Thân thương cối đá

Khi ngắm nhìn chiếc cối đá xay bột-vật dụng thân thương, gần gũi và đượm màu xưa cũ, tôi lại nhớ về một thời gian khổ, chịu thương, chịu khó của các bà, các mẹ và xoay tròn cùng những giấc mơ thơ ấu đời người.

Nhắc đến chiếc cối đá xay bột, tôi lại nhớ về những buổi chiều quê yên ả, khi mặt trời dần khuất bóng sau dãy núi xa, tiếng cối đá lại lách cách vang lên đều đều từ gian bếp nhà. Đó là những âm thanh gắn liền với tuổi thơ tôi, âm thanh của tình yêu thương và sự cần mẫn. Bên chiếc cối đá, biết bao thế hệ được nuôi dưỡng, lớn lên và trưởng thành.

Chiếc cối đá xay bột trưng bày trong khuôn viên Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn không gian văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: N.T.D

Chiếc cối đá xay bột trưng bày trong khuôn viên Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn không gian văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: N.T.D

Về Quảng Ngãi, tôi mới hay, nhiều làng nghề truyền thống nơi đây đã khôi phục nghề làm cối đá. Qua bàn tay khéo léo của người thợ, những hòn đá mồ côi, những khối đá vô tri, vô giác đã làm sống dậy một nghề xưa xa. Ở đó có những ông thợ đục đá, suốt ngày vần xoay, gọt giũa từ những tảng đá rắn đanh thành vô số chiếc cối tròn tròn xinh xắn.

Hay mới đây, khi tham quan làng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ), nơi hội tụ tinh hoa của 3 nền văn hóa Sa Huỳnh, Champa và Đại Việt, tôi dường như không thể rời mắt khi đứng trước chiếc cối đá được trưng bày trong khuôn viên Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn không gian văn hóa Sa Huỳnh-nơi Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ phục dựng để làm du lịch.

Câu chuyện về chiếc cối đá ấy còn được gợi nhắc khi ai đó luyến lưu ký ức và cẩn trọng giữ gìn như báu vật trong gia đình. Dù không còn sử dụng, nhưng nó vẫn được cất giữ cẩn thận, như một cách để gợi nhớ hình ảnh gia đình quây quần bên nhau trong bữa ăn với những chiếc bánh được làm từ bột gạo trắng trong. Đó là những tháng ngày tuy vất vả nhưng ấm áp tình quê, tình người, khiến ai từng trải qua đều nhớ mãi khôn nguôi.

Ngày nay, dù công nghệ hiện đại đã thay thế phần lớn công việc thủ công, nhưng chiếc cối đá vẫn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng người quê. Nó không chỉ là nhân chứng đẹp đẽ từng ở gian bếp, mà còn là biểu tượng cho đôi tay chăm chỉ, lòng kiên trì và tình yêu thương chắt chiu cho gia đình. Ngay cả bắt gặp bao cái cối đá chỉ dành để ngắm trong những quán cà phê phố thị được decor trang trí kiểu làng quê, nó cũng đem đến cho tôi biết bao xúc cảm. Chiếc cối đá vẫn neo giữ vô vàn ký ức, vô vàn kỷ niệm của một lớp người.

Vậy nên, tôi không quá ngạc nhiên khi bắt gặp chiếc cối đá xay bột được sử dụng làm tiểu cảnh trưng bày của nhiều gia đình có điều kiện. Đối với những chiếc cối đá xay bột có tuổi đời lâu năm, người muốn sở hữu thì mua bằng mọi giá. Còn người bán có khi thờ ơ, để chiếc cối đá xay bột nằm đó... cho vui. Nó không đơn thuần là món hàng để mua bán, đổi chác mà còn là kỷ niệm. Và, kỷ niệm thì ai bán mà mua.

