Thăm địa chỉ đỏ Căn cứ cách mạng huyện Sông Hinh

Ông Phan Thanh Quyền (bìa trái) thuyết minh về di tích Căn cứ cách mạng của huyện Sông Hinh thời kháng chiến chống Mỹ. Ảnh: MA HINH

Trong chuyến đi thực tế sáng tác cùng anh chị em nghệ sĩ Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên vừa qua, tôi có dịp đến thăm di tích lịch sử Căn cứ cách mạng huyện Sông Hinh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đây là địa chỉ đỏ, đã và đang thu hút nhiều người trong và ngoài địa phương.

Để đến với di tích lịch sử được xếp hạng di tích cấp tỉnh nằm ở núi Hòn Nhọn (thôn Hà Roi, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh) giáp ranh với 2 tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk này, chúng tôi phải trải qua 3 đoạn đường với tổng chiều dài gần 100 cây số: đi bằng ô tô từ TP Tuy Hòa lên Sông Hinh; đi đò (ghe máy) qua hồ thủy điện Sông Hinh và đi bộ, băng rừng vượt suối, leo từng bậc tam cấp. Trời mùa hè, nắng gay gắt nhưng ai cũng háo hức, nhất là những người lần đầu tiên được trải nghiệm thực tế.

Địa bàn chiến lược

Người trực tiếp hướng dẫn đoàn là anh Phan Thanh Quyền, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật huyện Sông Hinh. Là người con của Thừa Thiên - Huế, nhưng anh Quyền nhiều năm gắn bó với vùng đất Sông Hinh nên rất am hiểu về nơi được anh chọn làm quê hương thứ hai và gắn bó đến trọn đời này. Anh Quyền cho biết, ông K’Siu Thắng, nguyên Bí thư xã Sông Hinh, cũng là người uy tín, già làng của đồng bào Ba Na địa phương hiểu biết sâu sắc về vùng đất, con người ở đây.

Theo ông K’Siu Thắng, trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, sau khi có Nghị quyết 15 (năm 1959) của Trung ương xác định rõ con đường phát triển và mục tiêu, phương pháp cách mạng ở miền Nam, cuộc cách mạng ở miền Nam chuyển hướng chiến lược từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Tháng 4/1960, Hội nghị Khu ủy Khu V đề ra nhiệm vụ: khẩn trương xây dựng Tây Nguyên và miền Tây các tỉnh thành căn cứ cách mạng vững chắc. Tháng 9/1960, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I (trong kháng chiến chống Mỹ) đã đề ra những chủ trương, biện pháp giải phóng hoàn toàn miền Tây, xây dựng các căn cứ địa cách mạng ở miền núi, động viên nhân tài, vật lực phục vụ kháng chiến.

Thực hiện chủ trương của trên, Huyện ủy Sơn Hòa (sau này là Huyện ủy Tây Nam) lấy địa bàn xã Hòn Nhọn (nay là xã Sông Hinh) xây dựng thành căn cứ cách mạng. Khu căn cứ cách mạng này luôn được củng cố vững chắc, trải qua mưa bom bão đạn vẫn đứng vững, góp phần vào thắng lợi chung của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Căn cứ cách mạng của huyện Sông Hinh năm xưa và là nơi chúng tôi đang có mặt là một gộp đá có hình thù rất kỳ bí. Một tảng đá sừng sững vừa cao to, vừa dài nằm gác ngang trên những tảng đá khác như một tấm lá chắn khổng lồ vững chắc, tạo thành mái nhà che chở cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trong những lần càn quét ác liệt của địch. Trên thân tảng đá vẫn còn dấu tích chiến sự ngày nào với những vết bom xăng, đạn pháo… mà địch đã trút xuống nơi đây.

Khu căn cứ tiếp giáp với hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk này tựa lưng vào dãy núi cao trùng điệp liên hoàn, men theo chân núi có đường thông xuống các xã Hòa Mỹ Tây, Hòa Thịnh… và đồng bằng Tuy Hòa. Quanh khu căn cứ có nhiều hang đá, gộp đá tự nhiên như: hang Hòm, hang Sim, gộp Tà Khôi…, mỗi nơi có thể dung trú hàng chục người. Cách không xa là dòng sông Hinh, suối Ea Nghe (suối Thị), suối Thạch Thảo, suối Tà Khô đảm bảo nguồn nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất quanh năm, đồng thời là vựa cá, cua tươi sống hàng ngày. Ngoài ra, trong rừng có nhiều loài chim, thú có thể săn bắt dùng làm thực phẩm tại chỗ trong những thời điểm khó khăn…

Ngoài vai trò là vùng căn cứ cách mạng của huyện Sông Hinh (Tây Nam), nơi đây từng là địa bàn đứng chân của Bộ Tư lệnh Phân khu Nam; của các đơn vị vũ trang Khánh Hòa, Đắk Lắk; của lực lượng cách mạng và dân bám trụ một số xã ở đồng bằng Tuy Hòa chuyển lên trong những thời điểm ác liệt; của các bệnh viện, bệnh xá, xưởng quân giới, trại sản xuất.

