Thăm làng nghề sơn mài hơn 100 năm ở Bình Dương

A.I

(SGTT) – Với lịch sử phát triển hơn một thế kỷ, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là một trong những làng nghề thủ công truyền thống ở Bình Dương, được kế thừa và lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp tọa lạc tại phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Làng nghề có tuổi đời hơn 100 năm và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016.

Làng nghề truyền thống sơn mài Tương Bình Hiệp được giữ gìn, lưu truyền qua nhiều thế hệ với lịch sử gần 100 năm hình thành và phát triển. Ảnh: Gia Nghi

Làng nghề truyền thống sơn mài Tương Bình Hiệp được giữ gìn, lưu truyền qua nhiều thế hệ với lịch sử gần 100 năm hình thành và phát triển. Ảnh: Gia Nghi

Để tạo nên một tác phẩm sơn mài truyền thống, thường phải trải qua 25 công đoạn khắt khe, đòi hỏi mất nhiều công sức và thời gian. Có công đoạn phải làm đi làm lại tới 6 lần mới đạt yêu cầu như công đoạn hom, sơn lót. Riêng công đoạn sơn mỗi sản phẩm phải mất từ 3 – 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng.

Để tạo nên một tác phẩm sơn mài truyền thống, phải trải qua nhiều công đoạn khắt khe. Ảnh: Gia Nghi

Để tạo nên một tác phẩm sơn mài truyền thống, phải trải qua nhiều công đoạn khắt khe. Ảnh: Gia Nghi

Chia sẻ với Sài Gòn Tiếp Thị, ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc Bình Dương, cho biết hiện tại làng Tương Bình Hiệp và các vùng lân cận có khoảng 20 cơ sở sản xuất và doanh nghiệp sơn mài. Lực lượng lao động khoảng 1.000 người. Thu nhập bình quân một năm của các doanh nghiệp khoảng 150 tỉ đồng.

Các tác phẩm sơn mài thường mất từ 3-6 tháng để hoàn thành và đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Ảnh: Gia Nghi

Các tác phẩm sơn mài thường mất từ 3-6 tháng để hoàn thành và đảm bảo yêu cầu về chất lượng. Ảnh: Gia Nghi

Ông Linh cũng cho biết các sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp sẽ phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. Đối với thị trường nội địa, các cơ sở sản xuất làm theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, một số khác sản xuất cho các điểm du lịch, bán cho du khách.

Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc Bình Dương. Ảnh: Gia Nghi

Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc Bình Dương. Ảnh: Gia Nghi

“Hiện nay, nhu cầu về tranh sơn mài giảm. Tuy nhiên, các sản phẩm nhỏ như hộp đựng, dùng buôn bán tại các địa điểm du lịch lại tăng. Những đơn đặt hàng từ nước ngoài cũng gặp khó khăn do tình hình kinh tế suy giảm, chiến tranh…”, ông Bá Linh chia sẻ.

Sự tỉ mỉ, tâm huyết của các nghệ nhân tạo nên giá trị của các sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp. Ảnh: Gia Nghi

Sự tỉ mỉ, tâm huyết của các nghệ nhân tạo nên giá trị của các sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp. Ảnh: Gia Nghi

Bà Lê Mộng Thắm, chủ cơ sở sản xuất sơn mài Thanh Bình Lê, cho biết cơ sở sản xuất sơn mài này được bà nối nghiệp của gia đình. “Từ nhỏ cô đã được nhìn, được học từ ba nên đã có niềm yêu thích với sơn mài từ bé. Các con cô cũng vậy, đứa lớn phụ việc trong xưởng còn đứa nhỏ thì phụ trách buôn bán ở cửa hàng. Cả nhà không ai làm gì khác ngoài sơn mài”, bà Thắm nói.

Quá trình tạo nên một tác phẩm sơn mài truyền thống phải trải qua 25 công đoạn. Ảnh: Gia Nghi

Quá trình tạo nên một tác phẩm sơn mài truyền thống phải trải qua 25 công đoạn. Ảnh: Gia Nghi

Các mặt hàng tại cơ sở của bà Thắm thường được xuất khẩu đến Mỹ hoặc Hàn Quốc. Tuy nhiên, theo bà Thắm, sau đại dịch, lượng đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do hàng tồn còn nhiều. Trong khi đó, thị trường trong nước lại “bấp bênh”, chủ yếu phục vụ cho khách du lịch nên đơn hàng “không đều”.

Bà Mộng Thắm cũng cho hay giá nguyên liệu không thiếu hụt nhưng giá lại tăng. Bà cũng chủ động điều tiết, giảm nhân công để cân bằng giá “đầu vào, đầu ra” của sản phẩm.

Sản phẩm sơn mài tại làng Tương Bình Hiệp. Ảnh: Gia Nghi

Sản phẩm sơn mài tại làng Tương Bình Hiệp. Ảnh: Gia Nghi

Hiện, UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch”. Theo đó, khu làng nghề sơn mài tập trung sẽ có cổng chào, nơi trưng bày sản phẩm, nơi trình diễn kỹ thuật làm nghề, nhà thờ Tổ.

Song song, các đơn vị sẽ kết hợp xây dựng các tour du lịch tham quan, giới thiệu sản phẩm của làng nghề đến du khách trong và ngoài nước.

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/tham-lang-nghe-son-mai-hon-100-nam-o-binh-duong/