Tham vọng của NATO khi mở rộng sang châu Á
Trong bối cảnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) triển khai chiến lược Đông tiến - mở rộng về phía Đông - bằng việc cung cấp tối đa vũ khí và tài chính hậu thuẫn cho Ukraine trong cuộc xung đột quân sự với Nga, việc liên minh quân sự này tăng cường nhiều hoạt động đáng chú ý ở châu Á - Thái Bình Dương đang làm dấy lên những quan ngại rằng NATO đang tìm cách mở rộng sang châu Á.
Đông tiến bằng mọi giá
Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Thủ đô Vilnius của Litva dù đã kết thúc từ trung tuần 7 này, song để lại những dư âm với những nhận định, đánh giá khác nhau bởi đã đưa ra các quyết định quan trọng tác động tới tương lai cũng như nhằm điều chỉnh cơ chế hoạt động của liên minh quân sự quy mô và mạnh nhất thế giới này. Bên cạnh việc cam kết hỗ trợ an ninh lâu dài cho Ukraine, các thành viên NATO đã nhất trí về các kế hoạch phòng thủ được mô tả “mạnh mẽ và chi tiết nhất của NATO kể từ Chiến tranh Lạnh”, củng cố cam kết đầu tư quốc phòng, đồng ý đưa Ukraine đến gần NATO hơn cũng như tăng cường quan hệ đối tác trên toàn thế giới…
Cho dù chưa làm cho Ukraine hài lòng bằng việc đưa ra thời điểm cũng như lộ trình kết nạp quốc gia đang trong cuộc xung đột quân sự với Nga này vào NATO, nhưng các thành viên liên minh quân sự quy mô lớn nhất và mạnh nhất thế thế giới hiện nay đã thể hiện quyết tâm thực hiện bằng được chiến lược mở rộng về phía Đông. Bên cạnh cam kết hỗ trợ an ninh lâu dài, NATO trên thực tế đã hậu thuẫn chưa từng thấy cho Ukraine, từ viện trợ số lượng lớn vũ khí trang thiết bị, đạn dược; huấn luyện nhiều lữ đoàn, đồng thời trang bị cho các lữ đoàn theo tiêu chuẩn NATO… cho tới trao đổi thông tin tình báo, tham vấn quân sự để Ukraine có thể đối phó ở mức cao nhất với Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vào cuối tháng 4 vừa qua cho biết, liên minh đã hỗ trợ hơn 165 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2-2022. Người đứng đầu NATO còn cho biết thêm, các thành viên liên minh đã huấn luyện hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine và đang cung cấp “thêm máy bay phản lực, xe tăng và xe bọc thép” cho Ukraine khi nước này tiến hành chiến dịch phản công. Trong động thái mới nhất, quốc gia đứng đầu NATO là Mỹ đã bỏ qua nhiều chỉ trích để cung cấp cho Ukraine thứ vũ khí mang tính sát thương rất cao là đạn chùm.
Dồn lực nhằm hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột quân sự khốc liệt với Nga, kho vũ khí của không ít thành viên NATO “trống rỗng”. Song điều này không làm cho NATO “mệt mỏi” khi Tổng thư ký liên minh Jens Stoltenberg nhấn mạnh, NATO cần có một ngành công nghiệp “mạnh mẽ hơn” để bổ sung cho kho vũ khí và đạn dược cạn kiệt sau một năm cung cấp cho Kiev.
Bất chấp khó khăn bủa vây, NATO vẫn hậu thuẫn mạnh mẽ và lâu dài cho Ukraine “cho tới khi giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga” - như không ít giới chức cấp cao liên minh này từng tuyên bố. Cho dù chưa vượt ra “lằn ranh đỏ” - kết nạp Ukraine vào NATO, song những gì diễn ra suốt thời gian qua cho thấy liên minh này nhất quyết với chiến lược Đông tiến, bất chấp mọi cảnh báo và phản ứng của Matxcơva.
NATO mở rộng về phía Đông là một trong những lý do Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, sự mở rộng về phía Đông của NATO là mối đe dọa hiện hữu và viễn cảnh Ukraine gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu là “hành vi thù địch”, là “vượt qua lằn ranh đỏ”. Thế nhưng, theo đuổi tới cùng chiến lược Đông tiến, NATO tại Hội nghị thượng đỉnh vừa qua ở Litva lại có thêm “bước tiến lịch sử” về phía Đông với sự tham gia lần đầu tiên của thành viên thứ 31 là Phần Lan và “bật đèn xanh” để Thụy Điển gia nhập.
