Thái Nguyên: Ngăn chặn việc bốc dỡ lưu huỳnh lộ thiên gây hại cho môi trường
Hoạt động bốc dỡ, tiêu thụ lưu huỳnh lộ thiên với nhiều dấu hiệu không đảm bảo an toàn, gây nguy hại đến môi trường tại bến thủy nội địa Thắng Lá, thuộc phường Thuận Thành, TP Phổ Yên.
Những ngày qua dư luận rất bức xúc về việc, tại bến bãi của công ty TNHH Thắng Lá thuộc phường Thuận Thành, TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên diễn ra hoạt động bốc dỡ, tiêu thụ lưu huỳnh lộ thiên với nhiều dấu hiệu không đảm bảo an toàn.
Được xác định là hàng hóa nguy hiểm, có khả năng gây độc tới môi trường và sức khỏe con người nên theo quy định, quá trình bốc dỡ lưu huỳnh phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ về việc vận chuyển, bốc dỡ hóa chất nguy hiểm, không được để rơi vãi bừa bãi ra môi trường.
Tuy nhiên, quá trình bốc dỡ lưu huỳnh tại đây có vẻ cũng giống như các mặt hàng hóa thông thường khác. Vì không có biện pháp phòng ngừa sự cố môi trường nên trong quá trình bốc dỡ từ thuyền lên xe, loại hóa chất này liên tục rơi vãi trực tiếp xuống sông.
Trao đổi nhanh với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Đàm – Chủ tịch UBND phường Thuận Thành, TP Phổ Yên cho biết: “Sau khi bị phản ánh, doanh nghiệp đã dừng hoạt động bốc dỡ. Đơn vị Thắng Lá họ nhận bốc xếp thuê cho chủ hàng. Hàng hóa này là lưu huỳnh, đáng lẽ ra phải đóng bao cẩn thận thì chẳng sao nhưng đây lại để lộ thiên. Chúng tôi cũng đã báo cáo thành phố về sự việc. Chỗ bến bãi đấy các đơn vị chức năng cùng địa phương cũng vừa mới kiểm tra thì chưa có sự việc. Phản ánh cũng là đúng sự thật nhưng họ cũng mới làm được một tí rồi phải dừng”.
“Để quản lý được bến thủy nội địa thì có nhiều đơn vị cùng phối hợp như Cảng vụ đường sông quản lý luồng lạch, tàu thuyền cập bến có đảm bảo thì họ mới cho vào. Địa phương thì không quản lý về mặt nước được, nhiều khi họ tranh thủ thời gian tối sớm vận chuyển. Địa phương cũng trăm công nghìn việc nên không phải lúc nào cũng túc trực để quản lý họ bốc xếp hàng hóa”, ông Đàm nói.
Liên hệ với đại diện Công ty Thắng Lá - đơn vị vận hành bến bãi bốc dỡ hàng hóa thì cho biết, sự việc đang được công ty làm việc với phía Cảng vụ nội địa Thái Nguyên.
Về phía Cảng vụ đường thủy nội địa khu vực II cho biết, đơn vị cũng đã nắm bắt được sự việc và phối hợp cùng Cảng vụ Thái Nguyên để làm rõ vụ việc.
Trước đó, Cảng vụ đường thủy nội địa Thái Nguyên đã phối hợp với UBND phường Thuận Thành, các cơ quan chức năng kiểm tra giấy tờ liên quan đến điều kiện hoạt động của các bến thủy nội địa như: Chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện xếp dỡ; bằng, chứng chỉ của người điều khiển thiết bị xếp dỡ; trang thiết bị an toàn của bến… Đồng thời kiểm tra yêu cầu về môi trường, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các bến.
Cảng vụ đường thủy nội địa Thái Nguyên đã phát hiện và đình chỉ hoạt động 3 bến thủy nội địa, gồm: bến Chiến Công (do bà Phạm Thị Lá làm chủ); bến Ông Tâm (do ông Trần Công Tâm làm chủ) và bến Dung Quang 2 (do bà Nguyễn Thị Dung làm chủ). Trong đó, 2 bến chưa được cấp phép hoạt động, 1 bến hết hạn hoạt động.
Lưu huỳnh lộ thiên vô cùng độc hại với sức khỏe và môi trường
Trước việc nhiều người chủ quan về tác hại mà lưu huỳnh gây ra, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, lưu huỳnh công nghiệp là hóa chất, phải tuân thủ các quy định trong quá trình vận chuyển, lưu kho bãi được quy định tại Quy chuẩn 05 của Bộ Công Thương về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất.
"Những quy định này nhằm hạn chế tối thiểu những sự cố hóa chất, sự cố môi trường trong quá trình lưu kho, vận chuyển và sản xuất. Ở các nước khác, quy định rất rõ lưu huỳnh không được lộ thiên mà phải được cất giữ trong bồn kín. Trong quá trình vận chuyển, nhiệt độ, bao gói cũng được kiểm soát chặt chẽ”, ông Tùng nhấn mạnh.
Ông Hoàng Dương Tùng không đồng tình với quan điểm cho rằng, việc vận chuyển lưu huỳnh không độc hại nên “tập kết tạm thành bãi” cũng không nghiêm trọng.
Hoàng Dương Tùng cảnh báo, mọi người đang lầm tưởng rằng lưu huỳnh không độc hại. Thực chất lưu huỳnh vô cùng độc hại, khi ngấm vào nguồn nước, nó có thể gây nguy hiểm, gây ngộ độc và chết cho các sinh vật sống như tôm, cua, cá, ngao, sò,... Nếu con người ăn phải những sinh vật nhiễm lưu huỳnh thì cũng có nguy cơ bị nhiễm độc gián tiếp. Ngoài ra, khi đốt lưu huỳnh ở nhiệt độ cao, khí SO2 sẽ được hình thành, gây ô nhiễm không khí. Đây cũng là một trong những tác nhân gây biến đổi khí hậu, hiệu ứng nhà kính, mưa axit…