Việt Nam sẽ sản xuất vaccine điều trị ung thư

Thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, sản xuất vaccine giữa Nga và Việt Nam đã mở ra cơ hội mới cho việc điều trị ung thư bằng vaccine, góp phần tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư.

Đột phá trong công nghệ điều chế vaccine của Nga

Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Gamaleya – một trong những viện nghiên cứu y sinh hàng đầu của Nga – đã hợp tác với Viện Nghiên cứu ung thư Herzen (Moscow) và Trung tâm Nghiên cứu y học ung thư quốc gia Blokhin để phát triển một loại vaccine đặc biệt. Không giống như các loại vaccine truyền thống có chức năng phòng ngừa, vaccine mới của Nga được thiết kế để điều trị, sử dụng cho các bệnh nhân đã mắc ung thư.

Vaccine sử dụng công nghệ mRNA - một vật liệu di truyền, “chìa khóa” mã hóa thông tin một protein đặc hiệu của mầm bệnh. Khi vaccine đi vào cơ thể, mRNA sẽ xâm nhập vào tế bào, hướng dẫn bộ máy tổng hợp protein của tế bào tạo ra protein giống như protein được mã hóa của mầm bệnh. Protein mới được tạo ra hoạt động như một kháng nguyên, đào tạo hệ miễn dịch nhận ra nó và tạo kháng thể chống lại tế bào ung thư.

Điểm nổi bật của vaccine điều trị ung thư dựa trên mRNA do các nhà khoa học Nga phát triển là khả năng "cá nhân hóa" theo từng bệnh nhân. Sau khi sinh thiết khối u, các bác sĩ sẽ xác định các đột biến di truyền đặc thù, từ đó điều chỉnh chuỗi mRNA và thành phần vaccine phù hợp. Quy trình này sẽ được hỗ trợ bởi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Nhờ dữ liệu từ khoảng 40.000 đến 50.000 khối u đã được thu thập, quy trình “cá nhân hóa” vaccine sẽ chỉ mất khoảng từ 30 phút đến một giờ, thay vì cả tháng như ước tính ban đầu.

Ông Andrei Pankratov, Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Gamaleya cho biết: "Có hai cơ chế chính tạo nên hiệu quả chống khối u. Thứ nhất, chúng tôi sử dụng virus không gây bệnh, chúng sinh sôi mạnh mẽ hơn trong các tế bào ác tính, dẫn đến phá hủy tế bào này. Thứ hai, khi kháng nguyên được giải phóng, hệ miễn dịch được kích hoạt để nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư".

Theo Bộ Y tế Liên bang Nga, các thử nghiệm lâm sàng về vaccine mRNA cá nhân hóa mới cho liệu pháp điều trị ung thư đã sẵn sàng để triển khai sau khi hoàn thành giai đoạn tuyển dụng tình nguyện viên. Việc bắt đầu thử nghiệm được lên lịch vào tháng 9/2025 trên những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hắc tố và ung thư phổi tế bào nhỏ. Trong tương lai, các nhà nghiên cứu có ý định mở rộng phạm vi ứng dụng của vaccine mRNA cá nhân hóa để điều trị các bệnh nhân mắc khối u ác tính ở thận, tuyến vú và tuyến tụy.

Không phải ngẫu nhiên mà Nga có nền tảng vững chắc trong lĩnh vực vaccine. Năm 2020, Nga trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine phòng COVID-19 Sputnik V do chính Viện Gamaleya phát triển. Vaccine này sử dụng công nghệ vector adenovirus đã được Nga nghiên cứu suốt nhiều thập kỷ. Cách tiếp cận này được đánh giá là mang tính đổi mới và đã chứng minh hiệu quả trong thực tiễn.

Bên cạnh tính hiệu quả cao, một trong những ưu điểm nổi bật của công nghệ vaccine Nga là khả năng bảo quản ở điều kiện thường; giúp giảm chi phí và thuận tiện hơn trong quá trình phân phối, đặc biệt tại các nước có hạ tầng y tế hạn chế. Ngoài COVID-19, công nghệ vector của Nga còn đang được ứng dụng trong nghiên cứu các vaccine phòng bệnh như cúm mùa, HIV, và các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Vaccine của Nga giúp điều trị ung thư

