Thái Lan và Campuchia có nguy cơ 'vỡ trận' vì Covid-19

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, Campuchia đang trên bờ vực 'thảm kịch quốc gia' do đại dịch Covid-19. Trong khi đó, dịch bệnh cũng tái bùng phát mạnh tại Thái Lan.

Một phụ nữ ở Phnom Penh lấy mẫu xét nghiệm. Ảnh: Phnom Penh Post

Campuchia 12/4 báo cáo 227 ca nhiễm nCoV mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 lên 4.515. Số ca tử vong là 30. Nước này cũng báo cáo hơn 1.000 ca nhiễm chỉ trong hai ngày trước đó, phần lớn là công nhân may mặc và tiểu thương ở chợ.

Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Li Ailan cảnh báo Campuchia đang "đứng bên bờ vực thảm kịch quốc gia" do Covid-19. "Hệ thống y tế Campuchia có nguy cơ vỡ trận và gây hậu quả thảm khốc nếu không thể chặn được đợt bùng phát", bà cho hay.

Các ca nhiễm mới chủ yếu liên quan đến một ổ dịch bùng phát hồi tháng hai bắt nguồn từ cộng đồng người Trung Quốc tại đây, được gọi chung là "sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2". Đây là ổ dịch thứ ba lây lan trong cộng đồng ở Campuchia và là đợt bùng phát lớn nhất từ trước tới nay.

Ca tử vong mới nhất là một phụ nữ 61 tuổi sống tại khu Prek Pnov ở thủ đô Phnom Penh. Người này xét nghiệm dương tính với Covid-19 hôm 30/3 và tử vong trong khi đang được điều trị tại bệnh viện Luong Mer, bệnh viện tư nhân được quốc hữu hóa để tiếp nhận các bệnh nhân Covid-19.

Trong cả năm 2020, Campuchia chỉ ghi nhận khoảng 500 ca nhiễm Covid-19, vậy nên, con số ca nhiễm lên tới trên 4.000 hiện nay và mức tăng ba con số những ngày gần đây thực sự là dấu hiệu đáng lo ngại, giới quan sát đánh giá.

Giới chức Campuchia tuần trước bắt đầu áp lệnh cấm đi lại giữa các tỉnh, lệnh giới nghiêm ban đêm ở thủ đô Phnom Penh và đóng cửa các điểm du lịch nổi tiếng. Nhà chức trách Phnom Penh cũng bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang và bất kỳ ai vi phạm sẽ phải đối mặt án phạt lên đến 250 USD.

Campuchia đã thông qua một luật nghiêm ngặt nhằm ngăn Covid-19, trong đó nêu rõ những người coi thường quy định phòng dịch có thể bị phạt tù tới 20 năm.

"Những ai vi phạm các biện pháp phòng dịch sẽ bị kết án", Thủ tướng Campuchia Hun Sen ngày 10/4 tuyên bố trên truyền hình quốc gia. "Tôi chấp nhận bị gọi là độc tài nhưng tôi sẽ được tôn trọng vì đã bảo vệ cuộc sống của người dân".

Giới chức y tế cho hay hai tuần qua, virus đã lây lan nhanh chóng thông qua các nhà hàng, khu chợ cùng những địa điểm khác, nơi người dân có thể tụ tập ăn uống. Tòa Thị chính Phnom Penh phải áp đặt lệnh cấm dùng bữa tại các quán ăn trong nhà và bán đồ uống có cồn.

Đại diện WHO ở Campuchia Li Ailan khuyên ngay cả những người đã tiêm vaccine Covid-19 cũng cần hành động có trách nhiệm để ngăn virus lây lan rộng hơn.

Trong khi đó, chính quyền Thái Lan ngày 12/4 cho biết nước này vừa ghi nhận thêm 985 ca mắc COVID-19 mới, phá kỉ lục một ngày trước đó (967 ca). Con số này nâng tổng số ca bệnh lên 33.610 ca, với 97 ca tử vong.

Đợt bùng phát thứ ba xảy ra tại Thái Lan ngay trước dịp lễ Songkran.

Theo truyền thống, hàng nghìn người Thái Lan sẽ trở về quê nhà trong kỳ nghỉ lễ Songkran, chính thức bắt đầu vào thứ Ba, 13/4.

Các nhà chức trách đã khuyến cáo người dân nên hạn chế di chuyển để giảm nguy cơ lây lan dịch bênh.

Gần 40 tỉnh thành Thái Lan đã áp dụng lệnh hạn chế đi lại và kiểm dịch đối với những người trở về từ các ổ dịch COVID-19, bao gồm thủ đô Bangkok.

Hôm thứ Bảy, chuyên gia dịch tễ học của Đại học Chulalongkorn, Tiến sĩ Yong Poovorawan cho biết chủng COVID-19 đang hoành hành ở Thái Lan “hoàn toàn giống với chủng virus ở Campuchia”.

“Chủng mới nhất được tìm thấy ở Thái Lan không khớp 100% với chủng Anh hoặc các chủng khác, nhưng lại trùng khớp 100% với chủng Campuchia”, ông Poovorawan viết.

“Chủng Campuchia đã được phát hiện lây lan ở Campuchia khoảng sáu tuần trước khi nó được phát hiện ở Thái Lan."

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/thai-lan-va-campuchia-co-nguy-co-vo-tran-vi-covid-19-post127796.html