Thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa
Chiều 13/7, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040. Đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp, về phía tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Giao thông vận tải - Xây dựng; lãnh đạo thị xã Sa Pa.
3 hành lang, 1 trung tâm, 4 vệ tinh, 4 vùng phát triển
Theo dự thảo quy hoạch chung, phạm vi nghiên cứu lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa gồm toàn bộ ranh giới hành chính thị xã Sa Pa, có diện tích 68.137 ha.
Phạm vi lập quy hoạch xây dựng gồm trung tâm của Khu du lịch Quốc gia Sa Pa có diện tích khoảng 6.090 ha, trong đó bao gồm diện tích đô thị du lịch Sa Pa lõi hiện hữu (diện tích 5.525 ha) và khu vực nghiên cứu mở rộng không gian (diện tích khoảng 565 ha); 4 phân khu kết nối với trung tâm của Khu du lịch Quốc gia Sa Pa gồm các phân khu: Bản Khoang - Tả Giàng Phình (xã Ngũ Chỉ Sơn); Tả Phìn; Tả Van - Séo Mý Tỷ và Thanh Kim (một phần của xã Thanh Bình).
Cấu trúc không gian tổng thể Khu du lịch Quốc gia Sa Pa gồm 3 hành lang, 1 trung tâm, 4 vệ tinh, 4 vùng phát triển.
Trong đó, 3 hành lang gồm: Hướng Đông - Tây gắn với Quốc lộ 4D, hệ thống đường bộ đối ngoại kết nối Khu du lịch Quốc gia Sa Pa với thành phố Lào Cai, với tỉnh Lai Châu và cao tốc Nội Bài - Lào Cai; hướng Bắc - Nam gắn với Tỉnh lộ 152, Tỉnh lộ 155 kết nối Khu du lịch Quốc gia Sa Pa với huyện Bát Xát, huyện Bảo Thắng; vùng đa dạng sinh học phía Tây gắn với Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
4 vệ tinh của trung tâm Khu du lịch Quốc gia Sa Pa gồm: Tả Van, Thanh Bình, Ngũ Chỉ Sơn, Tả Phìn (khu vực lõi nội thị thuộc phường Sa Pa, Phan Si Păng, Hàm Rồng).
4 vùng phát triển gồm: Trung tâm (6 phường nội thị và một phần xã Trung Chải); phía Bắc (xã Tả Phìn, Ngũ Chỉ Sơn, Trung Chải); phía Đông Nam (xã Mường Hoa, Thanh Bình, Mường Bo, Liên Minh); phía Tây Nam (xã Hoàng Liên, Tả Van, Bản Hồ).
Cấu trúc không gian tổng thể Khu du lịch Quốc gia Sa Pa phát triển theo cấu trúc mở, liên kết với nhau bằng hệ thống giao thông vùng, được bố trí linh hoạt dựa trên đặc điểm tự nhiên, văn hóa và lợi thế kinh tế của từng khu vực. Vườn Quốc gia Hoàng Liên, núi Ngũ Chỉ Sơn, thung lũng Mường Hoa, hồ, suối và vùng nông nghiệp là hệ khung thiên nhiên đóng vai trò cân bằng trong phát triển Khu du lịch Quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa.
Về định hướng phát triển không gian tổng thể, Khu du lịch Quốc gia Sa Pa được định hướng phát triển không gian đô thị, nông thôn và du lịch gắn kết hài hòa với cảnh quan địa hình tự nhiên. Giữ gìn và phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, khí hậu. Giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa đa dạng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tái thiết nâng cao chất lượng khu vực vùng lõi trung tâm khu du lịch. Xây dựng các trung tâm du lịch vệ tinh. Bảo tồn hệ sinh thái núi rừng, đa dạng sinh học của Vườn Quốc gia Hoàng Liên, núi Ngũ Chỉ Sơn. Chỉnh trang và nâng cấp hạ tầng và môi trường các khu vực đô thị và nông thôn.
Tính toán "sức chứa, ngưỡng chịu tải" của Khu du lịch Quốc gia Sa Pa
Về cơ bản các ý kiến của các bộ, ngành, tổ chức, cơ quan, chuyên gia phản biện nhất trí với nội dung Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa đến năm 2040, cơ bản phù hợp với Quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch của Thủ tướng.