Đối với việc ký kết hợp tác nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine điều trị ung thư bằng công nghệ mRNA, các chuyên gia Y tế trong lĩnh vực ung thư học đều cho rằng đây là tín hiệu tích cực, một hướng mới vô cùng có ý nghĩa trong điều trị ung thư tại Việt Nam. Đặc biệt, cơ chế hoạt động của vaccine này không phải để phòng ngừa nguy cơ mắc ung thư, mà để điều trị cho người bệnh ung thư, sẽ tác động trực tiếp vào tế bào ung thư nhằm mục tiêu thu nhỏ khối u và tiến tới tiêu diệt tế bào ác tính.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Bình - Phó Giám đốc Bệnh viện K cho biết: "Vaccine điều trị ung thư nghĩa là chúng ta đưa vào trong cơ thể một khuôn mẫu của tế bào ung thư giúp cơ thể nhận diện và tiết ra khởi động hệ thống miễn dịch, sinh ra miễn dịch để tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, chúng ta còn nhiều thách thức vì bản thân vaccine đó là kháng nguyên đưa vào, kháng nguyên trong tế bào ung thư biến động rất nhiều so với các tế bào lành tính, hay sự khác biệt về mặt gen. Để đạt được kết quả của vaccine trong điều trị ung thư, chúng ta cần nhiều thử nghiệm lâm sàng, đặc biệt là các hiểu biết về cơ chế miễn dịch khi chúng ta đưa các kháng nguyên vào để tạo miễn dịch".

Công nghệ mRNA trong sản xuất vaccine ung thư đã từng được ứng dụng thành công trong sản xuất vaccine Covid-19. Ưu điểm của công nghệ này là rút ngắn thời gian nghiên cứu vaccine và sản xuất được số lượng lớn.

"mRNA là một công nghệ mới trong sản xuất vaccine. Ưu điểm của công nghệ này là giúp nghiên cứu và phát triển nhanh một loại vaccine mới, cũng như quy mô sản xuất được nhiều liều hơn so với công nghệ truyền thống trước đây. Các vaccine truyền thống thường chứa tác nhân gây bệnh là một virus hoặc vi khuẩn đã được làm yếu, hoặc chứa các protein gây đáp ứng miễn dịch cơ thể. Nhưng công nghệ này chỉ chứa các thông tin di truyền và khi tiêm vào cơ thể, thông tin di truyền đó sẽ được giải mã ra và tổng hợp các protein; tức là các kháng nguyên để giúp cơ thể tạo ra kháng thể bảo vệ", Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng - Viện Pasteur TP.HCM cho hay.

Hiện vaccine ung thư vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu, chưa ai biết chắc bao giờ sẽ có mặt tại Việt Nam. Nhưng thông tin này cũng đã mang đến những tia hi vọng tích cực cho những người bệnh ung thư đang điều trị. Ông Nguyễn Ngọc Hạ (Thanh Xuân) nói: "Tôi rất mong muốn điều đó được thực hiện. Nếu mà có vaccine chữa được thì quá tuyệt vời".

Mỗi năm, Việt Nam có gần 200 nghìn ca ung thư mới

Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 182.000 ca mắc mới ung thư. Căn bệnh được ví như "án tử" ấy vẫn đang từng ngày được đẩy lùi nhờ nỗ lực không mệt mỏi của ngành y tế. Tại các bệnh viện ung bướu của Việt Nam, các thầy thuốc không ngừng nghiên cứu, học hỏi phương pháp chữa bệnh tối ưu nhất cho người bệnh ung thư. Hành trình chữa bệnh, giành lại sự sống cho người bệnh vẫn đang diễn ra từng ngày.

Một bệnh nhân phát hiện mắc ung thư vú ở cuối giai đoạn 2 và đầu giai đoạn 3 cho biết, ban đầu, đó chỉ là một cục nhỏ trên ngực. Do chủ quan, phải đến một năm sau, khi khối u to lên, bệnh nhân mới đi khám và phát hiện ung thư vú giai đoạn 2. Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ đã áp dụng điều trị đa mô thức cho bệnh nhân. Sau 6 tháng được điều trị hóa chất và thuốc đích, khối u đã nhỏ lại. Các bác sĩ đã phẫu thuật cắt bỏ khối u cho bệnh nhân.

Bác sĩ CK II Nguyễn Hoa Mai – Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai cho biết: "Chúng tôi đã cho bệnh nhân điều trị hóa chất, thuốc đích và quyết định phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau thời gian nữa bệnh nhân sẽ được tái khám, tiếp tục được đưa ra phác đồ điều trị như xạ trị, bệnh nhân vẫn phải sử dụng thuốc đích".

