế có khả năng dẫn đến việc tiếp tục hay tái diễn tình trạng bán phá giá gây hại cho ngành sản xuất trong nước hay không, thường là sau một thời gian nhất định (5 năm) kể từ khi lệnh áp thuế ban đầu được áp dụng.
Sản phẩm thuộc đối tượng rà soát được phân loại theo mã HS là các mặt hàng ống, ống dẫn bằng sắt hoặc thép thuộc các mã HS 7306.19, HS 7306.29, HS 7306.30, HS 7306.40, HS 7306.50; HS 7306.61, HS 7306.69, HS 7306.90 nhập khẩu từ Việt Nam, ứng với 171 mã HS theo Luật Hải quan Thái Lan.
Nguyên đơn là Metal tube and sheet Processing Manufactures Association. Mức thuế đang áp dụng từ 6,97% đến 51,61% kể từ tháng 2/2020. Thuế chống bán phá giá trên sẽ tiếp tục được áp dụng dưới hình thức tiền đặt cọc trong thời gian 1 năm kể từ ngày 13/2/2025 hoặc cho đến lúc có kết quả rà soát cuối cùng.
Vì vậy, bản câu hỏi điều tra tới các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam kể từ ngày 24/2/2025. Các doanh nghiệp không nhận được bản câu hỏi điều tra và muốn tham gia vụ việc có thể gửi yêu cầu tới cơ quan điều tra trong vòng 15 ngày kể từ ngày đăng công báo khởi xướng (tức muộn nhất là ngày 25/2/2025).
Theo Cục Phòng vệ thương mại, các bên liên quan được đề nghị gửi thông tin và bình luận về vụ việc, yêu cầu tổ chức điều trần tới cơ quan điều tra trong vòng 30 ngày kể từ ngày thông báo khởi xướng được đăng trên công báo (tức muộn nhất là ngày 12/3/2025, có thể xin gia hạn).
Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị Hiệp hội Thép Việt Nam thông báo cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu có liên quan và lưu ý doanh nghiệp tham gia nếu cần thiết.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần đăng ký tham gia và trả lời bản câu hỏi điều tra đúng thời hạn và thể thức quy định. Việc không cung cấp thông tin sẽ khiến cơ quan điều tra dựa vào dữ liệu sẵn có (thường là bất lợi) để xác định tiếp tục duy trì lệnh áp thuế thêm 5 năm nữa.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần liên lạc và phối hợp với Cục Phòng vệ thương mại để nhận được thông tin cập nhật và sự hỗ trợ kịp thời./.