Tham vấn chuyên gia về chuẩn chức danh nhà giáo, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo
Sáng ngày 20/8, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức Tọa đàm tham vấn chuyên gia về chuẩn chức danh nhà giáo, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì Tọa đàm.
Nhà giáo là nhân tố quyết định sự thành bại trong sự nghiệp giáo dục
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ, hiện tại dự thảo Luật Nhà giáo đang được lấy ý kiến rộng rãi trong cả nước. Cơ quan soạn thảo và Cơ quan thẩm tra đang phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị hồ sơ dự thảo Luật để chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, theo Chương trình hoạt động của Ủy ban, dự kiến Ủy ban sẽ tổ chức 4 Tọa đàm về dự thảo Luật này. Trong khuôn khổ làm việc buổi sáng hôm nay, Tọa đàm sẽ tập trung vào nội dung liên quan đến chuẩn chức danh nhà giáo, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo. Buổi chiều, Tọa đàm của Ủy ban sẽ tiếp tục với các quy định liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng và chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo. Trong ngày 23/8 tới, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, Ủy ban dự kiến tiếp tục tổ chức Tọa đàm lấy ý kiến chuyên gia về 02 nội dung về: Quản lý, tuyển dụng, sử dụng, đánh giá nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo; và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Qua thảo luận tại Tọa đàm, các chuyên gia bày tỏ hoàn toàn ủng hộ việc xây dựng Luật Nhà giáo để định vị vị trí pháp lý và các điều kiện đảm bảo cho sự phát triển nhà giáo, bởi nhà giáo là nhân tố quyết định sự thành bại trong sự nghiệp giáo dục.
Theo các đại biểu, nhà giáo giữ một vai trò quan trọng và vị trí cao trong xã hội, bởi nhà giáo không chỉ là những người truyền đạt kiến thức mà còn là người hướng dẫn, hỗ trợ và phát triển tiềm năng của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, nhà giáo đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội thông qua việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và nâng cao trình độ văn hóa, tri thức của cộng đồng, góp phần hình thành những công dân có trách nhiệm và đạo đức trong tương lai cho xã hội. Do đó, Nhà giáo phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe về bằng cấp và chuẩn mực chuyên môn. Luật Nhà giáo cần thể chế hóa các quan điểm này một cách cụ thể và khả thi.
Các đại biểu cho rằng, khái niệm nhà giáo trong dự thảo Luật cần được hiểu là người có sứ mệnh thực hiện có tính chất chủ đạo đến chất lượng hoạt động giáo dục con người. Lý luận khoa học cũng xác nhận giáo dục là chủ đạo trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách con người cùng với yếu tố di truyền - nền tảng; môi trường - quyết định; hoạt động cá nhân - quyết định trực tiếp. Do vậy, vai trò hướng dẫn của nhà giáo với thế hệ trẻ trong môi trường giáo dục là điểm nhấn của thiết chế luật lần này sẽ rất khác với giai đoạn trước, khi nhà giáo có nhiệm vụ chính là truyền đạt.
Các chuyên gia đánh giá, dự thảo Luật Nhà giáo đến thời điểm hiện tại nhìn chung được chuẩn bị công phu, điều chỉnh khá đầy đủ các nội dung liên quan đến nghề giáo. Nhiều điều khoản phù hợp với thông lệ quốc tế quy định tiêu chuẩn về trình độ và hành vi của giáo viên.
Cần định nghĩa rõ hơn về nhà giáo
Về chuẩn chức danh nhà giáo, các chuyên gia cho rằng, việc thực hiện quy định chức danh, chuẩn nhà giáo sẽ giúp thống nhất quản lý đối với tất cả nhà giáo, đảm bảo chất lượng nhà giáo nói chung và tạo cơ hội học tập bình đẳng của người học ở tất cả vùng miền, loại hình cơ sở giáo dục.
Các đại biểu nêu rõ, trong dự thảo Luật, định nghĩa về Nhà giáo khá cụ thể và chặt chẽ. Quy định Nhà giáo là người: “Có giấy phép hành nghề và làm nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy”. Điều này có vô tình áp đặt ngay một quy định hành chính (phải có giấy phép hành nghề) lên khái niệm nghề giáo, vốn được hiểu khá chung là người tham gia giảng dạy, giáo dục và đào tạo, trong khi, giấy phép hành nghề chỉ là yêu cầu “đủ” đề hành nghề nhà giáo?
