Tham gia chuỗi liên kết của HTX, thu nhập của nông dân xứ Thanh tăng hàng chục lần
Những năm qua, huyện Hoằng Hóa là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh Thanh Hóa trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, phát huy vai trò của các HTX, trong liên kết nông dân, doanh nghiệp, đưa sản phẩm vào chuỗi giá trị, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống cho các hộ sản xuất.
Trên cánh đồng xã Hoằng Đông, huyện Hoằng Hóa, bà Nguyễn Thị Nga cùng khoảng 30 thành viên của HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Đông liên tục trúng lớn trong những vụ mùa vừa qua. Sản phẩm chủ lực của nông dân là khoai tây và các loại rau quả VietGAP.
Đổi thay nhờ HTX
Trong 3 năm qua, HTX dịch vụ nông nghiệp Hoằng Đông đã triển khai kế hoạch trồng cây khoai tây Marabel theo mô hình liên kết theo chuỗi giá trị nhằm mở hướng đi mới và nâng cao thu nhập cho người dân.
“Tham gia mô hình, chúng tôi được HTX cung ứng, cho nợ tiền giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nên rất yên tâm, tự tin sản xuất theo hướng dẫn”, bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ.
Hiện, vùng trồng khoai tây và rau màu VietGAP của HTX tập trung tại 2 thôn Quang Trung và Đông. HTX đã ký hợp đồng với các hộ tham gia mô hình với giá niêm yết: Loại 1 giá 7.000 đồng/kg và loại 2 giá 3.000 đồng/kg. Mỗi năm, HTX ký hợp đồng bao tiêu từ 800 đến 1.000 tấn khoai tây, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động với thu nhập khoảng 8 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, ở huyện Thọ Xuân, chỉ 5 năm trước, cánh đồng Bãi Miềng tại xã Xuân Bái chỉ có khoảng 60 hộ trồng mía với diện tích vài sào mỗi hộ, phương thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hàm lượng khoa học kỹ thuật thấp nên năng suất không cao, vấn đề tiêu thụ trở thành bài toán vô cùng nan giải.
Trước những khó khăn từ thực tế, HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Bái, với sự hỗ trợ của địa phương, đã đứng ra liên kết các hộ dân, mở rộng diện tích canh tác mía lên hơn 37 ha, chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng an toàn.
Trong khâu tổ chức, HTX chịu trách nhiệm cung ứng giống, nguyên liệu, giám sát các khâu kỹ thuật chăm sóc, đồng thời ký hợp đồng với Công ty CP Mía đường Lam Sơn để bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Việc liên kết với doanh nghiệp cũng giúp thành viên HTX tiếp cận được với vật tư, phân bón dễ dàng, tiết kiệm hơn.
Hình thành sản xuất lớn
Đến nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Bái đã phát triển được 200 ha mía nguyên liệu và tạo việc làm cho hơn 20 lao động. Do được cung ứng giống bảo đảm, chú trọng khâu chăm sóc nên năng suất mía trung bình đạt từ 70 tấn/ha trở lên.
Được biết, những năm qua, để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng, huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo xây dựng quy hoạch và từng bước triển khai nhiều chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, như hỗ trợ máy sấy lúa cho các HTX liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm, hỗ trợ 500 triệu đồng đầu tư hệ thống điện cho các khu trang trại tổng hợp có diện tích từ 20 ha trở lên...
Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX thực hiện tích tụ, tập trung hơn 1.598 ha đất; tích cực ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ, đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động, tiết kiệm nước trong sản xuất cây ăn quả, mía...
Hiện nay, toàn huyện đã thu hút được hơn 100 HTX, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư để thực hiện các dự án lớn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ hiện đại của châu Âu, Israel và các nước phát triển...
Một số chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm đã và đang hình thành, phát triển bền vững, như cây mía nguyên liệu; giống lúa thuần chất lượng cao, ngô dày, cỏ làm thức ăn chăn nuôi, các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như ớt, ngô ngọt, khoai tây, bí…
Có thể thấy, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đang tích cực tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp với người dân.
Để khuyến khích các tập thể, cá nhân tham gia tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương và giao dự toán hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2020 cho 6 dự án.
Điển hình như dự án sản xuất cây ớt xuất khẩu theo chuỗi liên kết cung cầu với Công ty TNHH Long Phương Nam để xuất khẩu của HTX nông nghiệp Liên Lộc (Hậu Lộc); chăn nuôi gà thịt theo chuỗi liên kết để xuất khẩu ở huyện Hậu Lộc; mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao tại huyện Hậu Lộc... với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 4 tỷ đồng.
Nhân rộng mô hình điểm
Tính đến đầu năm 2023, tỉnh Thanh Hóa có 812 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Qua khảo sát, toàn tỉnh có khoảng 150 HTX nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
So với các HTX sản xuất theo mô hình truyền thống, HTX sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị có chi phí giảm từ 5 - 7%, thu nhập của thành viên tăng 20 - 25%; chất lượng sản phẩm tăng, giá bán ổn định.
Thông qua chuỗi, nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới hiện đại được áp dụng rộng rãi, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa; nhiều quy trình, tiêu chuẩn hóa số lượng, chất lượng sản phẩm được áp dụng đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Đang có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận thực tế là số lượng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay còn khá ít, quy mô liên kết còn nhỏ. Một trong những khó khăn trong việc xây dựng và phát triển số lượng các chuỗi trên địa bàn là tình trạng sản xuất nông nghiệp còn mang tính nhỏ lẻ, có sự tham gia của nhiều hộ.
Tuy đã hình thành được nhiều vùng sản xuất tập trung nhưng tính tổ chức, liên kết còn hạn chế và chưa có những dự án đầu tư tổ chức sản xuất liên kết giữa các vùng. Việc tích tụ, tập trung đất đai vẫn còn nhiều trở ngại, người dân vẫn còn tâm lý giữ đất, e ngại xảy ra những biến động trong việc cho thuê quyền sử dụng đất. Thêm vào đó là tính liên kết giữa người dân, HTX, doanh nghiệp chưa chặt chẽ.
Vì vậy, để việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị thực sự phát triển bền vững, các ngành có liên quan của tỉnh, các địa phương cần có kế hoạch phát triển cụ thể, thu hút doanh nghiệp tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường đối với từng sản phẩm; tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể và thương hiệu.