Tham vấn chuyên gia về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo
Chiều 12.1, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển giáo dục và đào tạo qua 40 năm đổi mới. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì tọa đàm.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo trong gần 40 năm qua đã có nhiều đổi mới. Từ vị trí chỉ là một trong những vấn đề ưu tiên trong chính sách về phúc lợi xã hội, giáo dục trở thành “quốc sách hàng đầu”, “đầu tư cho giáo dục được coi là đầu tư cho phát triển”. Mục tiêu, sứ mệnh của giáo dục đã phát triển, mở rộng từ “hình thành nhân cách xã hội chủ nghĩa cho thế hệ trẻ” đến “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài” gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Quốc hội đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển giáo dục và đào tạo thành quy định, chính sách pháp luật cụ thể thông qua hoạt động lập hiến, lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động giám sát nhằm đánh giá hiệu quả thực thi chính sách, đồng thời nghiên cứu những vướng mắc từ thực tiễn để kịp thời sửa đổi chính sách; phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo; góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Các chuyên gia đánh giá, dự thảo báo cáo chuyên đề của Thường trực Ủy ban được chuẩn bị công phu, đầy đủ, đặc biệt là phần tổng kết các Nghị quyết của Đảng cho thấy quan điểm của Đảng về giáo dục và đào tạo là rõ ràng, thống nhất, xuyên suốt, mạnh mẽ trong 40 năm qua.
Đánh giá chung về kết quả đạt được của giáo dục và đào tạo, các chuyên gia cho rằng, gần 40 năm qua, giáo dục và đào tạo đã có bước tiến dài trên nhiều mặt, từ quan điểm, thế chế, quy mô, chất lượng… Tuy nhiên, so với yêu cầu ngày càng cao trong quá trình phát triển đất nước và hội nhập quốc tế thì còn nhiều thách thức.
Một số ý kiến nhận định, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo chưa đạt được những kết quả mang tính đột phá, đặc biệt là trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo còn chậm. Một số nhiệm vụ, giải pháp đổi mới chưa căn cơ, chưa ổn định, thiếu tính hệ thống và chiến lược lâu dài.
Bên cạnh đó, tư duy phối hợp hiệu quả giữa giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường còn lúng túng. Hệ thống giáo dục chưa thực sự liên thông giữa các trình độ và phương thức giáo dục, đào tạo; cơ cấu đào tạo chưa thực sự gắn với nhu cầu của thị trường…
Trong quá trình thực hiện các chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển giáo dục và đào tạo, nhận thức trong toàn bộ hệ thống chính trị về quan điểm giáo dục là "quốc sách hàng đầu", "đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển" còn hạn chế, từ chính sách đến thực tế còn có khoảng cách; hệ thống pháp luật khá đầy đủ, nhưng một số vấn đề còn bỏ trống, trong đó có giáo dục mầm non; giáo dục phổ thông còn có những vấn đề về đội ngũ, nguồn lực đầu tư, xã hội hóa và phổ cập giáo dục; vấn đề tự chủ với giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp; đầu tư cho giáo dục nói chung…
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cảm ơn ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, cho biết Thường trực Ủy ban sẽ tổng hợp, nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đề xuất, thể hiện đầy đủ và rõ ràng trong báo cáo sắp tới. Đặc biệt là tập trung làm rõ quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để cụ thể hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển giáo dục và đào tạo; đánh giá thành tựu, kết quả, cũng như khó khăn, thách thức trong thực hiện chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo...