Thám hiểm Sơn Đoòng: Hành trình tìm về nguồn cội
Ý tưởng về một chuyến thám hiểm đến Sơn Đoòng nảy sinh không chỉ từ niềm đam mê khám phá mà còn từ khao khát tìm lại mối dây liên kết với quê nhà.
Sinh ra và lớn lên tại Ba Lan, nơi cách quê hương Việt Nam hàng nghìn cây số, chúng tôi luôn mang trong mình một tình cảm đặc biệt dành cho nơi chôn nhau cắt rốn của cha mẹ, nơi mà chúng tôi chỉ biết qua những câu chuyện kể và những lần về thăm ngắn ngủi.
Ý tưởng về một chuyến thám hiểm đến Sơn Đoòng nảy sinh không chỉ từ niềm đam mê khám phá mà còn từ khao khát tìm lại mối dây liên kết với quê nhà. Khi biết rằng chúng tôi sẽ trở thành đoàn trẻ nhất từng chinh phục Sơn Đoòng, niềm khao khát đó càng trở nên mãnh liệt.
Trong một thế giới mà hầu hết mọi người đều hướng về phía ánh sáng, chúng tôi đã mạo hiểm đi vào trái tim của bóng tối, nơi chúng tôi phát hiện ra rằng những cảnh tượng phi thường nhất có thể được tìm thấy ở những nơi tối tăm nhất. Hang Sơn Đoòng, ẩn mình trong lòng Việt Nam, đã cho chúng tôi thấy rằng đây không chỉ là một hang động - mà là một thế giới trong lòng thế giới.
Vào giữa tháng Bảy vừa qua, chúng tôi đã có cơ hội tham gia một cuộc thám hiểm kéo dài bốn ngày vào Sơn Đoòng. Cuộc phiêu lưu này không chỉ là hành trình khám phá những kỳ quan thiên nhiên được hình thành hàng triệu năm trước mà còn là hành trình khám phá nghị lực của chính bản thân mình.
Hang Sơn Đoòng, được phát hiện vào năm 1990, kéo dài gần 9 km và có thể tích ấn tượng lên tới 38,5 triệu mét khối, khiến nó trở thành hang động tự nhiên lớn nhất trên hành tinh.
Vào đêm trước khi bắt đầu hành trình, hướng dẫn viên của đoàn đã chia sẻ về lịch sử và nguồn gốc của hang. Cái tên "Sơn Đoòng" tự nó đã kể một câu chuyện đầy lôi cuốn: "Sơn" nghĩa là núi, và "Đoòng" là tên của thung lũng nơi người dân tộc Bru Vân Kiều sinh sống, cũng là nơi bắt nguồn của sông Thượng.
Chưa từng vào rừng nhiệt đới – nơi có rất nhiều côn trùng, rắn rết và cả muỗi rừng, cảm giác lo lắng và háo hức đan xen trong chúng tôi khi đi bộ xuyên rừng vào ngày đầu tiên, dừng lại ăn trưa tại làng Bản Đoòng xa xôi.
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Bản Đoòng. Làng Bản Đoòng, nơi sinh sống của khoảng 50 người thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều, là một sự tương phản rõ rệt với thế giới bên ngoài cánh rừng. Tại đây, cuộc sống hòa quyện với thiên nhiên, thiếu vắng những tiện nghi hiện đại nhưng sự giản dị khiến chúng tôi cảm thấy vừa lạ lẫm, vừa gần gũi vừa đầy hứng thú.
Tối đầu tiên, chúng tôi cắm trại trong Hang Én, hang động lớn thứ ba trên thế giới. Khu trại của chúng tôi nhìn ra cửa hang, với một hồ nước ngầm mời gọi, chúng tôi thả mình vào làn nước mát lạnh đến tê người.
Trong suốt hành trình, chúng tôi được thưởng thức nhiều món ăn ẩm thực truyền thống Việt Nam, mỗi bữa ăn là một sáng tạo độc đáo của những đầu bếp tài ba đồng hành cùng chúng tôi, đem lại cảm giác như từ một nhà hàng Michelin. Những món ăn này cung cấp năng lượng cần thiết cho chúng tôi khi chinh phục những con đường đầy thử thách phía trước.
Khi đặt chân vào lòng hang Sơn Đoòng, mọi mệt mỏi dường như tan biến. Ánh sáng từ cửa hang chiếu rọi xuống tạo nên một khung cảnh huyền ảo, như đưa chúng tôi vào một thế giới khác, nơi mà thời gian và không gian dường như ngưng đọng. Đứng trước những cột thạch nhũ khổng lồ, những dòng sông ngầm trong vắt, và những hành lang hóa thạch tồn tại hàng trăm triệu năm, cảm nhận rõ sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên.
Trong suốt 4 ngày, chúng tôi được đến nhiều điểm checkin ngoạn mục, nhiều trong số đó giống như cảnh trong phim — vâng, thật sự: Một số phần của Hang Sơn Đoòng, cùng với lối ra của Hang Én, đã được đưa vào phim trường kỳ diệu Neverland trong bộ phim Pan năm 2015.
Bên trong hố sụt 1 còn có vọng Khủng Long, đến đây tưởng như mình đang lạc vào Công viên Kỷ Jura. Còn có một cái hố sâu tròn xoe, với những tia hơi nước và thêm chút hiệu ứng ánh sáng, những bức hình tại đây khiến nó được liên tưởng đến bộ phim điệp viên 007 nổi tiếng, chính vì vậy mà nó đã được các du khách đặt tên là “hố James Bond”.
