Tham vọng lớn của nhiều 'đại gia' châu Âu tại Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp châu Âu cho biết trong thời gian tới sẽ mở rộng hoạt động tại Việt Nam, coi Việt Nam trở thành thị trường sản xuất và tiêu thụ quan trọng.

Ông Guru Mallikarjuna, Giám đốc điều hành Bosch Việt Nam, cho biết trong 5 năm tới, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục kế hoạch mở rộng tại Việt Nam, thông qua tăng gấp đôi công suất của trung tâm phần mềm, thành lập một chi nhánh mới tại Hà Nội, cùng với mở rộng quy mô sản xuất tại Đồng Nai.

Kế hoạch này nằm trong tham vọng đưa Việt Nam trở thành trung tâm phát triển hàng đầu của Tập đoàn Bosch toàn cầu.

Trong vòng 12 năm qua, Bosch Việt Nam đã phát triển đáng kể về sự hiện diện và cam kết đối với thị trường Đông Nam Á này. Doanh nghiệp hiện đang sử dụng khoảng 5000 nhân viên, vận hành một nhà máy sản xuất công nghệ cao tại Đồng Nai, hai trung tâm R&D tại TP.HCM và có văn phòng tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng.

Nhà máy Bosch tại Đồng Nai là cơ sở sản xuất công nghệ cao đầu tiên của Bosch tại Đông Nam Á, và là nhà máy công nghệ cao thứ 2 của Bosch được xây dựng trên toàn cầu.

Nhà máy Bosch tại Đồng Nai là cơ sở sản xuất công nghệ cao đầu tiên của Bosch tại Đông Nam Á, và là nhà máy công nghệ cao thứ 2 của Bosch được xây dựng trên toàn cầu.

Ông Guru Mallikarjuna đánh giá thời gian qua, Covid-19 đã gây ra những biến động chưa từng có, với những hậu quả nghiêm trọng. Tác động của đợt bùng phát gần đây có thể cảm nhận rõ ràng nhất tại nhà máy Bosch Đồng Nai – một trong những nhà máy sản xuất dây curoa hộp số biến thiên liên tục lớn nhất trên toàn cầu.

Dù vấp phải nhiều thách thức trên nhiều phương diện, nhà máy đã duy trì mô hình 3 tại chỗ với khoảng 900 nhân viên.

“Nhìn về phía trước, cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 sẽ không dễ dàng, cũng không ngắn hay đã kết thúc. Tuy nhiên, Bosch Việt Nam vẫn cam kết với các hoạt động đầu tư và kinh doanh của chúng tôi tại Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

Chia sẻ chung tầm nhìn, ông Lionel Adenot, Giám đốc quốc gia của Decathlon Việt Nam, khẳng định với Decathlon, Việt Nam đang và sẽ vẫn là một quốc gia sản xuất quan trọng.

Các kế hoạch kinh doanh và phân bổ sản lượng cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh doanh tại Việt Nam sẽ khởi động lại mạnh mẽ vào năm 2022, và dự kiến tăng tốc trong những năm tới.

Việt Nam sở hữu lực lượng lao động lớn, trẻ và có trình độ cao trong ngành sản xuất, sẵn sàng cho việc sản xuất ngày càng nhiều chủng loại sản phẩm. “Đây là những điểm vô cùng thuận lợi để chúng tôi tiếp tục sự phát triển trong tương lai tại Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

Vị này tiết lộ Decathlon tham vọng trở thành thương hiệu thể thao yêu thích của người Việt Nam, giống như những gì doanh nghiệp này đã làm được ở Pháp và các nước châu Âu.

Điều này đồng nghĩa Decathlon sẽ mở thêm các cửa hàng tại TP.HCM và Hà Nội trong thời gian tới, và dài hơi hơn, có thể tại các thành phố khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, hay Cần Thơ.

Decathlon tham vọng trở thành thương hiệu thể thao yêu thích của người Việt Nam.

Decathlon tham vọng trở thành thương hiệu thể thao yêu thích của người Việt Nam.

Bắt đầu hành trình tại Việt Nam từ năm 1995, Decathlon đến nay đã có hơn 500 thành viên từ con số hai thành viên ít ỏi ban đầu. Hoạt động kinh doanh ghi nhận tăng trưởng tích cực, đạt tới 150 triệu sản phẩm trong năm 2020.

