Sát ngày cưỡng chế, mới có 2 hộ đồng ý bàn giao mặt bằng cho Dự án tôn tạo di tích Gò Đống Thây

Đến nay, mới có 2 gia đình đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng triển khai dự án Tu bổ, tôn tạo di tích Gò Đống Thây. Các trường hợp còn lại vẫn tiếp tục đề nghị thành phố và quận có chính sách hỗ trợ thêm.

Liên quan đến Dự án Tôn tạo, tu bổ di tích Gò Đống Thây, ngày 15/5 ông Nguyễn Mạnh Đạt, Chủ tịch UBND phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) cho biết, hiện mới có 2 hộ đồng ý bàn giao mặt bằng để triển khai dự án.

Theo ông Đạt, hầu hết các trường hợp bị thu hồi là đất lấn chiếm do trước đây công tác quản lý di tích lỏng lẻo. Do đó, số tiền được bồi thường, hỗ trợ di dời của các hộ rất thấp.

Ông Đạt cũng cho biết, thời gian qua các tổ công tác của phường đã đến từng gia đình gặp gỡ, tuyên truyền để vận động đồng thuận bàn giao mặt bằng trước thời gian tổ chức cưỡng chế (ngày 21 và 22/5). Đến nay, mới có 2 gia đình đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Các trường hợp có đất bị thu hồi vẫn tiếp tục đề nghị quận và thành phố có chính sách hỗ trợ thêm nên chưa đồng ý bàn giao mặt bằng.

Di tích lịch sử Gò Đống Thây, ngõ 12 Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung

Di tích lịch sử Gò Đống Thây, ngõ 12 Khuất Duy Tiến, phường Thanh Xuân Trung

Trước đó, UBND quận Thanh Xuân đã phê duyệt phương án tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi đất 4.283m2 đất và công trình trên đất của 61 hộ gia đình không chấp hành bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án "Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây (phường Thanh Xuân Trung). Dự kiến, thời gian tổ chức thực hiện cưỡng chế trong 2 ngày, từ 21-22/5.

Được biết, thực hiện Dự án Tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử gò Đống Thây là nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của quận Thanh Xuân. Trong đó, GPMB dự án "Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây” là nhiệm vụ trọng tâm tháng 5 của quận.

Khu vực Gò Đống Thây ngày nay, xưa thuộc cánh đồng làng Cự Chính - Nhân Mục, là một vùng sình lầy rộng lớn ven sông Tô Lịch.

Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa Lam Sơn. Trong những trận đánh nhằm bao vây, giải phóng thành Đông Quan (Hà Nội ngày nay) thì hai trận mở màn thắng lợi tại cầu Nhân Mục (cuối năm 1426) đã tiêu diệt được lực lượng lớn quân Minh đóng tại đây.

Sau trận đánh kể trên, nhân dân địa phương đã lưu truyền đến ngày nay là “Gò Thất Tinh”, “Khu mả Thất Tinh” và dần trở thành cái tên thông dụng như ngày nay là “Gò Đống Thây”, tức thây giặc chất nhiều thành đống, thành gò.

Do những giá trị đặc biệt, di tích Gò Đống Thây được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (trước đây là Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch) công nhận di tích lịch sử năm 1990.

Năm 2010, UBND quận Thanh Xuân được UBND TP. Hà Nội giao làm chủ đầu tư Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây.

Ngày 25/10/2018, UBND quận Thanh Xuân đã ban hành Quyết định số 3703/QĐ-UBND Phê duyệt Dự án Tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Gò Đống Thây.

Đây là công trình văn hóa cấp 3 với tổng diện tích sử dụng đất khoảng 15.336m2. Tổng mức đầu tư của dự án gần 234 tỷ đồng.

Dự án được triển khai qua 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, dự án thực hiện tu bổ, tôn tạo các hạng mục công trình trong phạm vi diện tích khoảng 8.785m2. Giai đoạn 2, thực hiện phần còn lại của dự án trong phạm vi diện tích khoảng 6.551m2.

Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng.

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/sat-ngay-cuong-che-moi-co-2-ho-dong-y-ban-giao-mat-bang-cho-du-an-ton-tao-di-tich-go-dong-thay-post1742609.tpo