Thăm chiến khu cách mạng Mường Khói

Trong không khí của những ngày mùa thu Tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp về thăm chiến khu Mường Khói, di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia - một trong những cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Hòa Bình.

Trong không khí của những ngày mùa thu Tháng Tám lịch sử, chúng tôi có dịp về thăm chiến khu Mường Khói, di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia - một trong những cái nôi của phong trào cách mạng tỉnh Hòa Bình.

Nhà truyền thống khu di tích lịch sử cách mạng chiến khu Mường Khói, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) lưu giữ nhiều hiện vật ghi đậm dấu ấn lịch sử hào hùng.

Nhà truyền thống khu di tích lịch sử cách mạng chiến khu Mường Khói, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) lưu giữ nhiều hiện vật ghi đậm dấu ấn lịch sử hào hùng.

Trong phong trào khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945, tại chiến khu Mường Khói, các lực lượng cách mạng và quần chúng nhân dân huyện Lạc Sơn tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền thành công đầu tiên ở tỉnh Hòa Bình.

Khu di tích lịch sử chiến khu cách mạng Mường Khói có diện tích trên 3.000m2, với các công trình: nhà truyền thống, nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ chiến khu Mường Khói… Khu di tích đang được Nhà nước đầu tư cải tạo, nâng cấp với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng. Đưa chúng tôi tham quan khuôn viên khu di tích, ông Bùi Văn Nhen, quản lý khu di tích chậm rãi kể: Mường Khói xưa gồm 2 xã Hoài Ân và Hiếu Nghĩa, nay thuộc 2 xã Ân Nghĩa và Tân Mỹ, nằm ở phía Đông Nam huyện Lạc Sơn. Đây là cái nôi cách mạng của huyện Lạc Sơn, diễn ra nhiều sự kiện cách mạng tiêu biểu trong phong trào chống Nhật và chống Pháp. Với địa hình núi rừng hiểm trở thuận lợi cho hoạt động cách mạng nên Xứ ủy Bắc Kỳ đã quyết định chọn Mường Khói để xây dựng chiến khu cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Từ tháng 7 - 8/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ mở lớp Trường Sơn du kích kháng Nhật học hiệu tại xóm Lòn.

Với khí thế cách mạng sục sôi, đội quân du kích chiến khu cách mạng Mường Khói với vũ khí thô sơ như dao, nỏ, giáo mác, gậy gộc ngày đêm luyện tập, sẵn sàng chờ thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đêm 20/8/1945, 17 đội viên du kích Mường Khói cùng 200 quần chúng cách mạng đốt đuốc xuất phát kết hợp lực lượng quần chúng thị trấn Vụ Bản thị uy giành chính quyền châu lỵ Lạc Sơn. Đại đội lính bảo an của Nhật đóng ở thị trấn Vụ Bản trước sức mạnh của lực lượng cách mạng mạnh đã tự đầu hàng, giao nộp vũ khí cho đội quân du kích Mường Khói.

Sáng 21/8/1945, gần 50 chiến sỹ tự vệ cùng hàng trăm quần chúng cứu quốc của chiến khu Mường Khói và thị trấn Vụ Bản giương cao cờ đỏ sao vàng, theo đường 12A tiến ra thị xã Hòa Bình, phối hợp cùng lực lượng của các chiến khu: Cao Phong - Thạch Yên, Tu Lý - Hiền Lương giành chính quyền tỉnh lỵ vào ngày 23/8/1945.

Nơi chiến khu xưa giờ là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh và nhân dân. Em Bùi Thành Vương, học sinh lớp 12A, Trường THPT Đại Đồng chia sẻ: Được nghe kể về cuộc khởi nghĩa xưa của quân và dân Mường Khói, những hình ảnh như thước phim quay chậm hiện ra theo lời kể khiến em và các bạn trào dâng cảm xúc đặc biệt và càng thêm tự hào về truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của nhân dân và lực lượng vũ trang xã Ân Nghĩa, năm 1993, chiến khu cách mạng Mường Khói được cấp bằng công nhận di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Năm 2000, xã Ân Nghĩa được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.

Hiện nay, nhà truyền thống chiến khu Mường Khói lưu giữ nhiều hình ảnh và hiện vật quý gắn liền với hoạt động cách mạng giai đoạn chống Nhật và chống Pháp của quân và dân Lạc Sơn. Mỗi hiện vật in đậm dấu ấn lịch sử về chặng đường cách mạng đầy hào hùng của dân tộc, trở thành địa chỉ đỏ để khách du lịch, cán bộ, nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tìm về với mong muốn tìm hiểu lịch sử, đúc rút những bài học về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc để nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Các sự kiện kết nạp đoàn viên của các trường học đều được diễn ra ở đây.

Đồng chí Bùi Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Ân Nghĩa cho biết: Tự hào với truyền thống quê hương cách mạng, những năm qua, người dân Ân Nghĩa đã phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó xây dựng quê hương. Năm 2018, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 52 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,95%; 100% người dân tham gia BHYT… Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/220/192501/tham-chien-khu-cach-mang-muong-khoi.htm