Các sản phẩm của Decathlon tại Việt Nam đã đi tới các cửa hàng tại 60 quốc gia trên thế giới. Hiện Việt Nam là quốc gia sản xuất lớn thứ hai trên toàn cầu của Decathlon.

Thương hiệu này đang hợp tác với khoảng 100 nhà cung cấp, trải dài khắp cả nước, từ TP.HCM đến Hà Nội, đi qua Huế, Đà Nẵng, Nghệ An, An Giang và nhiều địa phương khác.

Đầu năm 2017, Decathlon quyết định triển khai hoạt động bán lẻ tại Việt Nam thông qua website thương mại điện tử, sau đó mở rộng qua hệ thống Click&Collect trong các câu lạc bộ thể thao, xây dựng một hệ thống sinh thái ở các thành phố.

“Đó là bước đầu tiên giúp chúng tôi tiếp cận khách hàng và người sử dụng ở Việt Nam, những người đã cho chúng tôi phản hồi tích cực và đáng khích lệ”, ông Lionel Adenot chia sẻ.

Từng bước, sự phát triển của hoạt động bán lẻ trực tuyến đã khiến Decathlon tin tưởng rằng thời điểm thích hợp để mở cửa hàng đã tới, vào giữa năm 2019. Kể từ đó, thương hiệu này đã mở thêm 3 cửa hàng khác, bao gồm 1 ở Hà Nội và 2 ở TP.HCM.

Tận dụng cơ hội quý giá EVFTA

Phát biểu tại sự kiện Gặp gỡ châu Âu 2021 mới đây, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Alain Cany cho biết: “Giờ đây, với việc bước sang một giai đoạn mới trong cuộc chiến chống lại đại dịch, chúng ta nên bắt đầu tập trung vào tương lai. Mục tiêu không còn chỉ là để tồn tại, mà là để phát triển”.

Có những cơ hội lớn cho thương mại và đầu tư giữa EU – Việt Nam sau đại dịch, nhờ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mở ra lộ trình cắt giảm dần thuế quan và mở cửa thị trường.

“Nếu chúng ta có thể khai thác toàn bộ tiềm năng của thỏa thuận này, thông qua quan hệ đối tác giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, thì các công ty và người tiêu dùng ở cả hai phía sẽ cùng được hưởng lợi”, Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

EuroCham: EVFTA là công cụ quan trọng giúp chống lại khủng hoảng kinh tế

Chia sẻ cùng tầm nhìn, ông Guru Mallikarjuna, đánh giá cao những lợi ích tiềm năng của EVFTA, cũng như tầm quan trọng lớn hơn của hiệp định đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực trong việc hợp lý hóa thủ tục hành chính, đầu tư vào quản trị công và năng lực cạnh tranh của lực lượng lao động, đồng thời hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ việc tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Những cải thiện này trong môi trường kinh doanh địa phương được nhận định sẽ rất có lợi cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều việc cần làm, như sớm phê chuẩn và thực hiện bảo hộ đầu tư EU – Việt Nam (EVIPA). Đối với các công ty Đức như Bosch, thường chuyên về các ngành công nghệ cao, EVIPA sẽ giúp việc mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam trở nên an toàn và dễ dàng hơn, Giám đốc điều hành Bosch Việt Nam nhấn mạnh.

Về phía Decathlon, ông Lionel Adenot cho biết kế hoạch mở rộng tại Việt Nam rất cần sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam.

Đơn cử, về sản xuất, cần tăng tốc việc nội địa hóa các hoạt động đầu của chuỗi giá trị, như sợi, nguyên vật liệu, mang lại ảnh hưởng tích cực cho cả chuỗi cung ứng và môi trường.

“Chúng tôi mong muốn có những hỗ trợ để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thực hiện chuyển đổi tự động hóa và số hóa các hoạt động của họ, nhằm đạt được năng suất, hiệu quả cao hơn”, vị này kiến nghị.

Về phát triển bền vững, Decathlon mong muốn có những hỗ trợ việc sử dụng nguyên liệu sinh khối, tăng cường thay thế than đá vốn vẫn được sử dụng rất nhiều trong các quá trình nhuộm hay thuộc da.

Ông Lionel Adenot nhấn mạnh: “Chúng tôi tự hào về những gì đã xây dựng trong 26 năm qua, nhưng chúng tôi cũng rất tự tin về những gì sẽ xây dựng trong 50 năm tới tại Việt Nam”.

Kiều Mai

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/tham-vong-lon-cua-nhieu-dai-gia-chau-au-tai-viet-nam-1637830477193.htm