Tham vọng cải cách thị trường carbon, 'đòn mới' của EU có thể khiến Trung Quốc nao núng?

Một quan chức Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mới đây đã lên tiếng chỉ trích những 'kiến trúc sư' đứng đằng sau chính sách khí hậu mới của Liên minh châu Âu (EU) - Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Ông này cho rằng, CBAM không khác gì một 'hàng rào thuế quan mới', vi phạm các nguyên tắc kinh tế của toàn cầu.

Chịu phí CBAM, các sản phẩm của ngành công nghiệp Trung Quốc chắc chắn sẽ phải chịu chi phí và thuế cao hơn khi xuất khẩu sang châu Âu. (Nguồn: AP)

Chịu phí CBAM, các sản phẩm của ngành công nghiệp Trung Quốc chắc chắn sẽ phải chịu chi phí và thuế cao hơn khi xuất khẩu sang châu Âu. (Nguồn: AP)

CBAM là thuật ngữ liên quan đến hàng nhập khẩu sử dụng nhiều carbon từ các quốc gia có chính sách khí hậu ít nghiêm ngặt hơn. Loại hàng này được cho là sẽ lấn át sản xuất nội địa ở các quốc gia trong khu vực EU.

EU cho biết, theo các quy định mới, các nước xuất khẩu vào thị trường EU sẽ phải trả khoản chênh lệch giá giữa giá phát thải carbon được trả ở nước xuất xứ và giá sản xuất trong nước ở EU. Quy định có hiệu lực vào tháng 10, được thiết kế để ngăn chặn “rò rỉ carbon”.

“Nếu châu Âu áp thuế dựa trên chênh lệch giá carbon đối với các sản phẩm liên quan từ Trung Quốc, điều đó có thể có tác động rất lớn đến các ngành và doanh nghiệp liên quan của Trung Quốc”, ông Zhou Chengjun, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tài chính của PBOC, cho biết hôm 8/7, theo thePaper.cn.

Ông Zhou ví CBAM như một “hàng rào thuế quan mới”, tác động bất lợi đến các nỗ lực toàn cầu hóa và “đi ngược lại các nguyên tắc kinh tế cơ bản”.

“Các nguyên tắc cơ bản của kinh tế quốc tế cho chúng ta biết rằng, tiền đề cơ bản của thương mại và thuế xuyên biên giới là các sản phẩm và dịch vụ có thể giao dịch được. Đối với hàng hóa phi thương mại, vì chúng không thể được giao dịch qua biên giới, do vậy không nên nhắc đến thuế”.

Đầu tháng 6, Đại sứ Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Li Chenggang cho biết, mức thuế carbon là "đòn trừng phạt" các nước đang phát triển một cách không công bằng, tờ Post đưa tin.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), các nước xuất khẩu sẽ phải báo cáo về lượng khí thải phát sinh từ hàng hóa của mình trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến cuối năm 2025. Phí carbon được áp dụng theo từng giai đoạn bắt đầu từ năm 2026 và có hiệu lực đầy đủ vào năm 2034.

Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, trong 5 tháng đầu năm 2023, EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Trung Quốc, chỉ đứng sau Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Dự kiến, cơ chế của EU ban đầu sẽ áp dụng cho 6 ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon: xi măng, sắt thép, nhôm, phân bón, điện và hydro.

Mặc dù Trung Quốc không xuất khẩu điện sang EU nhưng lại xuất khẩu 5 sản phẩm bị ảnh hưởng khác sang khu vực này. Trung Quốc là một trong những nhà cung cấp xi măng, nhôm, sắt và thép hàng đầu của khối.

Ông Fan Tiejun, người đứng đầu Viện Nghiên cứu và Quy hoạch Công nghiệp Luyện kim Trung Quốc bình luận: “CBAM có thể làm tăng chi phí xuất khẩu cho ngành Thép của Trung Quốc từ 4 đến 6%, với 200 triệu USD đến 400 triệu USD thuế carbon mới”.

Theo ông Fan, với việc mở rộng dần phạm vi các ngành bị ảnh hưởng bởi CBAM và khoảng cách giá carbon giữa Trung Quốc và châu Âu ngày càng lớn, các sản phẩm thép của Trung Quốc chắc chắn sẽ phải chịu chi phí và thuế cao hơn khi xuất khẩu sang châu Âu.

“Theo chân EU, nước phát triển khác cũng có thể thiết lập các rào cản thương mại tương tự như CBAM. Cùng với nhau, những điều này sẽ có tác động sâu rộng hơn đối với ngành thép của Trung Quốc", ông cảnh báo.

Mặc dù một công cụ để khuyến khích toàn cầu phải hành động vì khí hậu, CBAM đặt ra những câu hỏi quan trọng về trách nhiệm của các quốc gia trong việc giải trình khí thải. Tuy nhiên, điều này lại gây bất lợi nghiêm trọng cho các nền kinh tế mới nổi ở Nam bán cầu, các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở châu Á.

Sự khác biệt giữa các quốc gia công nghiệp hóa và hậu công nghiệp hóa so với các quốc gia đang phát triển khá rõ ràng. Mỹ đã thải ra nhiều carbon hơn bất kỳ quốc gia nào khác và chịu trách nhiệm cho 25% tổng lượng khí thải trong lịch sử, tiếp theo là EU và Anh, điều chiếm 22%.

Tuy nhiên, thay vì đánh thuế các nguồn phát thải tích lũy lớn nhất, CBAM chuyển trách nhiệm pháp lý và đặt gánh nặng hành chính và tài chính lên các nền kinh tế mới nổi giàu nguyên liệu, vốn ít phải chịu trách nhiệm nhất đối với cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay.

Không chỉ riêng Trung Quốc, các nền kinh tế Nam và Đông Nam Á phải đối mặt với nguy cơ từ các khoản phí CBAM do sự phụ thuộc của các quốc gia này vào thương mại với EU.

(theo SCMP)

Tố Nhi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tham-vong-cai-cach-thi-truong-carbon-don-moi-cua-eu-co-the-khien-trung-quoc-nao-nung-234479.html