Thái Nguyên: Thương mại điện tử mở 'xa lộ' phát triển mới cho kinh tế nông thôn
Thái Nguyên đưa sản phẩm nông thôn lên thương mại điện tử, mở 'xa lộ' kết nối nông thôn với thị trường trong nước và quốc tế.
Thái Nguyên với lợi thế đặc sản vùng miền và hệ sinh thái OCOP phong phú đang từng bước chuyển mình mạnh mẽ, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, tiếp cận người tiêu dùng cả nước và quốc tế. Trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đã chia sẻ những kết quả nổi bật, những mô hình đã và đang được triển khai, cùng những kiến nghị nhằm tháo gỡ rào cản, mở đường cho sản phẩm OCOP vươn xa trên nền tảng số.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên
- Với tiềm năng nông sản phong phú và hệ thống sản phẩm OCOP đa dạng, Thái Nguyên được xem là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại điện tử gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật mà địa phương đã đạt được trong thời gian qua?
Ông Nguyễn Huy Hoàng: Thái Nguyên là tỉnh có nhiều tiềm năng trong phát triển các sản phẩm truyền thống, đặc sản đặc trưng địa phương. Việc phát triển các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp bản địa ngày càng có điều kiện thuận lợi khi gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Trong bối cảnh thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực thương mại nông thôn, với sự lãnh đạo, chỉ đạo từ cấp ủy, chính quyền và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và người dân. Bước đầu, tỉnh đã đạt được một số kết quả tích cực.
Thứ nhất, Thái Nguyên tập trung đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực thương mại điện tử cho người dân. Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và trường đại học trên địa bàn đã tổ chức nhiều khóa tập huấn, phối hợp với các nền tảng như TikTok, Shopee để đào tạo hàng nghìn lượt hộ gia đình, nông dân, chủ thể OCOP. Các nội dung tập huấn tập trung vào kỹ năng kinh doanh online, livestream bán hàng, vận hành gian hàng số và kỹ năng quảng bá sản phẩm trên nền tảng số.
Thứ hai, tỉnh đẩy mạnh hoạt động phối hợp với các doanh nghiệp bưu chính và công nghệ để cung cấp giải pháp thương mại điện tử trọn gói cho người dân. Đồng thời, Thái Nguyên cũng hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam để số hóa sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, đặc sản lâm sản và đưa lên nền tảng số thông qua các gian hàng trực tuyến, giúp quảng bá và tiêu thụ hiệu quả. Nhiều sản phẩm nổi bật như trà Thái Nguyên, miến dong, mật ong, nấm... đã được đưa lên các gian hàng số trên các nền tảng thương mại điện tử lớn.
Cùng với đó, tỉnh thường xuyên tổ chức các chương trình hỗ trợ phát triển sản phẩm địa phương, trong đó có các chương trình thuộc Đề án OCOP, các hoạt động xúc tiến thương mại ngành Công Thương, và các sự kiện quảng bá nông sản, làng nghề. Tiêu biểu như chuỗi chương trình livestream giới thiệu sản phẩm nông nghiệp Thái Nguyên, bao gồm các mặt hàng như gà đồi Phú Bình, na Võ Nhai, trà Tân Cương..., đã được tổ chức tại các sự kiện quy mô lớn.
Điểm đáng chú ý là Thái Nguyên đã phối hợp mời các nghệ sĩ nổi tiếng tham gia livestream cùng với sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh nhằm tăng tính lan tỏa và tạo cảm hứng cho người dân nông thôn tham gia chuyển đổi số. Mục tiêu là khuyến khích người dân cùng học hỏi, rèn luyện kỹ năng số để quảng bá, kinh doanh hiệu quả trên nền tảng trực tuyến.
Hiện nay, Thái Nguyên có 316 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 6 sản phẩm đạt 5 sao, 218 sản phẩm đạt 3, 4 sao, và 92 sản phẩm tiềm năng được hỗ trợ nâng hạng. Tỉnh cũng đã hoàn thiện việc đưa toàn bộ sản phẩm OCOP lên các nền tảng số.

Chè Thái Nguyên "bứt phá" nhờ thương mại điện tử
Thứ tư, tỉnh Thái Nguyên đã mạnh dạn triển khai một số mô hình mới trong phát triển thương mại điện tử, tiêu biểu là mô hình "Gian hàng Thái Nguyên" trên sàn thương mại điện tử Shopee. Đây là mô hình đầu tiên tại Việt Nam có sự phối hợp giữa một địa phương cấp tỉnh với nền tảng thương mại điện tử lớn nhằm xây dựng gian hàng số cho sản phẩm đặc trưng địa phương.
