Thái Nguyên huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

Trong bối cảnh vốn đầu tư công hạn hẹp, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được nguồn vốn lớn từ khu vực ngoài ngân sách để phát triển kinh tế, xã hội. Ðến nay, tỉnh đã huy động được hơn 110 nghìn tỷ đồng đầu tư vào nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, để giải ngân hợp lý, hiệu quả nguồn vốn này, bên cạnh nỗ lực của tỉnh và các doanh nghiệp (DN), cần sự đồng hành của các bộ, ngành trung ương.

Sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Công ty CP Ðầu tư và Thương mại TNG.

Sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu tại Công ty CP Ðầu tư và Thương mại TNG.

Trong bối cảnh vốn đầu tư công hạn hẹp, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút được nguồn vốn lớn từ khu vực ngoài ngân sách để phát triển kinh tế, xã hội. Ðến nay, tỉnh đã huy động được hơn 110 nghìn tỷ đồng đầu tư vào nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, để giải ngân hợp lý, hiệu quả nguồn vốn này, bên cạnh nỗ lực của tỉnh và các doanh nghiệp (DN), cần sự đồng hành của các bộ, ngành trung ương.

Ðộng lực cho phát triển

Với vị trí địa lý thuận lợi, nhiều tiềm năng, những năm gần đây kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ. Ðến nay cơ cấu công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm 90%, thu nhập bình quân đầu người đạt 83,5 triệu đồng/năm, thu ngân sách đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, gấp hai lần so với năm 2015.

Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực, cùng cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, cho nên Thái Nguyên đã thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn ngoài ngân sách. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn, như Samsung Thái Nguyên có tổng mức đầu tư gần bảy tỷ USD, dự án khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo có tổng mức đầu tư một tỷ USD đi vào hoạt động, đưa Thái Nguyên trở thành tỉnh xuất khẩu lớn thứ tư cả nước. Hệ thống hạ tầng giao thông được cải thiện. Ðường Bắc Sơn kéo dài là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BT, dài 9,5 km, rộng 61 m với hệ thống hạ tầng đồng bộ có số vốn hơn 2.000 tỷ đồng do DN Xây dựng Xuân Trường đầu tư kết nối với cao tốc Thái Nguyên - Hà Nội và TP Thái Nguyên với hồ Núi Cốc, dự kiến hoàn thành trong năm nay, góp phần rút ngắn thời gian, cũng như "đánh thức" tiềm năng của danh thắng này. Ðồng thời, tuyến đường sẽ là động lực thúc đẩy các dự án tâm linh, khách sạn, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, sân gôn đã được tỉnh Thái Nguyên phê duyệt chủ trương đầu tư vào khu vực hồ Núi Cốc, tạo thêm quỹ đất lớn để phát triển đô thị, dịch vụ nhất là du lịch vùng đặc sản chè Tân Cương phía tây TP Thái Nguyên.

Nói về chủ trương thu hút đầu tư, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên T.Ư. Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, Thái Nguyên có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các DN đầu tư theo hướng khai thác tiềm năng, thế mạnh và thu hút lao động tại địa phương. Trong các cuộc họp, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường xuyên bàn về việc này. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành luôn đồng hành, đối thoại và cùng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN, nhưng cũng thường xuyên kiểm tra, rà soát và kiên quyết thu hồi giấy phép đối với những trường hợp không thực hiện đúng cam kết, nhất là những anh "đánh võng" hay "cắm sào đợi nước". Với chủ đầu tư không còn đủ năng lực thì tỉnh mời nhà đầu tư mới kết nối chuyển giao, không để dự án "treo".

Cùng chúng tôi đi thăm các dự án đường Bắc Sơn kéo dài và Danko City Thái Nguyên, Bí thư Thành ủy Thái Nguyên Ðoàn Thị Hảo chia sẻ, khó khăn nhất trong thực hiện dự án là giải phóng mặt bằng, không làm quyết liệt thì khó bảo đảm được tiến độ. Mỗi dự án có nhiều nhà đầu tư tham gia đấu thầu, nhưng lợi thế bao giờ cũng thuộc về DN có năng lực tài chính và uy tín. Sau thời gian ngắn được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Công ty CP Tập đoàn Danko, chủ đầu tư của Danko City Thái Nguyên đã triển khai thi công nhiều hạng mục công trình cho dự án 50 ha này với khoảng 1.500 sản phẩm, bao gồm biệt thự, liền kề, shophouse, ngoài ra còn có quảng trường rộng 35.000 m2, tháp biểu tượng Victory cao 42 m, sân khấu nhạc nước, bến du thuyền, trung tâm thương mại, công viên cây xanh cảnh quan,... Giữa công trình còn bộn bề, chúng tôi thấy đã hiện rõ hình hài một khu đô thị hiện đại với hệ thống hạ tầng, cảnh quan đồng bộ.