Nhưng điều kỳ diệu thực sự của hành trình của chúng tôi chính là hệ sinh thái bên trong hố sụt lớn nhất của Hang Sơn Đoòng, được bao bọc hoàn toàn bởi những vách đá cao 252m mới chạm tới bề mặt của Trái Đất. “Vườn Edam”, một sự biến tấu hài hước từ cái tên của khu vườn trong Kinh Thánh, không làm chúng tôi thất vọng với những đặc điểm độc đáo của riêng nó.
Cấu trúc đá “wedding cake” đã truyền cảm hứng cho nhiều cặp đôi trao nhau lời thề ước, rồi những khối thạch nhũ khổng lồ, đẹp ngất ngây, những viên ngọc động to nhất thế giới. Sương mù và mây vờn đá cũng là đặc sản không thể thiếu làm cho khung cảnh thêm phần ảo diệu hơn.
Bên trong hang còn chứa rất nhiều siêu phẩm - những cột nhũ đá tuyệt đẹp, muôn hình vạn trạng, những cột măng đá khổng lồ có chiều cao lên đến 80 mét, đây là những cột thạch nhũ được đánh giá là cao nhất thế giới.
Những khoảnh khắc thư giãn cùng đội thám hiểm bằng một bát hạt dẻ rang – hoặc khoai lang nướng bên bếp than hồng, một vài ván bài cổ điển… vào mỗi tối lại là những kỷ niệm quý giá nhất trong suốt chuyến đi của chúng tôi. Ở một nơi dường như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài, không có sóng điện thoại, không có internet, tình người dường như được gắn kết hơn.
Trong suốt hành trình, chúng tôi luôn có sự đồng hành và hỗ trợ hết mình từ đội ngũ hỗ trợ, bao gồm gần 30 người đã làm việc không mệt mỏi để cuộc thám hiểm diễn ra suôn sẻ. Họ không chỉ giúp chúng tôi vượt qua những thử thách khó khăn mà còn mang đến những bữa ăn ngon lành, ấm áp ngay trong lòng hang động.
Bức tường Việt Nam: Thách thức cuối cùng và đỉnh cao của sự tự hào
Đỉnh điểm của hành trình là khi chúng tôi phải đối mặt với “Bức tường Việt Nam” - thách thức lớn nhất của hành trình. Đây là một vách đá thẳng đứng cao hơn 90m, những điểm có độ cao trung bình cũng từ 50 - 60m, nơi mà mọi giới hạn của thể lực và ý chí đều được thử thách đến cùng cực.
Chỉ vào năm 2010, hai mươi năm sau khi hang động được phát hiện, một nhóm thám hiểm mới có thể leo lên bức tường và hoàn thành việc khảo sát hang động. Ở chân “Bức tường Việt Nam” thường xuyên có hồ nước, có lúc nước dâng lên đến 30m, lúc nước rút hết để lại một lối đi bùn sâu gần 50cm.
Với sự khích lệ của đội hỗ trợ an toàn, tất cả chúng tôi đã chinh phục được thử thách cuối cùng này. Hoàn thành một kỷ lục cá nhân, chúng tôi không chỉ là chiến thắng chính mình, vượt qua giới hạn của bản thân, mà còn là sự khẳng định cho tinh thần của tuổi trẻ, sự kiên cường và lòng tự hào dân tộc.
Và chúng tôi đã ăn mừng thành công lập kỷ lục của chính mình bằng bữa trưa chớp nhoáng trong bóng tối với món roti gà ngon chưa từng thấy và món tráng miệng xoài bản xứ cũng thơm phức, ngọt lịm chưa từng thấy luôn.
Hành trình thám hiểm kết thúc bằng một chuyến leo trèo từ miệng hang xuống đường quốc lộ nơi xe chờ sẵn đón chúng tôi. Vài giờ xuyên rừng, băng qua những khối đá tai mèo lởm chởm và nhọn hoắt không hề đơn giản chút nào, cảm xúc của chúng tôi lúc bấy giờ rất mâu thuẫn: háo hức kết nối lại với thế giới bên ngoài nhưng lại không muốn rời bỏ cuộc phiêu lưu có một không hai trong đời.
Chia tay Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, chúng tôi mang theo hơn ngàn bức ảnh, những vết muỗi đốt ngứa ngáy-quà quý từ rừng Phong nha, và những kỷ niệm đẹp đẽ, những trải nghiệm sâu sắc về thiên nhiên kỳ vĩ và tình người Việt Nam gắn bó. Và trên hết, chúng tôi mang theo niềm tự hào vì đã chinh phục được một trong những kỳ quan thiên nhiên vĩ đại nhất thế giới, là sự biết ơn khi có cơ hội được kết nối sâu sắc hơn với quê hương, và là sự khẳng định rằng, dù sinh ra ở đâu, lớn lên ở đâu, chúng tôi vẫn luôn mang trong mình dòng máu Việt Nam mạnh mẽ.
Chúng tôi – những người Việt trẻ sinh ra và lớn lên ở Ba Lan – đã viết nên một câu chuyện đặc biệt cho chính mình, và câu chuyện đó sẽ mãi là một phần không thể quên trong hành trình cuộc đời. Chắc chắn, chúng tôi sẽ còn quay lại, để khám phá thêm nhiều điều tuyệt vời của quê hương Việt Nam.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tham-hiem-son-doong-hanh-trinh-tim-ve-nguon-coi/345386.html