Theo đó, các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh được tập hợp lại, phân loại, chuẩn hóa và quảng bá tập trung trên gian hàng số này. Một hợp tác xã được giao làm đầu mối tổng hợp, quản lý, tổ chức bán hàng và livestream giới thiệu sản phẩm. Dù mới triển khai trong thời gian ngắn, nhưng mô hình đã bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng thông qua các phiên livestream trực tiếp, thu hút đơn đặt hàng từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Thứ năm, Thái Nguyên cũng đang từng bước kết hợp phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Tỉnh đã triển khai các tour, tuyến trải nghiệm tại vùng nguyên liệu, trang trại, làng nghề, giúp du khách trực tiếp tham gia quy trình sản xuất như: hái chè, sao chè, đóng gói sản phẩm, thưởng trà và trải nghiệm ẩm thực đặc trưng chế biến từ nguyên liệu trà xanh.
Mô hình này không chỉ quảng bá sản phẩm địa phương mà còn nâng cao giá trị trải nghiệm, giúp người tiêu dùng hiểu rõ quy trình sản xuất, chế biến, chất lượng sản phẩm OCOP, từ đó tăng sự tin tưởng và sẵn sàng chi trả cao hơn cho sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng và câu chuyện văn hóa đi kèm.
Với những bước đi bài bản và sáng tạo đó, tỉnh Thái Nguyên đang nỗ lực hỗ trợ các chủ thể OCOP, đặc biệt là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa tham gia nền tảng số, mở rộng kênh phân phối trực tuyến, góp phần hiện đại hóa kinh tế nông thôn và đưa sản phẩm Thái Nguyên vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Đường rộng nhưng vẫn nhiều chướng ngại
- Thưa ông, dù có tiềm năng lớn và đã có một số mô hình thành công, nhưng việc triển khai thương mại điện tử tại cấp xã, đặc biệt ở vùng miền núi vẫn đang gặp nhiều lực cản. Từ thực tiễn tại Thái Nguyên, ông nhìn nhận đâu là những vướng mắc chủ yếu hiện nay?
Ông Nguyễn Huy Hoàng: Về phát triển thương mại điện tử tại cấp xã, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, chúng tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm rằng cần có một chiến lược phát triển bài bản, dài hạn và gắn với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Tại Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy có một số khó khăn lớn đang trở thành lực cản đối với quá trình đưa sản phẩm nông nghiệp, nông sản nông thôn lên môi trường thương mại điện tử, cụ thể:
Thứ nhất, về hạ tầng số và hạ tầng viễn thông. Hệ thống kết nối internet ở một số xã vùng sâu, vùng xa của Thái Nguyên vẫn chưa được phủ kín hoặc còn thiếu ổn định. Nhiều khu vực bị rơi vào tình trạng “vùng lõm thông tin”, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động như quảng bá sản phẩm, livestream bán hàng, duy trì kết nối với khách hàng và vận hành các gian hàng trực tuyến.
Thứ hai, về kỹ năng số và nhận thức. Phần lớn người dân, đặc biệt là các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng nông lâm sản địa phương dù có sản phẩm tốt nhưng thiếu kỹ năng và kinh nghiệm để tham gia thương mại điện tử một cách hiệu quả. Từ việc đăng bán sản phẩm, xử lý đơn hàng, chăm sóc khách hàng cho tới tổ chức logistics... đều còn lúng túng.
Ngay cả cán bộ cơ sở ở nhiều nơi cũng chưa được đào tạo đầy đủ về kiến thức số, dẫn đến khó khăn trong hỗ trợ người dân. Quá trình vận hành thương mại điện tử đòi hỏi phải có liên kết đồng bộ giữa người bán, các đơn vị cung ứng dịch vụ phụ trợ và cơ sở hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ. Nếu thiếu những mắt xích này, người dân sẽ rất khó tự mình đưa sản phẩm lên sàn và duy trì hoạt động lâu dài.
Thứ ba, chi phí logistics và hạ tầng vận chuyển. Hiện nay, nhiều khu vực nông thôn vẫn còn thiếu hệ thống kho bãi, trung tâm logistics vệ tinh, trong khi chi phí vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng còn cao, làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm nông thôn khi lên sàn.
