'Thảm họa' hàng không, hàng ngàn máy bay bất động, đổ tiền giải cứu khẩn cấp
Đại dịch Covid-19 đang làm hầu hết số máy bay thương mại trên thế giới phải dừng khai thác và chen chúc đỗ trên khắp các đường băng. Khoảng 60 hãng hàng không thế giới ngừng hoàn toàn.
Ở Việt Nam, từ hôm nay, mỗi ngày mỗi hãng chỉ được bay 1 chuyến chở khách đi/đến các điểm: Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM, Phú Quốc.
Trong bối cảnh đó, hành động hỗ trợ và giải cứu của các chính phủ trên thế giới đối với ngành hàng không diễn ra “nhộn nhịp” hơn.
Lệnh cấm đi lại và đóng cửa biên giới khắp toàn cầu đã khiến các hãng hàng không chọn cách cho máy bay dừng khai thác thay vì thực hiện các chuyến bay rỗng để giữ slot bay như những ngày trước. Trong số các hãng ngừng bay hoàn toàn có cả những ông lớn hàng không thế giới như Emirates, Etihad Airways ở Trung Đông, Ryanair ở châu Âu, các hãng hàng không quốc gia như Philippines Airlines, LOT Polish Airlines, Royal Air Maroc…
Công ty phân tích số liệu ngành du lịch Cirium cho biết, đến ngày 26/3 đã có khoảng 2.500 máy bay trên toàn thế giới phải ngừng khai thác vì đại dịch. Tình trạng này đã biến các đường lăn, khu nhà chứa máy bay và thậm chí cả đường băng của nhiều sân bay trên thế giới trở thành những bãi đỗ máy bay khổng lồ.
Đại dịch Covid-19 còn giáng một đòn mạnh lên các nhà sản xuất máy bay, trong đó Boeing cho biết sẽ tạm ngừng sản suất hầu hết các dòng máy bay thân rộng.
Hãng tư vấn Moody mới đây đã hạ mức đánh giá của ngành hàng không và công nghiệp quốc phòng thế giới xuống bi quan. Trong bối cảnh đó, hành động hỗ trợ và giải cứu của các chính phủ trên thế giới đối với ngành hàng không diễn ra “nhộn nhịp”, khẩn trương hơn.
Tuần qua Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký thông qua gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước này trị giá 2.200 tỷ USD để đối phó với đại dịch Covid-19 với trọng tâm là trợ cấp trực tiếp cho người dân. Trong số này, lĩnh vực hàng không được phân bổ vào phần 500 tỷ USD dành để hỗ trợ vay cho các tập đoàn lớn của Mỹ. Trong đó, trước mắt các hãng hàng không chở khách được nhận 25 tỷ USD, các hãng hàng không chở hàng được nhận 4 tỷ USD, các nhà thầu phục vụ ngành hàng không được nhận 3 tỷ USD. Số tiền này bao gồm tiền trợ cấp và vay ưu đãi có thời hạn không quá 5 năm.
Tại châu Âu, quốc hội Na Uy tuần trước đã thông qua gói cứu trợ cho các hãng hàng không nước này bằng khoản vay ưu đãi trị giá 550 triệu USD. Bộ trưởng Công nghiệp Na Uy Iselin Nybo cho biết: “Đây là khoảng thời gian khó khăn cho công nghiệp hàng không nhưng chúng tôi tin rằng một gói hỗ trợ sẽ giúp họ dễ dàng vượt qua hơn”. Riêng hãng Norwegian Air nhận được nhiều nhất gói hỗ trợ trên khi chiếm tới một nửa, tương đương 278 triệu USD. Và tuần qua họ đã nhận được khoản tiền hỗ trợ đầu tiên của chính phủ trị giá 26,6 triệu USD.
Tại châu Đại Dương, hãng hàng không Air New Zealand đã nhận được khoản vay ưu đãi trị giá 530 triệu USD trong hai năm từ chính phủ để khắc phục khó khăn do đại dịch Covid-19. Bộ trưởng Tài chính nước này Grant Robertson cho biết, nếu không có sự can thiệp khẩn cấp này thì đất nước New Zealand có nguy cơ không còn hãng hàng không quốc gia.
Còn tại nước láng giềng Australia, ngành hàng không xứ chuột túi sẽ nhận gói cứu trợ trị giá 715 triệu USD bên cạnh việc chính phủ miễn giảm một loạt các loại phí như phí xăng dầu, phí an ninh, phí dịch vụ nội địa… để hỗ trợ ngành vượt qua khó khăn do đại dịch.
Tại khu vực Nam Á, đất nước đang phong tỏa toàn quốc là Ấn Độ có kế hoạch triển khai gói cứu trợ ngành hàng không nước này trị giá lên tới 1,6 tỷ USD. Bộ Tài chính Ấn Độ đang cân nhắc các đề xuất bổ sung để giải cứu ngành hàng không trong nước như tạm hoãn thuế xăng dầu hàng không, giãn nợ cho đến khi hoạt động bay trở lại bình thường.
Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore vừa tung gói cứu trợ thứ hai trị giá 33 tỷ USD để giải cứu nền kinh tế, nâng tổng số tiền giải cứu lên hơn 37 tỷ USD, bằng 11% GDP nước này. Các hãng hành không, doanh nghiệp và người dân nước này được miễn thuế tài sản, hoãn thu phí, lệ phí trong 1 năm, hỗ trợ tiền lương cho doanh nghiệp…
Thái Lan sau khi giảm 96% thuế bảo vệ môi trường và áp dụng hàng loạt chính sách hỗ trợ khác cho các hãng hàng không, tuần qua, trong gói kích thích kinh tế 12,7 tỷ USD, các hãng hàng không tiếp tục nhận thêm chính sách hỗ trợ mới. Tương tự, trong gói giải cứu kinh tế, Malaysia đã hạ lãi suất xuống chỉ còn 2,5%.
Ở Việt Nam, đến nay, các hãng hàng không chưa nhận được gói hỗ trợ cụ thể nào của Chính phủ. Tất cả mới dừng ở nghiên cứu, đề xuất. Đối với dự thảo nghị định gia hạn nộp thuế GTGT, TNDN và thuê đất do Bộ Tài chính trình Chính phủ tuần qua, Thủ tướng cho rằng hỗ trợ như vậy là thấp, Chính phủ sẽ có gói hỗ trợ lớn và riêng 2 ngành hàng không, du lịch sẽ có biện pháp hỗ trợ phù hợp.