Thái Nguyên nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc

Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn, góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Khởi sắc trên những miền quê

Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: “Ðặc biệt quan tâm xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng dân cư trên địa bàn...”. Theo đó, cùng với cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng bào vùng DTTS và miền núi của tỉnh đã chủ động, tích cực tham gia học tập, lao động sản xuất, nỗ lực vượt khó vươn lên. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên chỉ còn 14 xã và 142 xóm đặc biệt khó khăn, có 66/110 xã vùng DTTS và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 65%), tỷ lệ cao gấp 3 lần bình quân chung vùng DTTS và miền núi toàn quốc… Văn hóa truyền thống của các DTTS từng bước được khôi phục, bảo tồn và phát huy; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; đời sống của đại bộ phận Nhân dân đã được nâng lên.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cùng lãnh đạo huyện Võ Nhai thăm mô hình trồng bưởi diễn tại xã Tràng Xá - ảnh Vân Khánh

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cùng lãnh đạo huyện Võ Nhai thăm mô hình trồng bưởi diễn tại xã Tràng Xá. Ảnh: Vân Khánh

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cùng lãnh đạo huyện Võ Nhai thăm mô hình trồng bưởi diễn tại xã Tràng Xá. Ảnh: Vân Khánh

Đơn cử tại Võ Nhai - huyện khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên, sau hơn 2 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đã “chuyển mình” rõ nét: tỷ lệ hộ nghèo của huyện liên tục giảm qua các năm; hầu hết các xóm, bản vùng đồng bào DTTS đã có đường bê tông; trên 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; 95% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 15/15 xã, thị trấn có đường nhựa, bê tông đến trung tâm xã được cứng hóa; 151/153 xóm có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa (đạt 98,7%)… Hệ thống trường học, trạm y tế, bệnh viện trên địa bàn từng bước được xây dựng hoàn thiện, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tương tự, Đồng Hỷ là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, có trên 50% dân số là đồng bào các DTTS, chủ yếu là người Mông, Dao, Tày, Nùng, Sán Chay, Sán Dìu. Những năm qua, từ các chính sách của Trung ương và của tỉnh, hệ thống hạ tầng cơ sở ở các bản, làng của huyện ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu đời sống và phát triển kinh tế của người dân. Theo kế hoạch năm 2023, từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương, huyện dự kiến đầu tư xây mới, cải tạo, sửa chữa 40 công trình thuộc các dự án, tiểu dự án: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; đổi mới hoạt động, củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch…

Sẽ bố trí 617 tỷ đồng triển khai các dự án thiết yếu

Tỉnh Thái Nguyên là địa phương có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, phần đông cư trú tại miền núi, vùng sâu vùng xa nên đời sống kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Do đó, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn, góp phần từng bước ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Để tiếp tục nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn, theo kế hoạch, năm 2023, tỉnh Thái Nguyên sẽ bố trí trên 617 tỷ đồng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 413 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương trên 62 tỷ đồng và trên 141 tỷ đồng vốn chuyển tiếp - Chánh Văn phòng Ban Dân tộc tỉnh Ma Đức Kiên cho biết.

Tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ triển khai 10 dự án quan trọng giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, ổn định dân cư, nâng cao chất lượng cuộc sống đồng bào hướng đến mục tiêu từng bước chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tổ chức sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững ở miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh.

Đó là các dự án quan trọng như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho bà con; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em...

Chánh Văn phòng Ban Dân tộc tỉnh cũng cho biết, chủ trương của tỉnh là huy động, lồng ghép, bố trí đủ vốn và từng bước tăng chi ngân sách hợp lý để thực hiện các dự án. Trong đó, tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, an sinh xã hội, phát triển y tế, giáo dục, giảm nghèo... cho vùng đồng bào DTTS. Xây dựng và áp dụng các cơ chế thu hút, tăng cường sự tham gia của người dân, cộng đồng, xã hội, các đoàn thể và tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ các nguồn lực về kỹ thuật và tài chính một cách tích cực, hiệu quả. “Ban Dân tộc cũng đã phối hợp chặt với các sở, ngành, các huyện, thành phố để rà soát, thống nhất phân bổ vốn thực hiện Chương trình, nhằm kịp thời tổ chức triển khai thực hiện ngay sau khi được giao vốn.

Ban Dân tộc tỉnh cũng thường xuyên tổ chức cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc của các đơn vị trong tổ chức thực hiện chương trình. Thời gian tới, Thái Nguyên sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân tại các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình” - ông Kiên nhấn mạnh.

Đào Cảnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-muc-hoi-dong-nhan-dan/thai-nguyen-nang-cao-doi-song-nguoi-dan-vung-dong-bao-dan-toc-i336339/