Điều này, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, càng làm gia tăng chi phí, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa khi giao đến tay khách hàng nhất là với các đơn hàng có quãng đường vận chuyển xa. Chi phí cao chính là một trong những yếu tố gây khó khăn cho các chủ thể trong việc duy trì hoạt động bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử.
Phần lớn các chủ thể OCOP hiện nay là những đơn vị quy mô rất nhỏ. Số lượng thành viên trong các hợp tác xã, hộ sản xuất gia đình thường không đủ để đảm nhiệm toàn bộ các khâu trong chuỗi bán hàng từ sản xuất, đóng gói, truyền thông, quản lý gian hàng đến giao vận. Điều đó khiến quá trình vận hành gian hàng số còn gặp nhiều lúng túng và thiếu tính chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp công nghệ, đơn vị sản xuất kinh doanh và người dân tuy đã được triển khai tích cực nhưng vẫn còn thiếu sự thống nhất và đồng bộ ở nhiều khâu. Một số chương trình vẫn triển khai đơn lẻ, thiếu liên thông giữa các cấp và ngành, dẫn đến khó phát huy hiệu quả dài hạn.
Chính những hạn chế này đã và đang là rào cản lớn trong quá trình phát triển thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, nơi mà điều kiện hạ tầng, nhân lực và nguồn lực còn hạn chế.

Thái Nguyên đang tăng tốc chuyển đổi số với chương trình Go Online 2025, thúc đẩy thương mại điện tử trở thành động lực phát triển mới
"Cầm tay chỉ việc" kỹ năng số cho người dân
- Từ thực tiễn triển khai tại địa phương, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn những giải pháp nào đã và đang được tỉnh Thái Nguyên áp dụng để hỗ trợ các hợp tác xã, hộ sản xuất nông thôn từng bước tiếp cận thương mại điện tử một cách bài bản và hiệu quả?
Ông Nguyễn Huy Hoàng: Từ thực tiễn triển khai tại địa phương, chúng tôi nhận thấy rằng để thương mại điện tử thực sự trở thành công cụ hiệu quả cho các hợp tác xã, hộ gia đình và các cơ sở sản xuất ở khu vực nông thôn, đặc biệt là trong việc tham gia vào chuỗi quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng số, cần phải có một cách tiếp cận bài bản, đồng bộ và phù hợp với điều kiện từng vùng.
Tại Thái Nguyên, chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp. Thứ nhất, tăng cường hạ tầng số và hạ tầng viễn thông. Tỉnh đã phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông như Viettel, VNPT để mở rộng vùng phủ sóng, lắp đặt các trạm BTS. Đồng thời, đẩy mạnh việc đưa cáp quang và Internet tốc độ cao về tận các xã, phục vụ đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nói chung và đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử và giáo dục kỹ năng số.
Thứ hai, triển khai đào tạo kỹ năng thương mại điện tử và chuyển đổi số quy mô lớn. Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng một tầng lớp thương nhân nông thôn mới được trang bị kiến thức, kỹ năng để tham gia kinh doanh trên nền tảng số. Với phương châm đó, các cơ quan nhà nước, trường đại học, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu, mang tính thực hành, "cầm tay chỉ việc".
Các nền tảng cũng đã đồng hành cùng Thái Nguyên, hướng dẫn người dân từ những việc cụ thể như chụp ảnh sản phẩm, viết mô tả, quay video, livestream bán hàng, cho đến quản lý gian hàng online. Đây là những kỹ năng vô cùng quan trọng để người dân có thể chủ động vận hành việc kinh doanh trên nền tảng số.
Thứ ba, xây dựng các mô hình điểm để lan tỏa hiệu ứng. Chúng tôi đã rút kinh nghiệm thực tiễn, chọn ra một số hợp tác xã, hộ kinh doanh tiêu biểu có năng lực để đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử. Từ đó, tạo thành các mô hình mẫu có sức lan tỏa, giúp người dân khác học hỏi và tin tưởng rằng ai cũng có thể làm được, miễn là được hướng dẫn đúng cách và có nền tảng hỗ trợ.
Thứ tư, tăng cường kết nối hệ sinh thái thương mại điện tử. Chủ động phối hợp với các nền tảng số và đơn vị logistics, bưu chính như TikTok Việt Nam, Shopee, Viettel Post, VNPost, Giao hàng tiết kiệm… để hỗ trợ quá trình vận chuyển, vận đơn cho các sản phẩm tham gia bán hàng online.