Có gần 200 nghìn ca ung thư mới tại Việt Nam mỗi năm và khoảng 120 nghìn người tử vong vì ung thư mỗi năm. Tại Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày ghi nhận khoảng 40 bệnh nhân ung thư nhập viện. Con số này gia tăng do người dân đã quan tâm hơn đến sức khỏe, đi khám sớm, phát hiện sớm, điều trị sớm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư.

Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu – Bệnh viện Bạch Mai, tại Trung tâm cách đây 10 năm, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn rất cao, hầu hết trên 90% bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn muộn. Tuy nhiên, ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học và công nghệ, người bệnh đã được tiếp cận với những chẩn đoán và điều trị sớm hơn, người dân nâng cao nhận thức và đã biết lắng nghe cơ thể, khám định kỳ, giúp phát hiện ung thư sớm hơn.

Từ chỗ chủ yếu dựa vào phẫu thuật và hóa trị truyền thống, công tác điều trị ung thư tại Việt Nam những năm gần đây đã có những bước tiến vượt bậc. Các bệnh viện chuyên khoa, đặc biệt như Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, đã triển khai điều trị đa mô thức, kết hợp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và điều trị đích theo hướng cá thể hóa cho từng bệnh nhân. Nhiều kỹ thuật tiên tiến như xạ trị gia tốc, PET/CT, phẫu thuật nội soi, miễn dịch trị liệu cũng đã được ứng dụng hiệu quả, góp phần nâng cao tỷ lệ sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Một số bước tiến về điều trị ung thư trên thế giới

Trước sự gia tăng của bệnh ung thư, nhiều quốc gia đã nỗ lực nghiên cứu và phát triển các loại vaccine mang tính đột phá nhằm điều trị và kiểm soát căn bệnh nguy hiểm này. Trong đó, Cuba được xem là quốc gia tiên phong với vaccine trị liệu dành cho bệnh nhân ung thư phổi, trong khi các nước như Anh, Đức và Mỹ cũng đang từng bước tiến gần hơn đến các liệu pháp vaccine mRNA điều trị ung thư đầy hứa hẹn.

Ông Arlhee Mikeli, kỹ sư dược phẩm của Trung tâm miễn dịch học phân tử Cuba cho biết: "Vaccine CimaVax ngăn chặn sự phát triển của bệnh và giúp bệnh nhân ở giai đoạn muộn có thể sống lâu hơn, có chất lượng cuộc sống tốt hơn. CimaVax không chỉ loại bỏ khối u mà còn giúp kiểm soát sự phát triển của chúng một cách hiệu quả".

Theo Trung tâm miễn dịch phân tử Cuba - đơn vị phát triển vaccine này, bệnh nhân sẽ được tiêm CimaVax sau khi hoàn thành các bước hóa trị và xạ trị. Vaccine hoạt động bằng cách tạo ra một loại protein tấn công hormone tăng trưởng biểu bì (EGF) kích thích sự phát triển của khối u.

Các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, thuốc không để lại tác dụng phụ như khó thở, biếng ăn, giảm cân đối với bệnh nhân, giúp họ bớt đau đớn và có thể kéo dài thời gian sống thêm trung bình hơn 11 tháng, thậm chí lâu hơn. Vaccine CimaVax cũng có tác dụng trong điều trị nhiều loại ung thư khác như ung thư não; vòm họng; dạ dày; ung thư vú và ung thư tử cung. Các nhà khoa học Cuba vẫn tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn về công dụng của biệt dược này trong điều trị ung thư.

Ngoài các loại vaccine của Nga và Cuba, trên thế giới hiện đã có ít nhất năm loại vaccine chống ung thư khác được công bố. Hồi tháng 6/2024, Anh thông báo khởi động thử nghiệm lâm sàng với vaccine chống ung thư mRNA do BioNTech của Đức phát triển. Công ty BioNTech cũng đã tiết lộ một loại vaccine mRNA được thiết kế để điều trị ung thư phổi mang tên BNT116. Bên cạnh đó, hãng dược Moderna mới đây thông báo đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn ba với một liệu pháp điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ kết hợp tiêm vaccine mRNA-4157 với thuốc trị ung thư Keytruda.

Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2022, ước tính có khoảng 20 triệu ca ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong tại 115 quốc gia. Ước tính số người còn sống trong vòng năm năm sau khi được chẩn đoán mắc ung thư là 53,5 triệu. Các loại ung thư cướp đi sinh mạng nhiều bệnh nhân nhất là ung thư phổi, ung thư vú và ung thư đại tràng.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/viet-nam-se-san-xuat-vaccine-dieu-tri-ung-thu-329610.htm