THẨM TRA SƠ BỘ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TIÊU CHUẨN VÀ QUY CHUẨN KỸ THUẬT
Sáng ngày 9/8, tại Trụ sở Các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã tổ chức Phiên họp thẩm tra sơ bộ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy chủ trì phiên họp.
Tham dự Phiên họp còn có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường: Nguyễn Thị Lệ Thủy, Tạ Đình Thi, Nguyễn Phương Tuấn, Nguyễn Tuấn Anh; Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ Lê Xuân Định; các Ủy viên Thường trực cùng đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, một số Ủy ban của Quốc hội và đại diện các bộ, ngành liên quan.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, qua thực tiễn hơn 17 năm thi hành, Luật "Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật" đã đưa hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được nâng cao, phù hợp với quy định của WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, Luật hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế trong thực tiễn thi hành như chưa có các quy định nghĩa vụ minh bạch hóa liên quan đến xây dựng, công bố, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chưa phát huy tính chủ động, tích cực của Việt Nam tham giao vào hoạt động tiêu chuẩn quốc tế...
Chính vì vậy, Chủ nhiệm Lê Quang Huy nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; nâng cao tính khả thi của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; minh bạch, tăng cường vai trò của các tổ chức đánh giá sự phù hợp và hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực. Cùng với đó, tiếp thu, nội luật hóa các cam kết quốc tế, bảo đảm sự tương thích giữa quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết, đặc biệt là các quy định liên quan đến minh bạch hóa, giảm thiểu các rào cản kỹ thuật trong thương mại, thuận lợi hóa thương mại.
Theo Tờ trình của Chính phủ, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Trước yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, nghị quyết chỉ đạo thể chế hóa chủ trương đổi mới đối với lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; đồng thời, thực tiễn thi hành thời gian qua cho thấy Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã phát sinh một số hạn chế, bất cập, đòi hỏi phải sửa đổi để phù hợp với các cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của thực tiễn sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật vẫn giữ nguyên quy định tại Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật năm 2006. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật gồm có 04 điều. Sau khi sửa đổi, bổ sung, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật có 06 chương và 66 điều (giảm 01 chương và giảm 05 điều so với Luật hiện hành).
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật như Tờ trình của Chính phủ.
Các đại biểu nhận thấy, các quy định của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật hiện hành và tương thích với pháp luật và các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nội dung dự thảo Luật vẫn còn một số quy định còn chưa thực sự phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Đầu tư, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Cạnh tranh,... nên cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, cần nghiên cứu để chuẩn hóa một số khái niệm trong Hiệp định CTTTP trong dự thảo Luật; bổ sung các quy định đầy đủ hơn về nghĩa vụ minh bạch hóa trong các hiệp định theo hướng mở hơn, cho phép các tổ chức, cá nhân nước ngoài tham gia sâu vào hoạt động xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến về phạm vi sửa đổi và tên gọi của dự thảo Luật; chính sách của nhà nước về phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn; chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia; minh bạch hóa và hoạt động thông báo, hỏi đáp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp; xây dựng, công bố và áp dụng tiêu chuẩn; xây dựng, thẩm định và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương;...
Kết luận phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, các ý kiến của Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đại diện một số Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ngành nhất trí cho rằng dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới; hồ sơ dự án Luật tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo hướng bổ sung báo cáo kết quả rà soát việc cập nhật quy định tại các hiệp định quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các luật mới được Quốc hội ban hành; cân nhắc kỹ lưỡng việc luật hóa những nội dung chưa thực hiện ổn định, có khả năng dễ thay đổi trong thời gian tới. Đồng thời, chú ý phối hợp với các bộ, ngành liên quan để phân định việc thể chế hóa Chỉ thị số 38-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (TC-ĐL-CL) quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo tại dự án Luật này và các Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Đo lường, Luật Khoa học và Công nghệ…/.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88492