Bên cạnh đó, với định nghĩa như dự thảo Luật Nhà giáo hiện nay, có ý kiến tỏ ra băn khoăn, để là nhà giáo cần cả 2 thành tố: Có giấy phép hành nghề và giảng dạy trực tiếp, hay chỉ cần 1 trong 2 thành tố trên? Đối với người làm công tác quản lý giáo dục? Không còn trực tiếp giảng dạy hoặc do phân công của tổ chức chưa có giấy phép hành nghề thì định nghĩa như thế nào? Nhiều ý kiến cho rằng, định nghĩa về nhà giáo trong dự thảo Luật cần phải được quy định rõ ràng, khúc triết hơn. Việc đưa nội dung về “giấy phép hành nghề” vào quy định khái niệm cho nhà giáo, trong khi khái niệm về “giấy phép hành nghề” là như thế nào cũng chưa được quy định cụ thể là chưa hợp lý.
Các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo cần phải định nghĩa rõ hơn về nhà giáo. Có thể theo hướng: Nhà giáo là những người làm công tác giáo dục và đào tạo tại các cơ sở giáo dục như trường học, hệ thống giáo dục từ mầm non đến đại học, các trung tâm giáo dục cộng đồng và các tổ chức giáo dục khác. Nhà giáo bao gồm các giáo viên, giảng viên, cố vấn học tập, trưởng khoa và cả những người quản lý giáo dục có liên quan trực tiếp đến công tác giảng dạy và tổ chức giảng dạy...
Bên cạnh đó, các ý kiến tại Tọa đàm cũng cho rằng, một số chi tiết, xoay quanh định nghĩa này cũng cần làm rõ thêm như: “Người hành nghề dạy học tự do” (khoản 10, Điều 5), những người tự nguyện làm công tác giảng dạy tại các cơ sở từ thiện, cho các trẻ em yếu thế, khó khăn, vùng sâu vùng xa... không có giấy phép hành nghề, có được gọi là nhà giáo?
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý về việc phân hạng chức danh nhà giáo; đồng thời đề nghị rà soát sự phù hợp của các chức danh giáo viên hiện hành là giáo viên hạng 1, hạng 2, hạng 3 với các ngạch viên, chính, cao cấp…
Hoàn thiện quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà giáo
Về nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhà giáo, các đại biểu cho rằng, dù dự thảo Luật đã quy định giáo viên, giảng viên các cơ sở công lập là viên chức và có hợp dài hạn, giáo viên tư thục cũng có quy định hợp đồng dài hạn, tuy nhiên để đảm bảo tâm lý ổn định, sự tôn trọng nghề giáo, các chuyên gia đề nghị cần có nghiên cứu quy định cụ thể hơn về quyền liệc làm ổn định và được tổ chức tôn trọng, bảo vệ (trừ khi bị vi phạm theo quy định) đối với nhà giáo. Đồng thời nghiên cứu bổ sung quy định đối với giảng viên đại học có quyền tự do, tự chủ trong chuyên môn, học thuật.
Qua nghiên cứu, các đại biểu cho rằng, dự thảo Luật Nhà giáo cũng đã đề cập một cách tổng quát các nghĩa vụ của nhà giáo, tuy nhiên cần bổ sung một số nghĩa vụ: Quản lý học sinh và lớp học, đánh giá học sinh và báo cáo trung thực các hiện tượng sai trái khi phát hiện, bảo vệ thông tin của học sinh, không tham gia các hoạt động có xung đột lợi ích… để đảm bảo đầy đủ, toàn diện.
Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, cơ chế đảm bảo thực thi các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo cũng cần phải được nghiên cứu, quy định rõ ràng, cụ thể ngay trong dự thảo Luật.
Phát biểu kết thúc nội dung Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cảm ơn và ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo tại Tọa đàm; đồng thời cho biết Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ lĩnh hội, tiếp thu các góp ý phù hợp, để hoàn thiện nội dung này trong Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật Nhà giáo trong thời gian tới. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, buổi chiều, Tọa đàm sẽ tiếp tục tham vấn ý kiến chuyên gia về các quy định liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng và chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo.
Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=88696