Thái Nguyên đệ nhất danh trà

Vùng đất được coi là 'cái nôi' sản sinh ra những sản phẩm trà thơm ngon nức tiếng là Thái Nguyên, với thương hiệu trà đã vang danh ở cả trong và ngoài nước.

Thái Nguyên là vùng đất bán sơn địa, thiên nhiên đã khéo tạo ra một vùng sinh thái rất phù hợp với cây chè, được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà”. Tựa vào dãy Tam Đảo, những đồi chè Thái Nguyên đón trọn vẹn nắng sớm bình minh và bức xạ mặt trời khi về chiều. Nền đất feralit và phù sa cổ với nguồn nước tưới từ sông Công, sông Cầu, hồ Núi Cốc cùng kinh nghiệm trồng, chế biến lâu đời của người dân đã tạo nên vị trà thanh đượm, vị chát nhẹ và ngọt hậu. Không phải vô cớ mà nói rằng, muốn thưởng trà đúng phải thưởng trà Thái Nguyên. Bởi, Thái Nguyên là vùng đất dường như sinh ra để nuôi dưỡng cây chè, cho ra những sản phẩm mang hương vị rất riêng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm vùng nguyên liệu của Hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên), ngày 10/1/2023.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm vùng nguyên liệu của Hợp tác xã chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, TP. Thái Nguyên), ngày 10/1/2023.

Không gian văn hóa Trà Tân Cương.

Không gian văn hóa Trà Tân Cương.

Cụ Nghè Sổ – Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân, người làng Trâu Lỗ, nay thuộc xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, sinh năm Đinh Mão 1867, đỗ đầu tiến sĩ khoa năm Tân Sửu 1901, đời vua Thành Thái. Sau khi được bổ nhiệm làm Tuần phủ xứ Thái Nguyên, cụ cho lập một đơn vị hành chính mới là Tân Cương; chiêu hiền đãi sĩ, chiêu mộ dân dưới xuôi cùng dân bản địa lập nên làng Tân Cương với nghề trồng chè. Cụ được tôn vinh làm Thành hoàng làng sống.

Một trong những cư dân đầu tiên của làng Tân Cương là ông Đội Năm – tên thật là Vũ Văn Hiệt – sinh năm 1883 tại xã Bạch Xam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Ông là người đem cây chè miền trung du Phú Thọ về trồng và phát triển làng nghề. Ngày đó, xưởng trà của ông Đội Năm đã khá quy mô, có đến 40 – 50 người làm công thu hái và sao chế chè. Lấy xóm Guộc làm trung tâm, ông biến đất rừng ở đây và dọc hai bờ sông Công thành bãi chè. Về sau mở cả sang đối diện xóm Guộc bên hữu ngạn sông Công.

Như được kết duyên gặp người, gặp đất, cây chè ở đây phát triển tốt. Trong lần tham gia đấu xảo đầu tiên tại Hội chợ Thương mại Hà Nội năm 1935, trà Tân Cương lấy tên “Cánh Hạc” đã đoạt giải Nhất. Hương trà thơm cứ vậy bay xa hơn làm đắm say người mê trà cả nước.

Với những đóng góp lớn trong việc xây dựng thành công một vùng chè, mở xưởng chế biến, kết hợp giao thương khắp ba miền đất nước, ông Đội Năm đã được nhân dân tôn vinh là ông Tổ ngành trà của vùng Thái Nguyên.

Từ đó, nhiều người dân Thái Nguyên gắn cuộc đời mình với cây chè, trồng, hái, phơi, sao chè theo cách mà cha ông đã làm, với mong ước để hương sắc của Đệ nhất danh trà trường tồn với thời gian.

Chè là 1 trong 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên, có giá trị kinh tế cao và đã có mặt tại một số nước, vùng lãnh thổ trên thế giới, chủ yếu là các nước Trung Đông, một số nước châu Á, Bắc Mỹ và Đông Âu.

