Thảm họa công nghiệp 40 năm chưa thể nguôi ngoai nỗi đau – Kỳ 1
Đêm 3/12/1984, khoảng 40 tấn khí độc âm thầm rò rỉ từ một nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu ở Bhopal, lan rộng khắp thành phố miền Trung Ấn Độ, khiến nửa triệu người dân phơi nhiễm. Đám mây khí độc khiến hàng nghìn người thiệt mạng vài ngày sau đó. 40 năm trôi qua, di chứng từ thảm họa vẫn đè nặng lên Bhopal với hàng chục nghìn người, kể cả những thế hệ sinh ra sau năm 1984, tiếp tục gánh chịu hậu quả.
ĐÊM CHẾT CHÓC

Một em nhỏ là nạn nhân của thảm họa tại Bhopal. Ảnh: India Today
Theo hãng thông tấn AFP (Pháp), khoảng 3.500 người thiệt mạng ngay sau thảm họa, và ước tính tổng cộng 25.000 người tử vong trong bi kịch công nghiệp chết chóc nhất thế giới này.
Vụ việc xảy ra tại cơ sở của công ty hóa chất Mỹ Union Carbide tại Bhopal. Guardian (Anh) cho biết, khí methyl isocyanate (MIC) đã lan rộng khắp thành phố đang yên giấc ngủ. Một kỹ sư đã xả nước qua đoạn đường ống bị ăn mòn trong khu sản xuất MIC. Yếu tố đặc biệt nguy hại là loạt van bị hỏng, khiến nước chảy tự do vào các bể 3 tầng chứa hóa chất độc hại ở trạng thái lỏng. Từ đây, phản ứng hóa học xảy ra nhanh và dữ dội. Lớp vỏ bê tông của bể chứa vỡ tung và phun ra đám mây gồm MIC, hydro xyanua, monomethylamine cùng nhiều hóa chất khác. Nhà máy của Union Carbide được trang bị 6 hệ thống an toàn để phát hiện rò rỉ. Tuy nhiên, trong đêm định mệnh, không có hệ thống nào trong số đó hoạt động.
MIC vốn được sử dụng trong sản xuất thuốc trừ sâu và nó gây tổn thương nghiêm trọng khi xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp bởi tính ăn mòn cực mạnh.
Khi đám mây khí độc chết chóc bao trùm phần lớn thành phố Bhopal, người dân bắt đầu bất tỉnh. Bà Aziza Sultan, một người sống sót, kể lại: “Khoảng 12 giờ rưỡi đêm, tôi tỉnh dậy vì nghe tiếng ho dữ dội của con. Dưới ánh sáng lờ mờ, tôi thấy cả căn phòng ngập trong một làn khói trắng. Tôi nghe thấy nhiều người la hét. Họ hô hoán: ‘Chạy đi! Chạy đi!’. Rồi tôi cũng bắt đầu ho. Mỗi hơi thở như hít phải lửa. Mắt tôi bỏng rát”.
Một người dân địa phương khác có tên Champa Devi Shukla hồi tưởng: “Cảm giác như ai đó nhét ớt đỏ vào cơ thể chúng tôi, nước mắt nước mũi dàn dụa, miệng thì sùi bọt. Cơn ho dữ dội đến mức mọi người quằn quại trong đau đớn”.
Đám đông hoảng loạn tháo chạy khiến nhiều đứa trẻ bị tuột khỏi tay cha mẹ. Các gia đình tan tác theo đúng nghĩa đen.
Trong khoảnh khắc tưởng như tận thế đó, không ai biết chuyện gì đang xảy ra. Mọi người bắt đầu chết trong kinh hoàng. Một số người nôn mửa không kiểm soát, lên cơn co giật rồi ngã xuống và trút hơi thở cuối cùng. Những người khác ngạt thở. Nhiều người qua đời do tình trạng giẫm đạp hoảng loạn ở những con hẻm hẹp.
Tới nay, hơn 150.000 người vẫn đang sống chung với hậu quả do vụ rò rỉ cũng như ô nhiễm kéo dài gây ra, bao gồm các bệnh về đường hô hấp, thận, gan, ung thư và vấn đề phụ khoa. Union Carbide đã đóng cửa nhà máy và bỏ mặc nó rỉ sét theo thời gian. Nhà máy của Union Carbide tại Bhopal chưa từng được xử lý triệt để khiến tình trạng nhiễm độc vẫn tiếp diễn.
Nỗi đau truyền đời

Lễ hỏa táng tập thể các nạn nhân trong thảm họa. Ảnh: Tổ chức Ân xá Quốc tế
Bà Rashida Bi sống sót sau thảm họa nhưng mất năm thành viên trong gia đình vì nhiều loại ung thư trong ba thập niên qua. Bà cay đắng nói: “Những người may mắn là trường hợp ra đi vào đêm đó”.
Bi kịch chưa dừng lại khi những cơn mưa gió mùa tấn công nhà máy đang xuống cấp. Nước mưa khiến các ao chứa chất thải hóa học bị tràn. Từ đây độc tố ngấm vào lòng đất, rò rỉ vào các mạch nước ngầm bên dưới. Nước giếng bị ô nhiễm sau đó đã được bơm và cung cấp cho 42 khu dân cư.
Đến năm 1999, toàn bộ mức độ ô nhiễm mới được phơi bày, khi các nhà điều tra của Greenpeace thực hiện một loạt xét nghiệm và phát hiện rằng đất và nước trong và xung quanh nhà máy Union Carbide bị nhiễm organochlorine cùng kim loại nặng – những chất cực độc có khả năng tích tụ trong cơ thể con người.
Cũng trong năm 1999, xét nghiệm nước ngầm và nước giếng gần địa điểm xảy ra thảm họa cho thấy nồng độ thủy ngân cao gấp 6 lần ngưỡng được Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) coi là an toàn. Họ còn phát hiện hóa chất trong nước gây ung thư, tổn thương não và dị tật bẩm sinh.
Một nghiên cứu tiếp theo vào năm 2002, phát hiện ra thủy ngân, chì và organochlorine trong sữa mẹ của những phụ nữ sống gần nhà máy Union Carbide. Nghiên cứu cũng kết luận rằng con cái của những phụ nữ bị ảnh hưởng bởi vụ rò rỉ đã mắc phải một loạt bệnh lý nghiêm trọng, bao gồm dị tật bẩm sinh và rối loạn chức năng sinh sản. Đặc biệt hóa chất trichloroethene, được chứng minh gây tác động làm giảm sự phát triển của thai nhi, được phát hiện ở mức cao hơn 50 lần so với giới hạn của EPA.
Đài NPR (Mỹ) đưa tin, một nghiên cứu vào năm 2023 cho thấy thảm họa tại Bhopal năm 1984 không chỉ ảnh hưởng đến những người tiếp xúc với khí độc đêm đó mà còn cả thế hệ trẻ sơ sinh vẫn còn trong bụng mẹ khi thảm họa xảy ra. Trên thực tế, nam giới sinh ra ở Bhopal vào năm 1985 có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn, trình độ học vấn thấp hơn và tỷ lệ khuyết tật cao hơn so với những người sinh trước hoặc sau năm 1985. Hơn 50.000 người dân Bhopal không thể lao động do những thương tổn họ phải gánh chịu.
Một cuộc điều tra do tờ New York Times (Mỹ) tiến hành nhận định rằng thảm họa tại Bhopal là hậu quả của lỗi vận hành, lỗi thiết kế, lỗi bảo trì, thiếu sót trong đào tạo và các biện pháp tiết kiệm không an toàn.
Đón đọc kỳ cuối: Những câu hỏi còn bỏ ngỏ