Thăm đảo Cồn Cỏ anh hùng

Trong hơn 40 năm làm báo của mình, tôi may mắn đã có chuyến hành trình dài suốt 10 ngày đêm đến thăm các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tận hưởng sự bao la kỳ vĩ về vùng biển chủ quyền thiêng liêng ở Biển Đông của Tổ quốc, cũng như tận mắt chứng kiến tinh thần vượt qua bao khó khăn, gian khổ và sự hy sinh thầm lặng để bám trụ, giữ đảo với tinh thần dũng cảm tuyệt vời của quân và dân huyện đảo. Nhưng huyện đảo Cồn Cỏ anh hùng đối với tôi bấy lâu nay lại là ước mơ để được một lần đến thăm. Cuối cùng ngày ấy cũng đã đến...

Trong hơn 40 năm làm báo của mình, tôi may mắn đã có chuyến hành trình dài suốt 10 ngày đêm đến thăm các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tận hưởng sự bao la kỳ vĩ về vùng biển chủ quyền thiêng liêng ở Biển Đông của Tổ quốc, cũng như tận mắt chứng kiến tinh thần vượt qua bao khó khăn, gian khổ và sự hy sinh thầm lặng để bám trụ, giữ đảo với tinh thần dũng cảm tuyệt vời của quân và dân huyện đảo. Nhưng huyện đảo Cồn Cỏ anh hùng đối với tôi bấy lâu nay lại là ước mơ để được một lần đến thăm. Cuối cùng ngày ấy cũng đã đến...

...Chuyến đi thăm huyện đảo Cồn Cỏ của gần 20 anh em chúng tôi lần này do anh Võ Công Trí - nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TP Đà Nẵng dẫn đầu vào cuối tháng 4 đầy nắng và gió. Chuyến đi này được xem là cuộc hành trình của những người con đất liền ra với đảo Cồn Cỏ thân yêu, để tưởng nhớ lại những chiến công của bộ đội Cụ Hồ anh hùng trong những ngày tháng Tư và tháng Năm đầy ắp các sự kiện lịch sử của đất nước.

Qua một đêm nghỉ lại tại khách sạn ven biển Cửa Việt thơ mộng, sau khi điểm tâm bằng món “mì tôm mực đặc sản” xong, 8 giờ sáng chúng tôi lên con tàu cao tốc chở khách vốn là quà tặng của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang do chính những người thợ Việt Nam đóng rất sang trọng và mạnh mẽ. Tàu rời cảng của Bộ đội biên phòng ở Cửa Việt khi mặt trời từ phía đông nhô lên tỏa những tia nắng đỏ rực phủ trên mặt biển xanh bao la.

Cột cờ Cồn Cỏ.

Cột cờ Cồn Cỏ.

Càng rời xa đất liền chúng tôi thấy có rất nhiều tàu của ngư dân đang đánh cá hoặc từ xa đang chạy theo hướng vào bờ sau một hành trình rong ruổi trên các ngư trường. Tình cờ ngồi cùng hàng ghế trên tàu ra đảo có anh Lê Quang Phi, Chánh văn phòng huyện đảo Cồn Cỏ vào đất liền công tác trở về, nên qua anh trò chuyện, tôi được biết rất nhiều thông tin tình hình về đảo. Ngoài câu chuyện về cuộc sống sinh hoạt, sản xuất thường ngày của quân và dân trên đảo, anh còn cho hay ngư dân mình không những bám biển, bám ngư trường kiên trì để đánh bắt hải sản mà còn phối hợp rất tốt với Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển để bảo vệ chủ quyền. Chỉ riêng chưa đầy 4 tháng đầu năm 2024 này đã có hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Trung Quốc đi vào vùng biển chủ quyền của nước ta đánh bắt cá bất hợp pháp. Trong phạm vi đảo Cồn Cỏ quản lý, Bộ đội biên phòng của đảo đã phối hợp với lực lượng chức năng và ngư dân đã tiến hành nhiều biện pháp như đẩy đuổi hoặc xử lý các tàu thuyền nước ngoài vi phạm theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Bí thư Huyện ủy Cồn Cỏ Võ Viết Cường và đoàn tham quan trước khi chia tay.

Bí thư Huyện ủy Cồn Cỏ Võ Viết Cường và đoàn tham quan trước khi chia tay.

Câu chuyện giữa chúng tôi còn đang hào hứng thì con tàu bắt đầu giảm tốc độ từ từ đi vào âu thuyền của đảo. Một âu thuyền không lớn nhưng rất đẹp, có bờ đá chống sóng cao ngất và ngọn hải đăng nhỏ, đang có nhiều tàu thuyền của ngư dân neo đậu làm tôn thêm vẻ đẹp của đảo vào một ngày trời trong xanh đầy nắng. Như vậy là đúng 60 phút, vượt qua 15 hải lý, chúng tôi đã đến với đảo Cồn Cỏ anh hùng.

Rời tàu hôm đó còn có nhiều đoàn khách từ phía Nam, phía Bắc ra tham quan đảo, nên khi vừa lên bờ là ai ai cũng nhanh chóng chụp những tấm ảnh khi đặt chân lên đảo Cồn Cỏ anh hùng để làm kỷ niệm về một chuyến ra đảo xa.

Anh em chúng tôi về nhà khách của Bộ đội biên phòng nằm trên vách núi nhìn xuống âu thuyền xinh đẹp.

Vọng gác Thái Văn A đang được phục chế.

Vọng gác Thái Văn A đang được phục chế.