Các đại biểu cũng đề nghị bổ sung, làm rõ một số nội dung: Sa Pa vừa là đô thị vừa là khu du lịch quốc gia nên đồ án phải tuân thủ quy định liên quan đến luật, quy định liên quan, đảm bảo tính tích hợp đa ngành. Phải khẳng định được những giá trị đặc biệt của Sa Pa trong tầm quốc gia, quốc tế. Rà soát phạm vi quy hoạch, quy mô diện tích vùng lõi và trung tâm khu du lịch. Đánh giá tác động, lợi ích mang lại cho đồng bào dân tộc. Đánh giá hiện trạng sản phẩm du lịch để làm rõ sự nổi trội với các khu vực khác. Bổ sung, nghiên cứu, tính toán "sức chứa, ngưỡng chịu tải" của khu du lịch và đô thị Sa Pa đảm bảo cơ sở khoa học và thực tiễn. Định hướng phát triển du lịch sinh thái cần dựa trên việc bảo tồn tài nguyên rừng và phát huy dịch vụ môi trường rừng. Phương án quy hoạch kết nối với khu du lịch Y Tý.
Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định quan điểm của tỉnh là xây dựng Quy hoạch chung Khu du lịch Quốc gia Sa Pa với hạ tầng xã hội, kỹ thuật và tiện ích dịch vụ đồng bộ, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, kiến trúc, cảnh quan tự nhiên, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và đô thị bền vững. Quá trình xây dựng đồ án quy hoạch, tỉnh đã tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, phân tích đánh giá tác động về kinh tế - xã hội, môi trường, cảnh quan của quá trình phát triển du lịch và xây dựng Sa Pa, đảm bảo phát triển du lịch và đô thị không bị quá tải về hạ tầng, phát triển bền vững và phát huy giá trị độc đáo của Sa Pa.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng cảm ơn ý kiến của các chuyên gia và các thành viên Hội đồng thẩm định, đồng thời khẳng định đây là những ý kiến quý giá, trách nhiệm, tâm huyết với Sa Pa. Tỉnh Lào Cai sẽ nghiêm túc tiếp thu và có những điều chỉnh phù hợp vào đồ án quy hoạch trước khi trình Thủ tướng phê duyệt.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá cao tỉnh Lào Cai đã có sự chuẩn bị chu đáo, bài bản đối với Đồ án Quy hoạch chung Khu du lịch Quốc gia Sa Pa. Bộ trưởng cũng chỉ đạo tỉnh Lào Cai nghiêm túc tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, thành viên Hội đồng thẩm định tại cuộc họp.
Để hoàn thiện quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị tỉnh Lào Cai tiếp tục rà soát Đồ án quy hoạch, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến Lào Cai và Sa Pa, bám sát nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch phải đảm bảo cho Sa Pa phát triển tốt hơn nhưng phải phát huy giá trị đặc biệt, riêng có của Sa Pa, bảo vệ cảnh quan, môi trường tự nhiên, giữ được rừng, giá trị bản sắc văn hóa và quan tâm đến điều kiện sống, sinh kế của đồng bào các dân tộc thiểu số trong bối cảnh mới. Chú ý các yếu tố thách thức đến phát triển Sa Pa như biến đổi khí hậu, đô thị hóa… Quy hoạch khu du lịch phải đồng bộ với các quy hoạch khác. Đảm bảo hài hòa, bền vững, đồng bộ giữa đô thị, nông thôn và du lịch. Đơn vị tư vấn đánh giá kỹ thực hiện quy chế đô thị Sa Pa, việc thực hiện các quy hoạch liên quan đến đô thị Sa Pa. Rà soát, đảm bảo tính khả thi của các dự báo phát triển như dự báo dân số đô thị nông thôn, dự báo lượng khách du lịch, nhu cầu sử dụng đất đai và đáp ứng nguồn nhân lực ra sao. Hạn chế nén tại vùng lõi, giảm tải, giảm áp lực cho khu vực lõi đô thị. Xác định "ngưỡng hạ tầng", từ đó xác định "ngưỡng đầu tư". Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất các vùng theo cấu trúc không gian để chia sẻ, giảm tải cho vùng lõi. Phát triển Sa Pa không chỉ tập trung cho du lịch nghỉ dưỡng mà phải quan tâm các sản phẩm du lịch đặc trưng... Rà soát, đánh giá các dự án đã và đang triển khai đảm bảo phù hợp với quy hoạch và quy định pháp luật.
Tại cuộc họp, 19/19 thành viên Hội đồng thẩm định nhất trí thông qua Quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Sa Pa - thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2040 để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.