Tham vọng tự chủ hàng không của Trung Quốc nhìn từ 4 máy bay phản lực thương mại

4 chiếc máy bay phản lực thương mại là bàn đạp để Trung Quốc hướng đến mục tiêu tự chủ về công nghệ hàng không và bán máy bay ra nước ngoài.

Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) thuộc sở hữu nhà nước đã đưa hai loại máy bay phản lực dân dụng vào hoạt động và đưa hai loại máy bay lớn hơn vào bản vẽ sau 22 năm nghiên cứu.

Comac hướng đến mục tiêu tự chủ về công nghệ của Trung Quốc và bán máy bay ra nước ngoài. Nhà sản xuất có trụ sở tại Thượng Hải này muốn cạnh tranh chủ yếu với Airbus và Boeing vì máy bay của họ có thông số kỹ thuật tương tự.

Trung Quốc đang nỗ lực hướng tới mục tiêu tự chủ công nghệ hàng không. (Ảnh: CAAC)

Trung Quốc đang nỗ lực hướng tới mục tiêu tự chủ công nghệ hàng không. (Ảnh: CAAC)

Máy bay ARJ21

Dòng máy bay ARJ21 bao gồm các loại máy bay phản lực cánh quạt dành cho 78 đến 97 chỗ ngồi và các chuyến bay tương đối ngắn từ 2.225 đến 3.700 km, đủ xa để bay các tuyến nội địa phổ biến ở Trung Quốc. ARJ là viết tắt của "advanced regional jet" (máy bay phản lực khu vực tiên tiến).

Việc phát triển ARJ21 - máy bay đầu tiên của Trung Quốc cho mục đích dân sự - bắt đầu năm 2002 và bay thử nghiệm lần đầu sáu năm sau đó. Hãng hàng không khu vực Chengdu Airlines bắt đầu sử dụng máy bay này năm 2015.

Hãng hàng không TransNusa của Indonesia đã mua máy bay này từ năm 2022. Ước tính có khoảng 100 chiếc đã được bán ra.

Comac báo cáo loại máy bay này đã tích lũy tổng cộng 200.000 giờ bay tính đến tháng 3/2023.

ARJ21 có kích thước tương đương với Boeing 717 đã ngừng sản xuất, dòng máy bay McDonnell Douglas MD 80-90 đã nghỉ hưu và mẫu Embraer E190-E2.

McDonnell Douglas sản xuất tại Thượng Hải trước khi sáp nhập với Boeing vào năm 1997, và Comac đã sử dụng công cụ MD90 để lắp ráp ARJ21. General Electric cung cấp động cơ CF34 đôi cho máy bay Trung Quốc, và nhà sản xuất máy bay Antonov của Ukraine thiết kế cánh.

Máy bay chở khách C919 (trái) và ARJ21 của Trung Quốc đỗ tại Sân bay quốc tế Vân Đồn ở Việt Nam tháng 2/2024. (Ảnh: SCMP)

Máy bay chở khách C919 (trái) và ARJ21 của Trung Quốc đỗ tại Sân bay quốc tế Vân Đồn ở Việt Nam tháng 2/2024. (Ảnh: SCMP)

Máy bay thân hẹp C919

Máy bay thân hẹp C919 có thể chứa 158 - 192 chỗ ngồi và bay từ 4.075 - 5.555 km. Sau 15 năm nghiên cứu, máy bay này đã ra mắt vào tháng 5/2023 do Hãng hàng không China Eastern Airlines vận hành.

Comac đã nhận được ít nhất 300 đơn đặt hàng trong năm nay từ các hãng hàng không lớn của Trung Quốc.

Nhiều bộ phận quan trọng của C919 được cho là do các nhà cung cấp Mỹ hoặc châu Âu sản xuất. Ví dụ, động cơ của C919 được sản xuất bởi CFM International, một liên doanh giữa GE Aerospace của Mỹ và Safran Aircraft Engines của Pháp.

