Thăm Trà Leng: Sức sống mới sau 4 năm thảm kịch sạt lở đất
4 năm sau thảm kịch sạt lở đất, xã Trà Leng đã thay da đổi thịt, xây dựng phát triển.
Bỏ lại quá khứ
Từ thủ phủ Tam Kỳ, chúng tôi vượt gần 100km, băng qua núi rừng trùng điệp về với xã Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Trà Leng là xã có diện tích tự nhiên lớn nhất huyện với 11.653ha, xã có 649 hộ, 2.694 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc MơNông chiếm tỷ lệ 98%.
Toàn xã có 3 thôn với 13 Khu dân cư. Nhân dân chủ yếu làm nương rẫy, làm ruộng, trồng quế và chăn nuôi. Các tuyến đường đến thôn, nóc còn gặp nhiều trở ngại, nhất là mùa mưa.
Nhắc đến Trà Leng còn là cái tên mà cả triệu người Việt đau nhói, xót xa, bởi thảm cảnh sạt lở đất năm 2020.
Thời điểm đó, vụ sạt lở đất núi ở Trà Leng đã chôn vùi hàng chục ngôi nhà nơi sinh sống của hàng chục nhân khẩu địa phương. Hàng chục sinh mệnh người cũng rời bỏ gia đình về với núi rừng vô tận.
Mất nhà, mất tài sản, mất cha mẹ, anh em, người thân, nỗi đau này quá lớn chẳng biết đến khi nào người dân nơi đây mới vượt qua được. Đó là những gì chúng tôi đau đáu suy nghĩ trên suốt chuyến xe hành trình về với Trà Leng sau 4 năm kể từ ngày xảy ra thảm kịch thiên tai.
"Thời gian, sự chung tay của chính quyền và nhân dân, rồi cả những mạnh thường quân đã giúp người Trà Leng đứng dậy, đổi thay", một người dân mở đầu câu chuyện khi thấy chúng tôi ngơ ngác trước vẻ đẹp nơi miền sơn cước này.
Đúng như họ nói! Chuyện cũ đã qua. Ngay khu dân cư Bằng La, những ngôi nhà xây tô kiên cố, những ngôi nhà mái tôn đỏ rợp sắc trời. San sát những ngôi nhà dân là nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, đường bê tông.
Thay da, đổi thịt
Gắn bó với Trà Leng cả chục năm nay cho đến khi chuyển đi nắm cương vị mới vào tháng 3/2024, ông Phan Quốc Cường, nguyên Chủ tịch UBND xã Trà Leng (nay là Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Trà My) bồi hồi kể cho chúng tôi công cuộc thay da, đổi thịt, xây dựng phát triển nông thôn mới của chính quyền và nhân dân nơi này.
Sau vụ sạt lở đất năm 2020, một khu tái định cư mới Bằng La nhanh chóng được xây dựng cho các hộ dân mất nhà được hình thành.
Đây là dự án thể hiện rõ quyết tâm sự đồng lòng chung sức từ Trung ương đến tỉnh, huyện và cấp xã lẫn nhân dân địa phương cũng như các mạnh thường quân. Có nhà, người dân an tâm, thêm phần động lực xây dựng lại cuộc sống.
Theo số liệu từ UBND xã Trà Leng, năm 2023, nhân dân toàn xã tiếp tục đổi mới sản xuất, tổng sản lượng cây có hạt đạt khoảng 490 tấn, tổng đàn gia súc,gia cầm trên địa bàn xã là 2.815 con.
Trà Leng hoàn thành thi công xây dựng 3 công trình vốn đầu tư phát triển thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022, phối hợp triển khai thi công các tuyến đường DH01, đường vào khu định canh định cư thôn 3 giai đoạn 2, cầu qua sông Nước Vít, bờ kè trung tâm xã và khu dân cư Bằng La ...
Ở các mặt khác như công tác giáo dục, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng lên. Năm học 2023 – 2024 tổng số lớp được mở trên địa bàn xã là 31 lớp/ 841 học của 3 bậc học. Vui mừng hơn nữa đến nay Trường mẫu giáo Trà Leng đã được công nhận Trường đạt chuẩn quốc gia.
Từ một xã miền núi với bao khó khăn, Trà Leng đã có những bước phát triển kinh tế - xã hội ổn định.
Các lĩnh vực văn hóa – xã hội được quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng lên rõ rệt; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố và giữ vững tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc đổi mới và phát triển của xã; đạt được các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới, sắp xếp khu dân cư tại các thôn dần ổn định.
Dẫu rằng vẫn còn đó nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn nơi miền núi xa xôi này. Nhưng những đổi thay ấy là không thể phủ nhận, không thể không vui mừng.
Rời sơn cước, chúng tôi ngược nắng, ngược núi, ngược rừng về lại với phố xá mà lòng bao lưu luyến. Năm sau, năm sau nữa, một lần ghé lại Trà Leng người ta sẽ quên đi chuyện sạt lở năm nào. Thay vào đó, họ sẽ cho nhau nghe về những đổi thay nơi này.