“ Thảm họa Thalidomide” là tên gọi của một sự cố y khoa đã khiến hàng vạn trẻ em bị dị tật vào thập niên 1960. Thảm họa này liên quan đến tác dụng phụ của thuốc Thalidomide.
Thalidomide được công ty dược Gruenenthal của Đức sản xuất và lưu hành từ cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960. Nó có tên thương mại là Thalomid (ở Mỹ), Contergan (ở châu Âu) hay Softnon ở Australia.
Thời gian đầu, thuốc Thalidomide đã chứng tỏ khả năng giảm đau, an thần vô cùng hiệu quả và đặc biệt nó rất có hiệu lực với chứng nôn vào buổi sáng ở phụ nữ có thai. Chỉ sau một thời gian ngắn được lưu hành, từ năm 1957 đến đầu năm 1962, đã có 46 quốc gia sử dụng Thalidomide.
Đầu những năm 1960, các bác sĩ bắt đầu lo ngại về tác dụng phụ của Thalidomide khi họ ghi nhận có những bệnh nhân bị tổn thương thần kinh chân tay sau khi sử dụng lâu dài loại thuốc này.
Trong thời gian này, tỷ lệ sinh non và trẻ em khuyết tật được sinh ra ở Đức và nhiều nơi khác tăng cao. Năm 1961, nhà khoa học Đức Widukind Lenz và nhà khoa học Australia William McBride đã công bố những nghiên cứu độc lập của mình về tác dụng phụ của Thalidomide.
Sau đó, Thalidomide đã bị cấm sử dụng nhưng đối với nhiều người thì mọi chuyện đã quá muộn. Trên toàn thế giới đã có khoảng từ 10.000 đến 20.000 trẻ em sơ sinh bị dị tật. Chịu hậu quả nặng nề nhất là tại Đức với ít nhất 3.000 ca, kế đến là Anh với ít nhất 2.000 ca.
Thảm họa Thalidomide đã gây chấn động giới y khoa thời bấy giờ. Nó đã đặt ra cho các nhà khoa học và các bác sĩ vấn đề rất lớn trong việc thử nghiệm thuốc trước khi đưa ra thị trường.
T.B (tổng hợp)