Tham vọng tỷ đô, trùm năng lượng Mai Văn Huế 'bốc hơi' 41% tài sản
m vọng tỷ đô với ngành năng lượng nhưng Tân Hoàn Cầu của ông Mai Văn Huế bất ngờ 'bốc hơi' tới 41% tổng tài sản. Đồng thời, công ty này còn khiến giới đầu tư đặt ra câu hỏi khi nợ lớn nhưng chi phí lãi vay lại chỉ 0 đồng.
Năng lượng xanh là cụm từ được sử dụng rất nhiều tại Việt Nam trong vài năm gần đây. Có thể nói, phong điện và quang điện đang trở thành trào lưu “hot”, là điểm đến đầu tư của nhiều đại gia Việt. Một trong số đó là ông Mai Văn Huế. Nhờ tham vọng tỷ đô, ông Huế được coi là “trùm năng lượng”.
"Đại gia" Mai Văn Huế (trái) trong một lần ký hợp đồng với đối tác.
Trong hệ sinh thái của “trùm năng lượng” Mai Văn Huế, Công ty cổ phần Tổng công ty Tân Hoàn Cầu (Tân Hoàn Cầu) được xem là hạt nhân. Thế nhưng, Tân Hoàn Cầu lại gây chú ý khi tài sản bốc hơi 41% trong năm 2020. Thêm vào đó, công ty này còn khiến giới đầu tư đặt ra câu hỏi khi nợ lớn, lên đến cả ngàn tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay lại chỉ 0 đồng.
Tham vọng tỷ đô
Tân Hoàn Cầu thành lập năm 2005, có trụ sở tại tỉnh Quảng Bình. Trên website của mình, Tân Hoàng Cầu giới thiệu vốn sở hữu của các nhà máy lên đến 12.000 tỷ đồng. Chưa dừng lại ở đó, Tân Hoàn Cầu đặt mục tiêu trở thành “một trong những doanh nghiệp tư nhân đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam với tổng tài sản hơn 1 tỷ USD vào năm 2025.
Để thực hiện được tham vọng của mình, công ty phát triển trên 20 dự án qua hệ thống các công ty thành viên.
Hệ thống doanh nghiệp của của ông Mai Văn Huế còn có 6 thành viên khác: Công ty cổ phần Tân Hoàn Cầu Bến Tre, Công ty cổ phần Năng Lượng Quảng Trị, Công ty cổ phần Đầu tư Thanh Hoa, Công ty cổ phần Thủy điện Trường Sơn, Công ty cổ phần Thủy điện Trường Sơn Bình Phước và Công ty cổ phần Nước sạch THC.
Ở lĩnh vực điện gió, Tân Hoàn Cầu đang đầu tư 3 cụm dự án thủy điện, bao gồm: Cụm dự án điện gió Hướng Linh (Quảng Trị, công suất 150 MW); Cụm dự án điện gió Hướng Hiệp (Quảng Trị, công suất 90MW) và Cụm dự án điện gió Bãi Dinh (180 MW).
Ở lĩnh vực thủy điện, Tân Hoàng Cầu Group đầu tư loạt dự án như: Thủy điện Đakrông 3 (8,8 MW), thủy điện Khe Nghi (9 MW), thủy điện Đức Thành (42 MW), thủy điện Khe Giông (4,5 MW), thủy điện Hướng Phùng (18 MW).
Ngoài ra, tập đoàn cũng hoạt động trong mảng nhà thầu xây dựng với các dự án Nhà máy thủy điện Đăk Psi (Kon Tum); Quốc lộ 1A, khu vực phía Nam, tỉnh Hà Tĩnh; xây dựng một số dự án khu nghỉ dưỡng 5 sao Vinpearl Resort & Villas.
Tài sản “bốc hơi” 41%
Trong khi hành trình chinh phục tổng tài sản 1 tỷ USD của “ông trùm năng lượng” Mai Văn Huế đang sắp đến đích xét về mốc thời gian thì chỉ tiêu này không những không tăng mà còn lao dốc thảm hại.
Dự án điện gió Hướng Linh 2 do Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư (Ảnh: Internet)
Tại thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của Tân Hoàn Cầu chỉ còn 3.286 tỷ đồng, giảm 2.280 tỷ đồng, tương ứng 41% so với cuối năm 2019. Tiền mặt, hàng tồn kho và tài sản cố định đã khiến cho tài sản của Tân Hoàn Cầu “bốc hơi” dữ dội.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2020, chỉ tiêu tiền mặt công ty chỉ là 82 tỷ đồng, giảm 352 tỷ đồng, tương đương 81%; chỉ tiêu hàng tồn kho giảm từ 88 tỷ đồng xuống chỉ còn 1,7 tỷ đồng. Nặng nề nhất, tài sản cố định giảm 1.364 tỷ đồng, tương đương 91% xuống 144 tỷ đồng.
Không rõ những tài sản cố định nào của Tân Hoàn Cầu bị giảm giá trị. Chỉ biết, theo quy định kế toán, tài sản cố định bao gồm: Nhà cửa, vật kiến trúc, Máy móc, thiết bị, Phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn, Thiết bị, dụng cụ quản lý, Vườn cây lâu năm, súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm, quyền sử dụng đất theo quy định của Thông tư này, quyền phát hành, bằng sáng chế phát minh, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, sản phẩm, kết quả của cuộc biểu diễn nghệ thuật, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại và chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng và vật liệu nhân giống,…
Nợ ngàn tỷ, chi phí lãi vay 0 đồng
Có một điểm Tân Hoàn Cầu khiến giới đầu tư khó hiểu chính là dù nợ ngàn tỷ nhưng công ty liên tục không phải thanh toán lãi vay.
Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2019, tổng nợ phải trả tại Tân Hoàn Cầu là 3.066 tỷ đồng, cao gấp 1,2 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 55% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là 20 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn lên tới 3.041 tỷ đồng.
Ví dụ với mức lãi suất khá thấp, chỉ 5%/năm, chi phí lãi vay mà Tân Hoàn Cầu phải trả có thể lên tới 153 tỷ đồng. Nhưng ngạc nhiên ở chỗ, chi phí lãi vay năm 2019 của công ty được xác định là… 0 đồng.
Bước sang 2020, Tân Hoàn Cầu nỗ lực thanh toán nợ vay. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn giảm từ 20 tỷ đồng xuống 15 tỷ đồng, vay và nợ thuê tài chính dài hạn giảm sâu từ 3.041 tỷ đồng xuống 942 tỷ đồng. Và cũng giống như 2019, trong năm 2020, chi phí lãi vay Tân Hoàn Cầu được xác định vẫn là 0 đồng.