Thầm lặng y tế thôn

Lực lượng nhân viên y tế thôn, khu dân cư có vai trò quan trọng trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nhân dân, song chế độ cho họ vẫn còn nhiều bất cập.

Chị Vũ Thị Duyên (bên trái), nhân viên y tế thôn Phạm Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) bận bịu với công việc nhưng phụ cấp nhận được lại chưa tương xứng

Chị Vũ Thị Duyên (bên trái), nhân viên y tế thôn Phạm Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) bận bịu với công việc nhưng phụ cấp nhận được lại chưa tương xứng

Nhân viên y tế thôn hưởng phụ cấp 447.000 đồng/tháng

Một ngày trung tuần tháng 2, theo chân chị Vũ Thị Duyên, nhân viên y tế thôn Phạm Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) đi phát phiếu mời tiêm chủng vaccine cho các gia đình có trẻ nhỏ mới thấy công việc của chị không hề nhàn rỗi như nhiều người nghĩ. Chị Duyên cho biết ngoài phát phiếu tiêm chủng, nhiều khi chị phải dành 1 tuần ròng rã đi cân, đo chiều cao cho tất cả trẻ dưới 5 tuổi trong thôn. Chị còn làm nhiều việc khác như quản lý, theo dõi bệnh nhân mắc bệnh nền, tâm thần kinh, thường xuyên điều tra, cập nhật công trình vệ sinh, hỗ trợ trạm y tế tiêm phòng, phối hợp tư vấn chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi...

3 năm vừa qua, dịch Covid-19 bùng phát và lây lan, chị Duyên ngày đêm sát cánh cùng y tế địa phương tham gia phòng chống dịch. “Bây giờ dịch được kiểm soát nhưng công việc thì vẫn nhiều. Có điều phụ cấp bèo bọt quá, mỗi tháng chỉ được hơn 400.000 đồng. Chồng tôi nhiều lần bảo xin nghỉ để đi phụ giao hàng ngoài chợ cũng có thu nhập cao hơn. Nhưng thấy các cô, các chị nhân viên trạm y tế xã bận quá nên tôi vẫn cố làm để hỗ trợ mọi người”, chị Duyên bộc bạch.

Theo Thông tư số 39/2010/TT-BYT ngày 10.9.2010 của Bộ Y tế, nhân viên y tế thôn có 9 nhiệm vụ tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại địa phương. Tuy nhiên, trên thực tế nhiệm vụ của họ còn nhiều hơn, nhất là vào những đợt triển khai công tác phòng chống dịch bệnh như đợt dịch Covid-19 mấy năm trước. Tại xã Bắc An (Chí Linh), nhiều gia đình làm kinh tế rừng nên ở lại luôn trên núi. Ở xa trung tâm không có loa truyền thanh, sóng điện thoại chập chờn nên nhiều khi người dân không nắm được các thông tin liên quan đến y tế. Nhân viên y tế thôn ở đây nhiều khi phải đi bộ vào trong rừng để điều tra dân số, phát phiếu mời tiêm vaccine phòng Covid-19, tuyên truyền về môi trường, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các bà mẹ, trẻ em... Những ngày trời khô ráo còn đỡ, nếu trời mưa đi lại rất vất vả.

Công việc của nhân viên y tế thôn nhiều nhưng phụ cấp lại chẳng được là bao. Theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11.5.2009 của Thủ tướng Chính phủ, mức phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản hằng tháng bằng 0,5 và 0,3 so với mức lương tối thiểu chung. Mức 0,5 áp dụng đối với nhân viên y tế thôn, bản tại các xã vùng khó khăn. Đa số nhân viên y tế thôn ở Hải Dương được hưởng phụ cấp 0,3 (447.000 đồng). Phụ cấp thấp nên họ phải làm thêm các công việc khác để có thu nhập trang trải cuộc sống.

Theo lãnh đạo nhiều trạm y tế xã trong tỉnh, phụ cấp thấp khiến việc tìm lớp nhân viên y tế thôn kế cận là việc không thể. Đa số nhân viên y tế thôn còn đang làm việc đều đã luống tuổi. Nhiều người đã xin nghỉ nhưng do địa phương chưa tìm được người thay nên cố trụ lại. Ông Nguyễn Xuân Quý ở thôn Cao Đôi, xã Hợp Tiến (Nam Sách) năm nay 63 tuổi nhưng vẫn đang làm nhân viên y tế thôn cho biết: “Tôi đã làm y tế thôn 28 năm, nhiều lần xin nghỉ mà cuối cùng vẫn phải cố gắng giúp xã vì giờ không tìm được người thay thế. Mức phụ cấp còn bèo bọt như hiện nay thì e sẽ chẳng tìm được người kế cận”.

Nhân viên y tế khu dân cư không có phụ cấp

Công việc bình thường đã nhiều nhưng từ tháng 7.2022 đến nay, cán bộ, nhân viên Trạm Y tế thị trấn Ninh Giang còn phải kiêm thêm nhiệm vụ của nhân viên y tế khu dân cư. Nguyên nhân do từ đầu năm 2021, chế độ phụ cấp của nhân viên y tế khu dân cư đã bị cắt nên các nhân viên y tế đồng loạt nghỉ việc. Để giải quyết khó khăn, 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm Y tế huyện Ninh Giang đã hỗ trợ tiền phụ cấp cho nhân viên y tế các khu dân cư của thị trấn. Tuy nhiên, sau đó trung tâm cũng không đủ điều kiện để hỗ trợ, trạm cũng không có kinh phí chi trả. “Thị trấn có 4 khu dân cư, gần 6.500 nhân khẩu. Không có nhân viên y tế khu dân cư, chúng tôi vất vả rất nhiều vì trạm y tế chỉ có vài người. Rất mong các cấp quan tâm tháo gỡ khó khăn này”, ông Đặng Văn Phúc, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn Ninh Giang nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2011-2020, Sở Y tế đã chi trả phụ cấp hằng tháng cho nhân viên y tế thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh với mức 0,3 mức lương cơ sở. Tuy nhiên, từ tháng 1.2021 đến nay, Kho bạc Nhà nước tỉnh tạm dừng việc thanh toán chế độ phụ cấp hằng tháng đối với nhân viên y tế khu dân cư. Nguyên nhân do tại Nghị quyết số 05/2020/NQ-HĐND ngày 25.7.2020 của HĐND tỉnh không quy định đối tượng và mức phụ cấp được hưởng đối với nhân viên y tế thôn, khu dân cư. Ngày 8.12.2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3647/QĐ-UBND quy định số lượng và mức phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn tại các xã trong tỉnh. Như vậy, chỉ nhân viên y tế thôn được chi chế độ phụ cấp còn nhân viên y tế khu dân cư chưa có cơ sở để chi chế độ phụ cấp hằng tháng.

Đại diện lãnh đạo Sở Y tế cho biết việc nhân viên y tế khu dân cư không còn được hưởng phụ cấp hằng tháng khiến cho hoạt động chuyên môn của trạm y tế các phường, thị trấn khó khăn hơn. Phương án huy động xã hội hóa để duy trì hoạt động của đội ngũ nhân viên y tế khu dân cư là một bài toán rất khó giải.

BÌNH MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/y-te---suc-khoe/tham-lang-y-te-thon-228096