Sau bữa ăn trưa và nghỉ ngơi, chúng tôi bắt đầu đi tham quan đảo trên những chiếc xe điện êm ái. Các cơ sở hạ tầng du lịch tại đây chưa được phát triển mạnh mẽ, mà chủ yếu dựa vào thiên nhiên ban tặng. Vì thế mà chúng tôi thỏa thích tận hưởng nhịp sống lao động bình dị của đời thường, đắm chìm trong nắng gió và khám phá vẻ đẹp hùng vĩ mà nguyên sơ của một hòn đảo xa khơi.

Nhưng điểm đến đầu tiên vẫn là Cột cờ của đảo Cồn Cỏ cao 38,8m với lá Quốc kỳ rộng 24m2 tung bay suốt ngày đêm. Đây vừa là lòng tự hào dân tộc, vừa thể hiện sự biết ơn với những người chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển đảo. Đến thăm Bến Nghè, vốn là bến đỗ tàu thuyền của ta tiếp tế cho bộ đội trong những năm chiến tranh ác liệt, chúng tôi phóng tầm mắt ra biển là vết tích của núi lửa hàng triệu năm về trước với những bãi đá bazan độc đáo, ngày đêm sóng biển vỗ rì rào.

Sau đó xe đưa chúng tôi chạy hàng ki-lô-mét men theo con đường ven biển rồi len lỏi vào giữa khu rừng nguyên sinh tuyệt đẹp để lên Đài tưởng niệm Đồi 37 là nơi tôn vinh những người anh hùng đã anh dũng hy sinh xương máu trong hành trình bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Do thời gian và sự khắc nghiệt của thời tiết nên đài quan sát bằng cây của anh hùng Thái Văn A năm nào leo lên quan sát máy bay, tàu thuyền của địch đã bị hư hại nay đang được tu bổ lại để cho du khách chiêm ngưỡng.

Rồi đoàn chúng tôi tiếp tục leo lên đỉnh ngọn hải đăng của đảo. Từ đây, chúng tôi phóng tầm mắt bao quanh đảo ngắm các con thuyền nhỏ của người dân dập dềnh theo từng con sóng và cảm nhận những cơn gió biển lồng lộng tràn vào đi qua dải rừng nguyên sinh xanh ngát, tạo nên hương vị đậm đà riêng biệt để cho chúng tôi hít thở đầy lồng ngực.

Khi chiều tà hiện lên từ phía Tây của đất liền, chúng tôi lại quay về nơi nghỉ để có một đêm giao lưu và tận hưởng sự huyền ảo đầy thi vị trên đảo. Đó là một đêm mà các đoàn tham quan đảo trong ngày tụ tập lại một nhà hàng, ăn những món ăn do chính những ngư dân đánh bắt và uống ly rượu để tạm chia tay hẹn ngày gặp lại. Đặc biệt là thưởng thức món hàu đảo Cồn Cỏ rất ấn tượng vì có hình dạng lớn hơn, trọng lượng nặng hơn gấp nhiều lần so với hàu ở các vùng biển khác, chắc thịt, thơm hơn, giá trị dinh dưỡng rất cao. Các chiến sĩ ở đảo nói với tôi hàu đảo Cồn Cỏ còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau, như hàu “cố”, hàu “vua”...

Cồn Cỏ gọi mời.

Cồn Cỏ gọi mời.

Chung vui với anh em chúng tôi hôm đó còn có anh Võ Viết Cường - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ. Anh cho biết, sự đồng hành, gắn kết giữa đất liền với đảo luôn luôn chặt chẽ, thông qua việc cung cấp nguồn lực để xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh cũng như cuộc sống của quân dân trên đảo. Nhưng cư dân trên đảo phần lớn là những thanh niên xung phong của Bình - Trị - Thiên đi xây dựng Cồn Cỏ năm nào và bén duyên ở lại cho đến ngày nay. Họ là lực lượng nòng cốt cùng với Bộ đội và Công an ngày đêm canh giữ đảo.

Anh Võ Viết Cường còn cho biết, vào những tháng trời trong biển lặng, những đoàn khách từ đất liền ra tham quan đảo, không chỉ tạo công ăn việc làm cho bà con mà còn mang đến sự động viên, cổ vũ to lớn để cho Đảng bộ và chính quyền cũng như nhân dân trên đảo có thêm sức mạnh ngày đêm canh giữ bầu trời, vùng biển của Tổ quốc.

Trò chuyện cùng anh Võ Viết Cường càng làm cho tôi thấm thía bài học nghĩa tình quân dân đã làm nên mọi thắng lợi trong suốt chiều dài đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nên đảo Cồn Cỏ nói riêng và các đảo của nước ta trên Biển Đông tuy xa bờ mà rất gần nhau, gắn bó với nhau, cùng nhịp đập, cùng hơi thở, cùng hướng đến mục tiêu là không ngừng nêu cao cảnh giác cũng như sự đoàn kết của quân dân để xây dựng biển đảo quê hương ngày càng vững mạnh, như hình ảnh anh hùng Thái Văn A đã đi vào lịch sử của dân tộc, để đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn thâm độc của kẻ thù.

Sáng hôm sau, khi đoàn của chúng tôi chuẩn bị xuống tàu để trở lại đất liền, anh Võ Viết Cường cùng nhiều cán bộ, bộ đội trên đảo đã đến cùng uống ly cà-phê do lính đảo tự pha để chia tay và hẹn ngày gặp lại thật ấm lòng “tình nghĩa quân dân” và sự giao thoa giữa đất liền với đảo xa của Tổ quốc!

LÊ MINH HÙNG

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tham-dao-con-co-anh-hung-post296928.html