Với việc kết nạp thành viên mới và sẽ kết nạp trong thời gian gần sắp tới thêm 2 quốc gia Bắc Âu mà cách đây không lâu còn là những quốc gia trung lập, biên giới của NATO lại tiến thêm một bước dài, áp sát nước Nga từ cả phía Tây và phía Bắc. Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự lấy Nga làm đối trọng chính sẽ khiến đường biên giới trên bộ giữa NATO và Nga dài thêm gấp đôi và Biển Baltic có nguy cơ trở thành “ao nhà” của khối này.
“Nhòm ngó” sang châu Á - Thái Bình Dương
Một động thái rất được chú ý tại Hội nghị thượng đỉnh NATO mới đây là chủ đề được đưa ra thảo luận về tiến trình mở rộng hợp tác của NATO với 4 đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Đây là năm thứ hai liên tiếp Nhật Bản và Hàn Quốc, Australia và New Zealand, vốn không phải là thành viên của NATO nhưng lại được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh của liên minh. Tại hội nghị, Nhật Bản và NATO thỏa thuận về “một chương trình hợp tác” nhằm tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai bên, bao gồm các cuộc tập trận chung.
NATO từng tuyên bố, mặc dù Nga là “mối đe dọa đáng kể nhất” của liên minh quân sự này nhưng Trung Quốc hiện vẫn đặt ra “những thách thức mang tính hệ thống” đối với an ninh NATO. Thông cáo chung Hội nghị thượng đỉnh NATO mới đây tại Litva nhấn mạnh, các tham vọng và chính sách của Trung Quốc thách thức lợi ích, an ninh và các giá trị của NATO, đồng thời bày tỏ lo ngại về quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Nga.
Liên minh quân sự NATO trong thông cáo chung đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh đã chỉ rõ rằng Trung Quốc là một mối đe dọa tiềm tàng và cần được xem xét một cách nghiêm túc. Điều này, theo giới quan sát, NATO dường đã đưa ra một quyết định có phối hợp, mở rộng vai trò của mình sang đến tận châu Á, bất chấp việc liên minh đang phải ứng phó với cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine - cuộc xung đột được đánh giá là lớn nhất và khốc liệt nhất tại châu Âu kể từ năm 1945.
Việc NATO tăng hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang thu hút sự quan tâm sâu sắc. Liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu này được thành lập vào năm 1949 nhằm ứng phó và làm đối trọng với Liên Xô trước đây và Hiệp ước quân sự Warsaw gồm Liên Xô trước đây và các quốc gia xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Tuy nhiên, liên minh quân sự NATO hết lý do để tồn tại khi Hiệp ước này tan rã cùng với sự tan rã của Liên Xô trước đây và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990.
Thế nhưng, NATO không những không giải thể mà còn “được đà” thực hiện chiến lược Đông tiến, đưa biên giới áp sát nước Nga từ nhiều phía. Nay, NATO có thêm những động thái, hoạt động tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vốn không có chung đường biên giới với bất kỳ thành viên.
Cùng với việc lần thứ hai mời lãnh đạo 4 quốc gia đồng minh tham dự Hội nghị thượng đỉnh, NATO đang xúc tiến kế hoạch mở văn phòng tại Nhật Bản, động thái đang được quan tâm sâu sắc. Giới chuyên gia quân sự cho rằng, NATO sẽ thúc đẩy hợp tác với 4 nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Nhóm 4 nước này được gọi là “Đối tác châu Á - Thái Bình Dương” (AP4) và hiện nằm trong diện “các đối tác toàn cầu” của NATO. Giới phân tích chia sẻ nhận định rằng, hiện còn quá sớm để định hình một vai trò hay sự hiện diện của NATO ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, càng khó có thể đánh giá một cách rõ ràng về việc “NATO đang mở rộng sang châu Á”. Tuy nhiên, có thực tế là liên minh quân sự này đang gia tăng hoạt động và hợp tác ở châu Á - Thái Bình Dương.
Thế nên, cũng dễ hiểu vì sao Trung Quốc lại phản ứng mạnh mẽ đến vậy việc NATO mở rộng tầm ảnh hưởng về phía Đông để hợp tác với các nước ở khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Trung Quốc tuyên bố, việc NATO mở rộng sang châu Á hay “bất kỳ hành động nào đe dọa quyền lợi của Trung Quốc” đều sẽ “hứng chịu sự đáp trả quyết liệt”.
Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tham-vong-cua-nato-khi-mo-rong-sang-chau-a-post546838.antd