Tham vọng tỷ đô của 'ông trùm' năng lượng Mai Văn Huế

Khởi sự từ ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng và xây dựng các công trình điện đến 500kV, Tân Hoàn Cầu Group của ông Mai Văn Huế sớm bén duyên với điện gió, rồi loạt dự án trong lĩnh vực năng lượng sạch.

 Dự án điện gió Hướng Linh 2 do Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư (Ảnh: Internet)

Dự án điện gió Hướng Linh 2 do Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư (Ảnh: Internet)

Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu (Tân Hoàn Cầu) là hạt nhân trong “hệ sinh thái” Tân Hoàng Cầu Group của vị doanh nhân Mai Văn Huế (SN 1975).

Doanh nghiệp này tiền thân là CTCP Tân Hoàn Cầu, thành lập năm 2005, có trụ sở tại tỉnh Quảng Bình. Tính tới tháng 10/2015, quy mô vốn của Tân Hoàn Cầu được nâng lên mức 1.166 tỷ đồng.

Còn theo thông tin trên website, tính đến tháng 6/2018, tổng tài sản của Tân Hoàn Cầu đạt 6.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu là 2.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là quy mô của một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất năng lượng của Tân Hoàn Cầu Group.

"Vốn sở hữu của các nhà máy: 12.000 Tỷ VNĐ (530 triệu USD)", website của Tân Hoàn Cầu Group viết.

Được biết, hệ thống doanh nghiệp của của ông Mai Văn Huế còn có 6 thành viên khác: CTCP Tân Hoàn Cầu Bến Tre, CTCP Năng Lượng Quảng Trị, CTCP Đầu tư Thanh Hoa, CTCP Thủy điện Trường Sơn, CTCP Thủy điện Trường Sơn Bình Phước và CTCP Nước sạch THC.

Tham vọng ở lĩnh vực năng lượng của Tân Hoàn Cầu Group không chỉ được thể hiện qua số lượng áp đảo các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, mà còn được cụ thể hóa qua loạt dự án điện gió và thủy điện tại các tỉnh miền Trung.

Ở lĩnh vực điện gió, tập đoàn đang đầu tư 3 cụm dự án thủy điện, bao gồm: (1) Cụm dự án điện gió Hướng Linh (Quảng Trị, công suất 150 MW); (2) Cụm dự án điện gió Hướng Hiệp (Quảng Trị, công suất 90MW) và (3) Cụm dự án điện gió Bãi Dinh (180 MW).

Ở lĩnh vực thủy điện, Tân Hoàng Cầu Group đầu tư loạt dự án như: Thủy điện Đakrông 3 (8,8 MW), thủy điện Khe Nghi (9 MW), thủy điện Đức Thành (42 MW), thủy điện Khe Giông (4,5 MW), thủy điện Hướng Phùng (18 MW).

Ngoài ra, tập đoàn cũng hoạt động trong mảng nhà thầu xây dựng với các dự án Nhà máy thủy điện Đăk Psi (Kon Tum); Quốc lộ 1A, khu vực phía Nam, tỉnh Hà Tĩnh; xây dựng một số dự án khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Resort & Villas.

Việc thu xếp nguồn vốn để triển khai loạt dự án năng lược cũng được Tân Hoàn Cầu Group tính toán khá kỹ lưỡng.

Trong số đó có thể kể tới thương vụ trái phiếu 1.000 tỷ đồng của CTCP Tân Hoàn Cầu Bến Tre (Tân Hoàn Cầu Bến Tre) - chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió số 5 – Thạnh Hải 1 (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre).

Bản đồ vị trí các dự án điện gió tại tỉnh Bến Tre theo quy hoạch giai đoạn đến năm 2020 (Ảnh chụp màn hình)

Dự án có công suất 120MW, gồm 24 tuabin gió 3,3 MW đến 4,5MW, được xây dựng mới hoàn toàn trên biển, với diện tích mặt biển sử dụng khoảng 48 ha, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020.

Ngay từ khi thành lập (ngày 17/9/2018), Tân Hoàn Cầu Bến Tre đã được đăng ký quy mô vốn 1.500 tỷ đồng. Trong đó, Tân Hoàn Cầu góp hơn 1.035 tỷ đồng, sở hữu 69% vốn điều lệ. Số vốn còn lại do các cá nhân là ông Mai Văn Long và bà Hồ Thị Ngọc Lan tham gia góp vốn, tỷ lệ sở hữu lần lượt là 28% và 3% vốn điều lệ. Ông Mai Văn Long (SN 1981) đảm nhiệm vai trò Tổng Giám đốc của Tân Hoàn Cầu Bến Tre.

Tới ngày 18/2/2020 vừa qua, Tân Hoàn Cầu Bến Tre đã thực hiện phát hành thành thành công 430 tỷ đồng trái phiếu đợt 1, loại hình không chuyển đổi, có đảm bảo và không kèm chứng quyền. Số trái phiếu này có kỳ hạn tới 12 năm nhưng có lãi suất khá “mềm”

"Đại gia" Mai Văn Huế (trái) trong một lần ký hợp đồng với đối tác.

Cụ thể, trái phiếu được trả lãi sau, lãi suất áp dụng cho 4 kỳ tính lãi đầu tiên là 10%/năm. Đối với các kỳ sau, lãi suất được xác định bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân cao nhất bằng VND, trả sau thông thường, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng được công bố tại Ngân hàng TMCP Quân đội (MBB) chi nhánh Quảng Bình tại ngày xác định lãi suất cộng biên độ 3,4%/năm.

Trái phiếu được bảo đảm toàn bộ bằng tài sản của Tân Hoàn Cầu Bến Tre và của các tổ chức/cá nhân khác theo thỏa thuận giữa tổ chức phát hành và các nhà đầu tư mua trái phiếu.

Trước đó, dữ liệu của VietTimes cho thấy, Tân Hoàn Cầu Bến Tre đã nhiều lần thế chấp dự án Nhà máy điện gió số 5 tại MBB – Chi nhánh Quảng Bình.

Ở một trong thương vụ khác tại tỉnh Bến Tre, doanh nghiệp này cũng thực hiện đầu tư công trình Cao ốc liên hợp Hoàn Cầu Bến Tre (Hoàn Cầu Bến Tre Plaza Hotel) nằm trên đường Hùng Vương, tọa lạc ngay tại trung tâm Tp. Bến Tre. Công trình thiết kế cao 15 tầng và 1 tầng hầm, tổng diện tích xây dựng 16.547,9 m2. Tổng vốn đầu tư dự kiến là 185 tỷ đồng.

Quay trở lại với lĩnh vực năng lượng, trên website, Tân Hoàng Cầu đặt mục tiêu trở thành “một trong những doanh nghiệp tư nhân đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam với tổng tài sản hơn 1 tỷ USD”./.

Nguyễn Ánh

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/tham-vong-ty-do-cua-ong-trum-nang-luong-mai-van-hue-post125251.html