Sau khi được trao chứng nhận đăng ký đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018, Công ty CP Thương mại Thái Hưng khẩn trương triển khai Dự án Khu tổ hợp thương mại, trường học và nhà ở Gia Sàng với tổng vốn đầu hơn 2.000 tỷ đồng. Chỉ trong thời gian ngắn, chủ đầu tư tập trung nguồn lực, huy động trang thiết bị, biến khu đất rộng lớn bị ô nhiễm khói bụi, hoang vu thành trường liên cấp chất lượng cao, khu đô thị hiện đại. Từ năm học 2019 - 2020, DN này đưa trường tư thục phổ thông liên cấp đầu tiên đi vào hoạt động với cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học đồng bộ, hiện đại, phương pháp dạy học tiên tiến, tạo luồng sinh khí mới cho giáo dục phổ thông ở Thái Nguyên.

Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Thái Hưng Nguyễn Thị Vinh cho biết: Là DN chuyên sản xuất và kinh doanh thép xây dựng, nhưng nhận thấy cải cách hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều cải thiện, ổn định, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, cho nên đơn vị quyết định đầu tư sang lĩnh vực đô thị, giáo dục và đã đạt những kết quả bước đầu.

Sau hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 đến nay, tỉnh Thái Nguyên thu hút 113,5 nghìn tỷ đồng từ 43 tập đoàn kinh tế, DN đầu tư 61 dự án, trong đó 15 dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp; 18 dự án đầu tư hạ tầng giao thông và đô thị; 13 dự án đầu tư thương mại, dịch vụ và du lịch; bốn dự án đầu tư vào lĩnh vực vệ sinh môi trường; ba dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Với sự đồng hành của tỉnh và nỗ lực của các nhà đầu tư, đến nay có 28 dự án giải ngân với số vốn hơn 17,5 nghìn tỷ đồng, tạo động lực mới phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, UBND tỉnh cũng đã hủy bỏ biên bản ghi nhớ đầu tư đối với bảy dự án và hai nhà đầu tư.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Mặc dù thu hút được nguồn lực lớn đầu tư vào nhiều lĩnh vực, nhưng việc triển khai các dự án gặp không ít vướng mắc, khó khăn. Ðiển hình như Dự án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu với khoảng 10 dự án thành phần, tổng số vốn đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng do Công ty CP Sông Cầu - Thái Nguyên là đại diện đầu tư, bị ách tắc hơn hai năm qua do vướng khâu hoàn thiện thủ tục hành chính, điều chỉnh quy hoạch, nay lại đang chờ kết luận của thanh tra. Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa Ðá Thiên, huyện Ðồng Hỷ đã được trao Quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc (Ninh Bình) với tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng, thời gian và tiến độ thực hiện dự án nêu rõ quý II - 2018 hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, lập phương án bồi thường giải phóng mặt bằng; từ năm 2019 thi công các hạng mục, nhưng đến nay vẫn chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhiều thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện.

Việc triển khai các dự án tại Thái Nguyên trên thực tế cần điều chỉnh các quy hoạch, như: quy hoạch chung, quy hoạch ba loại rừng, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sân gôn, thủy điện; phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất... Mặt khác, có một số dự án chồng chéo về địa điểm đầu tư, khó khăn về giải phóng mặt bằng. Ðồng thời, một số DN lớn ký biên bản ghi nhớ đầu tư (chiếm khoảng 40% tổng số vốn cam kết đầu tư vào tỉnh tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018) nhưng đến nay chưa tích cực triển khai... cho thấy để hấp thụ được nguồn vốn đầu tư lớn cần sự nỗ lực, quyết tâm không chỉ của tỉnh, DN, mà còn cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương.

Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch HÐQT Tập đoàn An Khánh Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 thành công về số lượng và tổng mức đầu tư. Nhưng để nguồn lực quan trọng này triển khai trên thực tế, các nhà đầu tư căn cứ vào rất nhiều yếu tố, như lãnh đạo địa phương có thật sự nói đi đôi với làm, các cơ quan quản lý có đồng hành tháo gỡ khó khăn cho DN, cần thời gian nghiên cứu thị trường, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, chuẩn bị nhân lực, vật lực thực hiện dự án. Vừa qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư các dự án, các nhà đầu tư càng cần sự tạo điều kiện của tỉnh.

Ðể đẩy nhanh các dự án đầu tư, UBND tỉnh Thái Nguyên đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp các bộ, ngành sớm hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch về xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Núi Cốc, rừng phòng hộ, phát điện, bổ sung quy hoạch sân gôn, chuyển mục đích sử dụng đất. Tỉnh đang phối hợp nhà đầu tư để triển khai các bước đối với dự án phát triển du lịch sườn đông Tam Ðảo; rà soát từng dự án khu dân cư, khu đô thị để có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cụ thể; khẩn trương đưa Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh vào hoạt động và chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư. Ðồng thời, yêu cầu nhà đầu tư cam kết tiến độ triển khai dự án, tránh tình trạng "ôm" đất rồi để đó.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng cho biết: "Hằng tháng, hằng quý, hoặc đột xuất, chúng tôi tổ chức hội nghị để rà soát, lắng nghe ý kiến các nhà đầu tư, nắm bắt tình hình thực tế để kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Gần đây, chúng tôi thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý các trường hợp tổ chức, cá nhân gây khó khăn, nhũng nhiễu người dân, DN, nhất là đối với các nhà đầu tư".

Bài, ảnh: Thế Bình và VĂN BẮC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/44474002-thai-nguyen-huy-dong-nguon-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi.html