Thái Nguyên triển khai chương trình kích cầu du lịch năm 2025
Hưởng ứng chương trình kích cầu du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành tại Kế hoạch số 84/KH-UBND về việc triển khai các hoạt động kích cầu phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong năm 2025.
Nhiều chương trình kích cầu du lịch hấp dẫn
Theo kế hoạch, Thái Nguyên đặt mục tiêu thu hút 6 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 250.000 lượt khách quốc tế, với tổng doanh thu từ du lịch dự kiến đạt 3.500 tỷ đồng. Tỉnh sẽ tập trung đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và trải nghiệm du lịch, đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành và doanh nghiệp để xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
UBND tỉnh nhấn mạnh việc phát huy tối đa tiềm năng du lịch, gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa. Sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội, doanh nghiệp được xem là yếu tố then chốt để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Thái Nguyên là mảnh đất hấp dẫn du khách với nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đẹp. (Trong ảnh: Du khách dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nhà tưởng niệm Người ở đèo De, Phú Đình thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa)
Một số nội dung trọng tâm được đề ra bao gồm: Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Thái Nguyên, mời gọi đầu tư, hợp tác và liên kết phát triển. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang tính đặc trưng và trải nghiệm, gắn với tài nguyên bản địa và thị hiếu thị trường. Chú trọng sản phẩm du lịch văn hóa Trà, khai thác thế mạnh ẩm thực địa phương và sản phẩm OCOP để hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, nâng tầm thương hiệu du lịch Thái Nguyên. Phát triển tuyến du lịch đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, kết nối hiệu quả với các điểm đến trong tỉnh. Đầu tư phát triển du lịch đêm, như phố đêm, chợ đêm, dịch vụ văn hóa - giải trí, nhằm kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Hỗ trợ mô hình du lịch cộng đồng, nông nghiệp, Homestay, Farmstay, đạt tiêu chí OCOP từ 3 đến 4 sao. Tổ chức workshop trải nghiệm chế biến và thưởng thức trà, quảng bá giá trị Trà Thái Nguyên, gia tăng trải nghiệm cho du khách.
Ngoài ra, tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát triển sản phẩm du lịch gắn với văn hóa Trà, bao gồm: du lịch tâm linh, lịch sử, cộng đồng, sinh thái, nghỉ dưỡng, MICE và khám phá hang động. Công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch và ứng dụng công nghệ số trong xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh cũng được đẩy mạnh, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và trải nghiệm cho khách du lịch.

Trà Thái Nguyên là sự kết tinh của những búp chè non tươi “một tôm hai lá” được trồng trên mảnh đất tiểu khí hậu dưới chân núi Tam Đảo.
“Trải nghiệm xứ Trà đậm đà bản sắc”
Nằm trong chuỗi các chương trình xúc tiến du lịch tỉnh Thái Nguyên, mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2025 với chủ đề “Trải nghiệm xứ Trà đậm đà bản sắc” sẽ khởi động vào ngày 26/4 với lễ khai mạc diễn ra vào 20 giờ tại Quảng trường Vạn Xuân, thành phố Phổ Yên, Thái Nguyên.

Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2025 với chủ đề “Trải nghiệm xứ Trà đậm đà bản sắc” sẽ khởi động vào ngày 26/4.
Theo ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết, nhằm đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến điểm đến du lịch, trong tháng tư này, Thái Nguyên sẽ tổ chức Tuần văn hóa, thể thao, du lịch và Chương trình khai mạc Mùa du lịch tỉnh Thái Nguyên năm 2025 với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Vận hành chuyến tàu du lịch từ Hà Nội đến Thái Nguyên; tổ chức Đoàn Famtrip khảo sát điểm đến du lịch Thái Nguyên; chương trình nghệ thuật đường phố; các hoạt động văn hóa phục vụ phát triển kinh tế đêm; không gian trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm du lịch, “Tinh hoa ẩm thực Thái Nguyên” và trình diễn văn hóa phi vật thể, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, nông sản tiêu biểu của tỉnh Thái Nguyên gắn với quảng bá du lịch; đăng cai các giải thể thao quy mô quốc gia, giao lưu quốc tế...