Thầm lặng làm đẹp cho người

Hàng chục năm qua, những góc phố nhỏ chuyên cung cấp dịch vụ làm đẹp như cắt tóc, sửa chữa quần áo, đồng hồ... ở TP Bắc Giang đã trở nên quen thuộc với người dân. Công việc mang lại thu nhập cho họ và góp phần làm đẹp cho xã hội.

Nghề lấy công làm lãi

Cửa hàng quần áo Kiên Nguyệt nằm trên đường Trần Nguyên Hãn, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) hoạt động từ năm 1997 đến nay trở thành địa chỉ quen thuộc với người dân TP Bắc Giang. Theo chị Tạ Thị Thanh Nguyệt, 45 tuổi, chủ cửa hàng, những năm trước chị chủ yếu nhận cắt may quần áo, có thời kỳ khách đông, phải thuê thêm 4-5 thợ phụ làm vẫn không hết việc. Vài năm gần đây, quần áo thời trang bán sẵn phổ biến, hàng may thu hẹp dần, khách đến với chị phần lớn là nhờ sửa chữa.

Ông Nguyễn Hữu Chiến có gần 30 năm làm nghề cắt tóc.

Ông Nguyễn Hữu Chiến có gần 30 năm làm nghề cắt tóc.

Những chiếc quần, áo đắt tiền khách mới mua nhưng mặc chật, rộng hoặc có bộ quần áo cũ bị sứt chỉ, mất cúc, rách gấu, hỏng khóa nếu bỏ đi rất lãng phí. Qua đôi tay khéo léo của mình, chị đã chỉnh sửa để sản phẩm trở nên phù hợp, vừa vặn với vóc dáng của khách.

Ngoài sửa quần áo vải, cửa hàng nhận sửa chữa quần áo chất liệu da, phao, dù; ba lô, túi xách… cho học sinh, sinh viên.Nhờ giữ chữ tín, từng đường kim mũi chỉ đẹp và chắc chắn nên cửa hàng của chị Nguyệt giữ chân được nhiều khách quen. Nghề này lấy công làm lãi bởi chi phí cắt sửa với mỗi sản phẩm chỉ từ 10-50 nghìn đồng. Để có thêm khách, tạo nguồn thu, gần đây cửa hàng nhận thêm dịch vụ giặt là, hấp quần áo.

Vào các buổi chiều hoặc ngày cuối tuần, các quán cắt tóc nam nằm ở đối diện Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghiệp, phường Trần Nguyên Hãn luôn đông khách. Mỗi quán chỉ rộng từ 10-20 m2, có mái che, bộ đồ nghề gồm hộp đựng dao, kéo, gương, lược, ghế cho khách là có thể hoạt động. Tuy vậy đây là nghề làm đẹp nên rất kén người.

Trước đây, phố cắt tóc này có 13 "tay kéo", nay chỉ còn 7 người trụ với nghề. Nhiều "tay kéo" ở đây chia sẻ thợ cắt không những phải khéo tay, tỉ mỉ, cẩn thận mà còn phải có cái nhìn nghệ thuật để chọn kiểu tóc phù hợp với tính chất công việc, vóc dáng và sở thích của khách.

Cùng đó, thường xuyên cập nhật với xu hướng thời trang thịnh hành để đáp ứng nhu cầu giới trẻ. Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Chiến, 53 tuổi, ở tổ dân phố Hà Vị 1, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang), người có gần 30 năm trong nghề cắt tóc được biết, sau khi xuất ngũ về địa phương, ông dành thời gian đi học và làm nghề cắt tóc.

Công việc mang lại thu nhập và cuộc sống cho cả gia đình, nhất là vợ chồng ông lo được cho hai cậu con trai học đại học. Trong đó con trai cả tốt nghiệp Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, hiện đã đi làm, cậu con trai thứ hai đang học năm cuối Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Vào các buổi chiều, quán cắt tóc của ông Chiến luôn đông khách, khách đến thường phải hẹn trước để tránh phải chờ đợi. Gắn bó với nghề lâu năm, đến nay ông có nhiều khách quen, trung bình mỗi ngày có từ 15-20 khách hàng đến cắt tóc, giá từ 30-50 nghìn đồng/lượt.

Xây dựng tuyến phố văn minh

Trò chuyện với nhiều chủ cửa hàng đều thấy ở họ có điểm chung là tỉ mỉ, khéo léo, tính cách điềm đạm, ứng xử văn minh, không bắt chẹt, chèo kéo khách. Hầu hết họ đều có thời gian gắn bó với nghề từ 10 - 30 năm. Anh Ngô Mạnh Hà, 47 tuổi, ở tổ dân phố Tân Mai, phường Đa Mai (TP Bắc Giang) có gần 30 năm làm nghề sửa, chữa đồng hồ, kính, cắt khóa tại khu vực chợ Thương là thế hệ thứ hai trong gia đình làm nghề, tiếp nối công việc của cha anh để lại.

Những nghề này tạo thu nhập ổn định, chính đáng cho hàng trăm lao động của TP, nhất là người ở tuổi trung niên. Vì vậy, Phòng tham mưu với TP xây dựng các tuyến phố chuyên doanh để các hộ sắp xếp hàng quán gọn gàng sạch sẽ, có mái che mưa nắng, bảo đảm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường”.

Bà Lê Thị Kiểm, Trưởng phòng Quản lý đô thị

Khách hàng có nhiều độ tuổi từ học sinh, cán bộ công chức, người già nên công sửa chữa khá “mềm”, chỉ vài chục nghìn đồng.

Thu nhập từ công việc này không cao (trung bình mỗi tháng từ 6 - 7 triệu đồng) nhưng ổn định, thợ chỉ phải ngồi một chỗ còn khách có nhu cầu đều tìm đến dãy phố này nên không phải vất vả rong ruổi nay đây mai đó.

Dãy phố sửa đồng hồ bắt đầu hoạt động từ 7 giờ sáng đến 18 giờ thì thu dọn. Do đặc thù công việc làm ở ngoài trời khiến những người thợ ở đây da xạm vì nắng, bụi bặm và suốt ngày nghe tiếng xe cộ ồn ào.

Dẫu trên các tuyến phố lớn ngày càng xuất hiện nhiều shop thời trang, salon làm tóc, showroom hiện đại song bởi tính thiết thực cũng như giá cả bình dân phù hợp với túi tiền của phần đông người dân lao động nên những góc phố cắt tóc, sữa quần áo, thay khóa, đồng hồ, dán xe máy, ô tô trên địa bàn các phường Trần Phú, Trần Nguyên Hãn, Lê Lợi… vẫn có lượng khách ổn định.

Bà Lê Thị Kiểm, Trưởng phòng Quản lý đô thị (UBND TP Bắc Giang) cho biết, những nghề này tạo thu nhập ổn định, chính đáng cho hàng trăm lao động của TP, nhất là người ở tuổi trung niên. Vì vậy, Phòng Quản lý đô thị tham mưu với TP xây dựng các tuyến phố chuyên doanh để các hộ sắp xếp hàng quán gọn gàng sạch sẽ, có mái che mưa nắng, bảo đảm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường.

Giữa phố phường tấp nập, sự tồn tại của các cửa hàng sửa chữa, cắt tóc còn góp phần làm cho nhịp sống đô thị thêm sinh động, thiết thực phục vụ đời sống. Các hộ cam kết thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng nét đẹp người TP Bắc Giang văn minh, lịch sự.

Bài, ảnh: Hải Vân

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/doi-song/379929/tham-lang-lam-dep-cho-nguoi.html