C919 cạnh tranh với dòng máy bay Airbus 320 và Boeing 737.

Các máy bay trong dòng A320 có thể chứa 140 - 180 hành khách và có thể bay 6.300 km trong một chuyến bay. Boeing 737 có sức chứa từ 138 - 230 chỗ ngồi và bay từ 5.954 - 7.084 km.

Máy bay thân rộng C929

Comac tiết lộ đang nghiên cứu máy bay thân rộng C929, một dòng máy bay hai lối đi và có thể chở tới 290 hành khách. Máy bay này có thể bay xa tới 12.000 km trong một chuyến, xa hơn khoảng cách từ Bắc Kinh đến New York là khoảng 11.000 km.

Các hãng hàng không có thể nhận được mẫu máy bay này sớm nhất vào năm 2027.

Nguyên mẫu máy bay chở khách C929 của Trung Quốc được trưng bày tại Viện nghiên cứu và thiết kế máy bay Thượng Hải của Comac, tháng 3/2024. (Ảnh: Getty Images)

Nguyên mẫu máy bay chở khách C929 của Trung Quốc được trưng bày tại Viện nghiên cứu và thiết kế máy bay Thượng Hải của Comac, tháng 3/2024. (Ảnh: Getty Images)

Tháng trước, Comac cho biết họ đang tìm kiếm các chuyên gia trong nhiều ngành để chế tạo máy bay C929 với các bộ phận và công nghệ sản xuất tại Trung Quốc.

Eric Lin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại UBS ở Hong Kong, cho biết hiện vẫn chưa rõ Comac sẽ tìm nguồn cung ứng các bộ phận khác cho máy bay như thế nào.

Theo hồ sơ nộp lên sàn chứng khoán, Comac đã hoàn tất thỏa thuận chế tạo kim loại, vật liệu tổng hợp và linh kiện cho máy bay C929 với công ty Công nghệ hàng không Huanyu Hồ Nam, với giá không quá 175 triệu USD.

Lin cho biết C929 được so sánh với các dòng máy bay Airbus A350 và Boeing 787. Các mẫu máy bay A350 có thể chở 300 - 350 hành khách trên các chuyến bay dài tới 15.000 km. Các mẫu máy bay Boeing 787 có thể bay 13.600 - 14.600 km và chở 242 - 290 hành khách.

Máy bay khổng lồ C939

Một nguồn tin thân cận với Comac tiết lộ với SCMP rằng Trung Quốc đã có bản thiết kế sơ bộ cho chiếc máy bay khổng lồ C939, mặc dù có thể phải mất nhiều năm nữa Comac mới phát triển được nguyên mẫu có thể thử nghiệm.

Mayur Patel, giám đốc khu vực châu Á của nền tảng dữ liệu ngành OAG Aviation, cho biết C939 sẽ là máy bay chở khách thân rộng, hai động cơ phản lực tương tự như Boeing 777. C939 dự tính sẽ có sức chứa 400 chỗ ngồi và phạm vi hoạt động là 13.000 km.

Máy bay Boeing 777 có thể chở 301 - 368 hành khách và bay quãng đường 9.700 - 15.840km.

Hiện vẫn chưa rõ C939 sẽ lấy linh kiện từ đâu, nhưng Trung Quốc đang nghiên cứu riêng về động cơ máy bay thương mại phản lực cánh quạt đầu tiên của mình, CJ1000.

Richard Aboulafia, giám đốc điều hành của công ty tư vấn hàng không vũ trụ AeroDynamic Advisory có trụ sở tại Mỹ cho biết, C939 sẽ không thể được bàn giao trong ít nhất 10 năm tới và sẽ chỉ diễn ra nếu Comac có "nguồn lực đầy đủ" với hầu hết các linh kiện được nhập khẩu.

Hoa Vũ (Nguồn: SCMP)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/tham-vong-tu-chu-hang-khong-cua-trung-quoc-nhin-tu-4-may-bay-phan-luc-thuong-mai-ar886307.html