Thăm Đại Từ - nơi khởi nguồn Ngày Thương binh - Liệt sĩ

Cách đây 77 năm (27/7/1947 - 27/7/2024), Ngày Thương binh - Liệt sĩ ra đời nhằm tri ân công lao của các thương binh, liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nơi đánh dấu sự kiện đặc biệt này là di tích lịch sử “Địa điểm công bố Ngày Thương binh - Liệt sĩ toàn quốc (27-7-1947), thị trấn Hùng Sơn” (gọi tắt là Khu di tích lịch sử 27-7), thuộc tổ dân phố Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Du khách tham quan Khu di tích lịch sử 27-7. Ảnh: Ngọc Linh

Du khách tham quan Khu di tích lịch sử 27-7. Ảnh: Ngọc Linh

Mảnh đất giàu truyền thống cách mạng

Thị trấn Hùng Sơn nằm cách thành phố Thái Nguyên 25km về phía tây nam; là trung tâm chính trị, văn hóa của huyện Đại Từ và tự hào 2 lần được đón Bác Hồ về thăm (năm 1954 và 1958). Đồng bào các dân tộc Hùng Sơn có truyền thống yêu nước, cách mạng lâu đời và đã có những đóng góp to lớn trong quá trình dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (tháng 8-1945), chưa được bao lâu, thực dân Pháp đã quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai (tháng 9-1945). Chúng tiến công, chiếm đóng nhiều nơi, nhưng tại Hùng Sơn, vào cuối năm 1947, chỉ trong vòng một tuần, chúng đã bị dân quân, du kích phối hợp với bộ đội địa phương cùng bộ đội chủ lực đánh trả quyết liệt, buộc phải rút lui.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều chiến sĩ ở các mặt trận đã ngã xuống hoặc hy sinh một phần thân thể để bảo vệ nền độc lập dân tộc. Từ đây, các tổ chức, hội giúp đỡ các thương binh, liệt sĩ đã ra đời. Đầu năm 1946, Hội Giúp binh sĩ bị nạn (sau đổi thành Hội Giúp binh sĩ bị thương) đã ra đời ở Thuận Hóa (Huế), sau đó lan rộng ra Hà Nội và các địa phương khác.

Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20/SL “Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây là văn bản pháp quy đầu tiên khẳng định vai trò của công tác thương binh, liệt sĩ. Tháng 6-1947, từ đồi Khau Tý (ATK Định Hóa), Người đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm là “Ngày Thương binh”. Đầu tháng 7-1947, Ban vận động tổ chức Ngày Thương binh toàn quốc được thành lập, nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27-7 làm ngày “Toàn dân giúp đỡ thương binh và gia đình liệt sĩ”.

Chiều 27-7-1947, tại cây đa xóm Bàn Cờ, cuộc mít tinh kỷ niệm “Ngày Thương binh” lần thứ nhất được tổ chức với sự tham dự của 300 đại biểu Trung ương Đảng, các cơ quan lãnh đạo khu, cơ quan kháng chiến huyện và đông đảo thương binh, bộ đội. Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã đọc bức thư của Hồ Chủ tịch gửi anh em thương binh toàn quốc nhân ngày 27-7. Trong thư Người viết: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào... Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy. Ngày 27-7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái và tỏ lòng yêu mến thương binh...”.

Đến tháng 7-1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ”. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975), ngày 27-7 hằng năm chính thức trở thành “Ngày Thương binh - Liệt sĩ” của cả nước.

Ngày 27-7-1997, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Khu di tích lịch sử 27-7 được khánh thành; đồng thời, bia kỷ niệm được dựng tại tổ dân phố Bàn Cờ, thị trấn Hùng Sơn. Cũng trong năm 1997, Khu di tích lịch sử 27-7 được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.

“Địa chỉ đỏ” về giáo dục lịch sử cách mạng

Những năm qua, Khu di tích lịch sử 27-7 thường xuyên được quan tâm, trùng tu tôn tạo nhằm phát huy giá trị của một “địa chỉ đỏ” về giáo dục lịch sử cách mạng, đồng thời thu hút khách du lịch đến với tỉnh. Khu di tích này có khuôn viên rộng 3.000m2, gồm các công trình như hồ sen, tam quan, sân hành lễ, nhà tưởng niệm, đền Ông và đền Bà...

Chia sẻ cảm nhận sau chuyến tham quan, bạn Nguyễn Minh Hằng, sinh viên khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) cho biết: “Đây là lần đầu tiên em đến với Khu di tích lịch sử 27-7. Được nghe thuyết minh viên kể những câu chuyện xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nguồn gốc ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ, em càng biết ơn thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương để đổi lấy độc lập dân tộc. Qua đây, em càng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng đất nước xứng đáng với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha ông”.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Từ, Trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử 27-7 Dương Văn Tuyên, trung bình mỗi năm di tích đón hơn 10.000 lượt khách tham quan. Để bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị của Khu di tích lịch sử 27-7, Đại Từ đã từng bước ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Trong những năm qua, huyện đã tiến hành số hóa 3D cho 9 điểm di tích lịch sử - văn hóa (trong đó có Khu di tích lịch sử 27-7) cùng 1 điểm danh thắng và đăng tải các bài viết về các di tích lên Cổng thông tin điện tử của huyện để quảng bá điểm đến.

Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên lợi thế sẵn có như sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh gắn với trải nghiệm văn hóa trà; kết nối, hình thành các tour sinh thái kết hợp tham quan di tích lịch sử như Hồ Núi Cốc - Khu di tích lịch sử 27-7 - Thiền viện Trúc lâm Tây Trúc - Di tích lịch sử núi Văn, núi Võ; hay tour Hồ Núi Cốc - Khu di tích lịch sử 27-7 - Nơi thành lập cơ sở Đảng Cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên - Không gian văn hóa trà La Bằng... thu hút sự quan tâm của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tham-dai-tu-noi-khoi-nguon-ngay-thuong-binh-liet-si-673169.html