Thăm đảo Lý Sơn

Chuyến công tác của đoàn phóng viên chúng tôi thăm đảo Lý Sơn vào những ngày trời đất sang xuân. Dù tàu chưa cập bờ mà trước mắt chúng tôi đã hiện rõ những lá cờ đỏ sao vàng gắn trên tàu cá của ngư dân tung bay trong gió.

Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải trên đảo Lý Sơn

Đảo Lý Sơn thuộc huyện Lý Sơn, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 18 hải lý. Hòn đảo với chưa đến 20 nghìn người dân sinh sống, nhưng luôn xanh tươi, ngư dân và Nhân dân ngày càng giàu mạnh, khẳng định vị trí của đảo tiền tiêu, tuyến đầu bảo vệ vùng biển, hải đảo của Tổ quốc.

Mùa xuân trên đảo Lý Sơn không giống như mùa xuân ở đất liền. Gió mạnh hơn, sóng biển ào ạt hơn, và những cơn mưa bất chợt ập tới, thậm chí là những cơn gió lốc có sức tàn phá cây cối, hoa màu. Nhưng đi trên những con đường trải bê tông, trải nhựa trên đảo, tôi vẫn thấy hoa bàng vuông bung nở, thấy những ruộng hành, ruộng tỏi vươn màu xanh trên nền cát trắng… như khẳng định sức sống mãnh liệt của người dân bám đảo.

Mùa xuân cũng là thời điểm khi mà người dân nơi đây xúc động chuẩn bị cho dịp “Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa” nhằm tri ân, tưởng niệm những binh phu năm xưa đã có công ra quần đảo Hoàng Sa cắm mốc, dựng bia khẳng định chủ quyền của Việt Nam từ hàng trăm năm trước. Theo sử liệu ghi chép lại, vào thế kỷ 17, triều đình nhà Nguyễn đã tổ chức tuyển chọn những trai tráng khỏe mạnh, giỏi bơi lội của đảo Lý Sơn sung vào Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải để ra quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thu lượm sản vật, đo đạc hải trình, vẽ bản đồ, cắm mốc khẳng định chủ quyền.

Qua câu chuyện của các bậc cao niên trên đảo, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa thường được các tộc họ ở xã An Hải trên đảo Lý Sơn tổ chức trang nghiêm, thành kính với những nghi thức cúng lễ như lễ yết, lễ cung nghinh, lễ thả thuyền… Không chỉ nhằm tri ân những người lính trong hải đội năm xưa, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa còn là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, với mong muốn lớp con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển, đảo Việt Nam như ông cha đã từng làm từ hàng trăm năm trước. Nghi lễ này được tổ chức vào khoảng tháng Hai, tháng Ba âm lịch hằng năm, trước khi những người lính lên đường.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là ngày hội lớn không chỉ với riêng tỉnh Quảng Ngãi mà từ lâu đã thấm sâu vào lòng người dân mọi miền đất nước như một minh chứng về chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Tháng 4/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Đến thăm Lý Sơn, du khách có nhiều điểm dừng chân đẹp và ý nghĩa như: Tượng đài Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, Âm linh tự, Nhà trưng bày đội Hoàng Sa Bắc Hải, hang Câu, cổng Tò vò, đỉnh Thới Lới… Hoàng hôn nhìn từ đỉnh Thới Lới, ngọn núi cao nhất trên đảo khiến lòng người xuyến xao. Những sợi khói lam chiều bay lên từ những mái nhà giữa cánh đồng tỏi bạt ngàn như níu dòng thời gian chảy chầm chậm lại.

Thắp một nén hương thơm trước tượng đài tưởng nhớ những người anh hùng đã không tiếc máu xương giữ chủ quyền biển, đảo, tiếng gió vi vút trên tán bàng vuông như cùng ta ngâm một khúc tráng ca tưởng nhớ, thúc giục thế hệ hôm nay tiếp bước cha anh dựng xây quê hương, gìn giữ biển trời.

Hải Triều

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/kinh-te/202302/tham-dao-ly-son-bad1b74/