Tham vọng trở thành trung tâm hậu cần toàn cầu của sân bay quốc tế Incheon

Với việc Giám đốc điều hành Lee Hak-jae mới được bổ nhiệm, ban điều hành đang hướng tới kế hoạch thúc đẩy các dịch vụ hậu cần của sân bay quốc tế Incheon trở thành một trung tâm hậu cần toàn cầu.

Máy bay của Korean Air tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). Ảnh: TTXVN phát

Máy bay của Korean Air tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). Ảnh: TTXVN phát

Sân bay quốc tế Incheon của Hàn Quốc liên tục trong nhiều năm qua luôn dẫn đầu về các thông số vận hành. Với việc Giám đốc điều hành Lee Hak-jae mới được bổ nhiệm, ban điều hành đang hướng tới kế hoạch thúc đẩy các dịch vụ hậu cần của sân bay quốc tế Incheon trở thành một trung tâm hậu cần toàn cầu.

Căn cứ vào vị trí quan trọng của sân bay quốc tế Incheon, sau thời kỳ đại dịch COVID-19 và quá trình chuyển đổi kỹ thuật số, Incheon đặt mục tiêu đi đầu trong việc tạo ra một "cụm hậu cần thông minh" và trở thành một trung tâm tích hợp toàn cầu.

Theo kế hoạch, Incheon sẽ ưu tiên một số lĩnh vực chính như phát triển nhà ga hàng hóa thông minh, Trung tâm phân phối chung cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Incheon cũng sẽ mở rộng mạng lưới toàn cầu và thu hút các chuyên gia hậu cần và hàng hóa hàng không, bao gồm thương mại điện tử và các công ty 3PL (công ty hậu cần bên thứ ba) toàn cầu.

Để triển khai dự án nhà ga hàng hóa thông minh, sân bay quốc tế Incheon đang kiên trì chuyển đổi mục tiêu phát triển nhà ga hàng hóa dựa trên công nghệ hướng tới tương lai, nhằm nâng cao vị thế cạnh tranh trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa và hậu cần hàng không.

Thông qua Tái cấu trúc quy trình kinh doanh (BPR), sân bay đang hợp tác với các chuyên gia của hãng hàng không Korean Air và Asiana Airlines để xây dựng các quy trình vận hành trong tương lai cho nhà ga hàng hóa thông minh. Các quy trình mới này sẽ tích hợp các công nghệ của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chẳng hạn như robot không người lái, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và lái xe tự hành.

Một dự án thí điểm - dự kiến được đưa vào hoạt động từ năm 2027 - sẽ đánh giá sự phù hợp của công nghệ thông tin đối với hoạt động của nhà ga hàng hóa và định hướng phát triển nhà ga hàng hóa thông minh.

Mở rộng mạng lưới toàn cầu là lĩnh vực trọng tâm cốt lõi của sân bay quốc tế Incheon. Tính đến tháng 12/2022, các tuyến đường dành riêng cho hàng hóa của sân bay đã kết nối với 107 thành phố trên 43 quốc gia thông qua 25 hãng hàng không.

Các kết nối bao gồm 20 địa điểm đến ở Trung Quốc, 6 ở Nhật Bản, 10 ở Đông Nam Á, 27 ở Bắc Mỹ, 5 ở Trung và Nam Mỹ và 18 ở châu Âu. Mạng lưới hàng không của sân bay Incheon cung cấp các chuyến bay liên tục đến 152 thành phố trên 53 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Trong nỗ lực phối hợp nhằm mở rộng mạng lưới mới và tăng lượng hàng hóa, Sân bay quốc tế Incheon đang mở rộng nhiều ưu đãi khác nhau cho các hãng hàng không. Những lợi ích này bao gồm các khoản trợ cấp lên tới 100% phí hạ cánh và chi phí tiếp thị thực tế trong hai năm, đặc biệt đối với những hãng mới thành lập, bắt đầu các tuyến mới hoặc thực hiện các hoạt động vào ban đêm.

Sân bay quốc tế Incheon đang có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao năng lực hậu cần của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Được biết đến với việc cung cấp một loạt lợi ích cho những người thuê khu phức hợp hậu cần, sân bay hiện đang tăng tốc tập trung vào việc tạo ra một trung tâm hậu cần dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một bước tiến trong cam kết liên tục thúc đẩy giá trị xã hội.

Hợp tác với Bộ khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc (KOSME), sân bay đã cam kết phát triển một Trung tâm phân phối chung. Sáng kiến này, được thiết kế đặc biệt để phục vụ các doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp vừa và nhỏ, củng cố sứ mệnh của sân bay nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh về hậu cần vận chuyển hàng không của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hỗ trợ việc mở rộng toàn cầu của đối tượng doanh nghiệp này.

Dự kiến động thổ vào nửa cuối năm sau, Trung tâm phân phối chung sẽ chiếm khoảng 25.400 m2 trong khu phức hợp hậu cần thứ hai của sân bay. Trung tâm, được trang bị các thiết bị hậu cần thông minh hiện đại, nhằm mục đích cung cấp một bộ dịch vụ xuất khẩu toàn diện. Đồng thời, sân bay quốc tế Incheon đang tăng cường nỗ lực thu hút các công ty vận tải hàng không và hậu cần chuyên biệt, đặc biệt chú ý đến thị trường vận tải hàng không châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển.

Tính đến năm 2022, khu vực châu Á-Thái Bình Dương chiếm thị phần lớn nhất trong thị trường vận tải hàng không toàn cầu với 32,4% (theo thông tin của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế - IATA).

Đáng chú ý, các quốc gia Đông Bắc Á đã nổi lên như những quốc gia có đóng góp đáng kể cho ngành vận tải hàng không châu Á-Thái Bình Dương, chiếm khoảng 60% tổng khối lượng khu vực.

Vị trí chiến lược của sân bay quốc tế Incheon, kết nối các thành phố lớn ở Trung Quốc, Nhật Bản và Đông Nam Á, có thể coi là một trong nhiều lợi thế mà sân bay này mang lại cho các công ty logistics. Hơn nữa, sân bay Incheon được ghi nhận có chi phí vận hành tiết kiệm nhất trong khu vực, bao gồm phí xử lý mặt đất và phí hạ cánh..

Khu thương mại tự do của sân bay (ICN’s free trade zone) cung cấp các thủ tục hải quan nhanh nhất trong số tất cả các quốc gia thành viên của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO). Theo hướng dẫn của chính phủ, sân bay tiếp tục hoàn thiện các chính sách để vận hành Trung tâm phân phối toàn cầu (GDC). Theo đó sẽ cung cấp kho lưu trữ cho các sản phẩm của chủ hàng toàn cầu và quản lý việc phân loại, đóng gói lại và vận chuyển theo yêu cầu của từng đơn hàng./.

Khánh Vân (P/v TTXVN tại Seoul)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/tham-vong-tro-thanh-trung-tam-hau-can-toan-cau-cua-san-bay-quoc-te-incheon/302477.html