Chè chế biến được xuất khẩu với giá từ 1.500-2.000 USD/tấn. Ở trong nước, chè Thái Nguyên có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định và giá bán luôn cao hơn các vùng chè khác trong nước:

Chè Thái Nguyên được chế biến bằng 2 phương pháp: Thủ công, bán thủ công và công nghiệp. Sản lượng chè chế biến đạt khoảng 52.000 tấn. Với chính sách đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống chè kết hợp ứng dụng tiến bộ KHCN trong sản xuất chè nguyên liệu gắn với chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đến nay tỉnh Thái Nguyên có diện tích chè giống mới chiếm 82,7%. Diện tích áp dụng tiêu chuẩn VieGAP được chứng nhận đạt 4.357ha, chứng nhận tiêu chuẩn UTZ Certified và hữu cơ đạt 76ha; xây dựng và thiết lập được 31 mã số vùng trồng theo TCCS 774:2020/BVTV và được định vị trên hệ thống toàn cầu GPS. Qua đó, sản lượng chè búp tươi an toàn, hữu cơ được chứng nhận đạt tiêu chuẩn chiếm 16% tổng sản lượng chè của tỉnh, cho giá trị sản xuất cao hơn so với sản xuất thông thường từ 15-25%.

Ở Thái Nguyên ngày nay có bốn vùng trồng chè nổi tiếng là: Tân Cương (TP. Thái Nguyên), La Bằng (Đại Từ), Trại Cài (Đồng Hỷ) và Khe Cốc (Phú Lương) được mệnh danh là “Tứ đại danh trà” đất Thái Nguyên. Đây chính là các vùng nguyên liệu để sản xuất ra những sản phẩm chè đặc sản nổi tiếng và đã được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Thường mỗi gia đình ở đây đều có vườn chè và lò sấy riêng. Chủ hộ đóng rất nhiều vai: Người nông dân cần cù khi trồng và chăm sóc cây chè, người công nhân giỏi khi chế biến và một thương nhân khi bán hàng. Mỗi một vùng, mỗi một nhà đều có hương vị trà khác nhau với các bí quyết riêng.

Đặc biệt, sản phẩm chè Tân Cương đã được chọn vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam, vùng chè đặc sản Tân Cương được vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương”.

Bên cạnh những thương hiệu chè nổi tiếng của vùng “Tứ đại danh trà” là thương hiệu có tên tuổi của các doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh chè. Điển hình như: Công ty CP Chè Hà Thái, Công ty CP Tập đoàn Tân Cương Hoàng Bình, Công ty CP NTEA, Công ty CP Trà Việt Thái, Công ty TNHH Trung Nguyên, Công ty Xuất nhập khẩu Thái Nguyên, HTX Chè Hảo Đạt, HTX Chè La bằng, HTX Chè Tuyết Hương, HTX Chè Tân Hương, HTX Chè an toàn Khe Cốc…

Ở Thái Nguyên, Lễ hội Trà Xuân bắt nguồn từ xóm Guộc, xã Tân Cương - nơi được coi là đất tổ của cây chè Thái Nguyên. Lễ hội độc đáo này được chính nhân dân xóm Guộc tổ chức hàng năm vào dịp đầu Xuân, với các hoạt động như thi pha trà mời khách, văn nghệ, tung còn, đánh đu, chọi gà, đấu võ, bình thơ…

Sau này, Lễ hội được nâng quy mô thành Lễ hội Chè xuân Tân Cương với nhiều nội dung đặc sắc hơn, như trình diễn pha trà, mời trà. Dần dần, hoạt động văn hóa này được nhân rộng ra các vùng chè trong tỉnh, là nét văn hóa đặc trưng của tỉnh Thái Nguyên.

Cùng với nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” và chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”, nhiều sản phẩm chè ở những vùng chè đặc sản như: La Bằng, Đại Từ, Trại Cài, Vô Tranh, Tức Tranh, Phổ Yên... đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu tập thể; “Chè Phú Lương”, “Chè Võ Nhai” đã được cấp nhãn hiệu chứng nhận.

Đến nay có 186 tổ chức, cá nhân sản xuất chè được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên”; 57 tổ chức, cá nhân được cấp quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”.

Thực hiện đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2019 -2025” (Đề án OCOP), đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 121 sản phẩm chè được chứng nhận OCOP, trong đó 01 sản phẩm đạt 5 sao và 120 sản phẩm đạt 3-4 sao. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng thương hiệu chè gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, thế mạnh.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/multimedia/emagazine/202309/thai-nguyen-de-nhat-danh-tra-a8556ed/