Tôi vẫn nhớ cả một mùa dài nước đổ lê thê, trời gió căm căm, mưa đồng ruộng xa, chợ vắng họp, đám trẻ con trong nhà thỏ thẻ muốn ăn lát bánh xèo đựng trong mẹt lá chuối hay chén bánh bèo thơm mùi gạo mới... Nghe những lời thỏ thẻ ấy, các bà, các mẹ chiều ý con trẻ đem ngâm gạo từ sớm, rồi rẽ mưa mà mang đến nhà nào trong xóm có chiếc cối đá để xay bột nhờ.

Hay những buổi nông nhàn, tiếng cối xay rì rì, rầm rầm ngày ấy giờ trở thành hoài niệm. Mấy ai được trông thấy dòng chảy từ từ, đặc sệt của bột gạo chảy xuống chiếc xô nhỏ, nói chi đến gợi nhắc những ngày thương khó ấy.

Chiếc cối đá xay bột được trưng bày trong khuôn viên Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn không gian văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: N.T.D

Chiếc cối đá xay bột được trưng bày trong khuôn viên Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn không gian văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: N.T.D

Để có được các loại bánh ngon phụ thuộc rất lớn ở khâu xay bột. Xay làm sao cho bột mịn, nước và bột phải quyện, không loãng cũng không đặc. Ai chưa từng xay, không biết cách nắm cán cối xay, sẽ dễ bị đau tay. Muốn nhẹ tay thì 2 người cùng xay, người tay trên, người tay dưới, nhịp nhàng quay đều. Hết nước nhất đến nước nhì, nước ba, người xay bột phải xay đi xay lại nhiều lần cho bột thật nhuyễn mới đến nước cuối cùng.

Vui làm sao khi xách xô bột gạo về nhà, rồi xem đó là thành quả lao động để góp phần cùng gia đình làm nên bữa ăn ngon.

Những câu chuyện về chiếc cối đá xay bột, về những món ăn truyền thống như bánh xèo, bánh bèo, mì Quảng... vẫn được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, như một cách giữ gìn và tôn vinh văn hóa dân tộc.

Cối đá xay bột, vì thế, không chỉ là một phần của quá vãng nữa, mà còn là cầu nối giữa hiện tại và tương lai, giữa những giá trị truyền thống tưởng như mai một theo năm tháng, nay đã được hồi sinh.

Một cái cối có khi thành vật gia truyền, từ đời ông bà đến cha mẹ rồi đến lớp con cháu. Những câu chuyện quanh chiếc cối đá xay bột chưa khi nào dừng lại. Bởi chỉ cần tinh ý ta cũng nhìn ra chiếc cối đá bao giờ cũng có 2 miệng thớt. Miệng thớt trên nặng trịch như cuộc đời gian truân, miệng thớt dưới là những tảo tần vun vén chu toàn.

Rồi cũng từ cái cối đá xay bột ấy, ông bà dạy cho con trẻ biết bao bài học: từ chuyện khó nhọc làm ra chiếc cối, đến cách khéo léo khi cầm xoay miệng thớt hay đức tính tiết kiệm, lo xa chứ không như “ăn xài như cái cối” mà các mẹ vẫn thường răn dạy con mình.

Thôi thì giờ hiện đại, dăm ba bốn bận, tứ xứ quê nhà, mải chuyện cơm áo nên đôi khi ta cứ kéo dài ngày dài tháng. Thoảng hoặc đôi lần chộn rộn của thị thành, ta lại nhớ đến úa màu thời gian đã cũ. Rất cũ, rất xưa, luyến nhớ vài điều cỏn con của quê hương trong ký ức. Như lúc tôi gặp chiếc cối đá xay bột trong chiều hè nơm gió. Giờ thì nó vẫn ở đó, mặc nắng mưa, mặc biến thiên sự đời. Và, nó chỉ dành riêng cho những ai nhớ thương quê nhà, thương tiếc tháng ngày xanh xưa của bà, của mẹ, của chính mình đã qua.

NGUYỄN THỊ DIỄM

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/than-thuong-coi-da-post284846.html