“Từ căn cứ này, cán bộ lãnh đạo có thể bám trụ, hoạt động dài ngày dựa vào địa thế núi rừng và sự che giấu, đùm bọc, nuôi dưỡng của bà con đồng bào các dân tộc. Khi tiến có thể đánh, giành thắng lợi. Khi lùi có thể phòng thủ, bảo toàn lực lượng và xây dựng, phát triển lực lượng”, già làng K’Siu Thắng cho biết.

Từ xã Sông Hinh, để đến với khu di tích phải đi bằng đò qua hồ thủy điện Sông Hinh. Ảnh: MA HINH

Từ xã Sông Hinh, để đến với khu di tích phải đi bằng đò qua hồ thủy điện Sông Hinh. Ảnh: MA HINH

Một tấc không đi, một ly không rời

Khi tiến hành chiến lược Chiến tranh đặc biệt (1961-1965), địch tiến hành dồn dân, lập ấp chiến lược, nhằm cắt đứt mối liên hệ giữa cách mạng với Nhân dân, cô lập lực lượng kháng chiến. Chúng tiến hành các chiến dịch Hải Yến, Dân Thắng, thường xuyên tập trung lực lượng mở những cuộc càn quét, đánh phá ác liệt; dùng biệt kích, thám báo luồn sâu vào vùng căn cứ, phát hiện chỗ ở của đồng bào ta và cách mạng để đưa quân tấn công, cướp phá tài sản, gom dân vào ấp chiến lược. Song bằng mọi cách, lực lượng của ta vẫn kiên cường bám trụ tại vùng căn cứ: sử dụng các hang đá, gộp đá, hầm bí mật, lán trại trong rừng làm nơi trú ẩn; tìm nguồn thực phẩm trong rừng, dưới sông, suối để bảo đảm đời sống và duy trì hoạt động sản xuất phục vụ kháng chiến lâu dài; dùng chông, cạm bẫy và các loại vũ khí tự tạo bố trí trận địa mai phục, chống càn, tiêu hao sinh lực địch.

Mùa hè năm 1963, địch tập trung hơn 1 tiểu đoàn với trang bị vũ khí hiện đại, có máy bay hỗ trợ, mở đợt càn quét với quy mô lớn từ Buôn Ma Thuột xuống địa bàn các xã Ea Bá, Ea Trol, Ea Bia đến Hà Roi. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Tây Nam và các chi bộ cơ sở, người dân đã kịp thời sơ tán, đào hầm giấu lúa gạo, đưa trâu bò, gà, heo vào vùng căn cứ an toàn.

Chiến lược Chiến tranh đặc biệt thất bại, địch tiến hành chiến lược Chiến tranh cục bộ. Trên địa bàn Sông Hinh, chúng tập trung lực lượng đánh phá vùng căn cứ, vùng giải phóng; tăng cường máy bay ném bom, bắn phá, rải xăng bột, chất hóa học hủy hoại sản xuất, bắn giết trâu bò… Đặc biệt, năm 1967, địch bất ngờ tập kích vào gộp Tà Khô, một số người già và trẻ em không kịp di chuyển bị chúng bắt đưa vào ấp chiến lược. Một lần khác địch đưa máy bay đến ném bom xuống gộp đá này trong lúc có 9 hộ dân với khoảng 50 người đang trú ẩn ở đó. Song, nhờ có mái đá che chắn nên không ai thương vong. Mặc dù tìm đủ mọi cách để tàn phá, nhưng địch vẫn không sao hủy diệt được cuộc sống ở vùng căn cứ. Vững niềm tin theo Đảng, đồng bào Ba Na, Chăm vẫn quyết tâm bám trụ tại địa bàn một tấc không đi, một ly không rời, cùng tham gia xây dựng, giữ vững vùng căn cứ cách mạng.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy Tây Nam, Nhân dân vùng căn cứ đã tích cực đóng góp công sức để củng cố các trục giao thông chiến lược, làm cầu tạm trên đường 21 nối dài, tạo điều kiện thuận lợi để các lực lượng vũ trang hành quân, các phương tiện vận chuyển đạn dược, hàng hóa. Đồng thời chuẩn bị các kho dự trữ lương thực, vũ khí phục vụ chiến dịch giải phóng. Từ vùng hậu cứ vững chắc này, các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của huyện Tây Nam cùng với lực lượng vũ trang huyện và du kích các địa phương đồng loạt nổi dậy bao vây, tấn công tiêu diệt tất cả các cứ điểm quân sự của địch trên địa bàn, giải phóng hoàn toàn huyện Tây Nam vào ngày 24/3/1975.

Từ khi khu căn cứ cách mạng này được xếp hạng di tích cấp tỉnh, nhiều người trong tỉnh, nhất là lực lượng đoàn viên thanh niên tổ chức thành các đoàn, nhóm tìm về nguồn, đến tham quan. Qua đó tìm hiểu, học tập các tấm gương của cán bộ cách mạng trong kháng chiến. Hồi đó dù bị đàn áp, có lúc phải vào tận rừng sâu nhưng người dân Sông Hinh vẫn một lòng theo Đảng và Bác Hồ, thà hy sinh, sống khổ cực nhưng nhất quyết không đầu hàng địch.

Ông H’Siu Thắng, nguyên Bí thư xã Sông Hinh

MA HINH

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/94/277490/tham-dia-chi-do-can-cu-cach-mang-huyen-song-hinh.html