Sự phối hợp này đặc biệt quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn về vận chuyển, một trong những rào cản lớn nhất đối với thương mại điện tử ở nông thôn. Chúng tôi rất trân trọng sự đồng hành của các đối tác, hiện nay đã có hơn 37.000 video liên quan đến sản phẩm trà Thái Nguyên được đăng tải trên nền tảng TikTok, thu hút đến gần 500 triệu lượt xem. Đây là con số rất đáng quý, góp phần quảng bá mạnh mẽ sản phẩm trà, một trong những thương hiệu chủ lực và biểu tượng của tỉnh Thái Nguyên trên nền tảng số.
Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc và nhận diện số cho sản phẩm OCOP. Hiện nay, hầu hết các sản phẩm OCOP của tỉnh Thái Nguyên đã được dán mã QR code truy xuất nguồn gốc. Đây vừa là công cụ hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm, vừa là giải pháp để khẳng định uy tín và chất lượng khi người tiêu dùng tìm hiểu, lựa chọn và tin tưởng sử dụng.
Trong bối cảnh hàng giả, hàng nhái vẫn đang diễn biến phức tạp, việc sản phẩm OCOP được gắn mã truy xuất nguồn gốc trở nên cực kỳ quan trọng. Nó giúp: Xác thực giá trị thực của sản phẩm, tăng uy tín thương hiệu của địa phương, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, tạo nền tảng minh bạch để mở rộng thị trường
Thứ sáu, lồng ghép việc phát triển thương mại điện tử vào chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là trong giai đoạn triển khai nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.
Tỉnh Thái Nguyên đã đưa tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp, đặc sản, sản phẩm OCOP tham gia sàn thương mại điện tử trở thành một trong các tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tiêu chí này đã thúc đẩy chính quyền cơ sở, các chủ thể OCOP và các hộ sản xuất tích cực đưa sản phẩm lên nền tảng số.
Về phía ngành Công Thương, cũng như các sở, ngành của tỉnh, chúng tôi xác định rõ định hướng phát triển sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc sản địa phương gắn với thương mại điện tử không phải để chạy theo thành tích, mà phải hướng đến hiệu quả thực chất.
Mục tiêu cao nhất là thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông thôn, nâng cao thu nhập người dân, phát triển kinh tế xã hội địa phương, xây dựng nông thôn mới thực chất, bền vững.
- Trong bối cảnh TMĐT đang phát triển nhanh nhưng chưa đồng đều giữa các khu vực, ông có kiến nghị gì với Trung ương, đặc biệt là các Bộ ngành liên quan, nhằm sớm hoàn thiện một hệ sinh thái thương mại điện tử phù hợp với đặc thù nông thôn, gắn kết chặt chẽ giữa đầu tư hạ tầng số, đào tạo nguồn lực tại chỗ và chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP bền vững?
Ông Nguyễn Huy Hoàng: Từ góc độ địa phương, chúng tôi xin kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương một số nội dung như sau:
Thứ nhất, đề nghị Quốc hội, Chính phủ cùng các bộ, ngành sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, thống nhất, tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân có thể tham gia kinh doanh trên nền tảng số, nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của người tham gia, nhất là trong việc tuân thủ pháp luật và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thứ hai, đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn và ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương, đặc biệt là gắn với việc đưa các sản phẩm này lên nền tảng số, thương mại điện tử. Cần có các chương trình, đề án cụ thể để thúc đẩy hoạt động này phát triển theo hướng bền vững, chuyên nghiệp.
Thứ ba, đề nghị Trung ương tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng số, công nghệ thông tin, viễn thông, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, địa phương còn khó khăn, nhằm tạo nên một hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh và đồng bộ. Hạ tầng số nên được coi là thiết yếu, tương đương với điện, đường, trường, trạm để mở rộng cơ hội tiếp cận thương mại điện tử cho người dân nông thôn cũng như ở các đô thị.
Thứ tư, chúng tôi mong muốn Trung ương tiếp tục hỗ trợ các chương trình, đề án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân, nhất là kỹ năng quảng bá, giới thiệu và kinh doanh sản phẩm đặc trưng, đặc sản, sản phẩm OCOP trên nền tảng số.
Điều quan trọng nhất trong quá trình này chính là con người. Do đó, cần có những chương trình đào tạo quy mô lớn, lan tỏa sâu rộng, giúp người dân chủ động, tự tin, có động lực tham gia thương mại điện tử, biến công nghệ số thành công cụ để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Chúng tôi rất mong mọi người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cả nước nói chung sẽ được tiếp cận và hưởng lợi từ các chính sách số hóa quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội ở vùng nông thôn.