Thận trọng khi đăng ký sang Úc làm việc
Để tránh mọi bất lợi cho người lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang tích cực làm việc với các cơ quan đại diện của Chính phủ Úc để có những quy định cụ thể
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cùng Bộ Ngoại giao - Thương mại Úc vừa ký kết bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về việc hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp tại Úc. Theo đó, Chính phủ Úc sẽ cấp visa cho lao động Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm góp phần bù đắp thiếu hụt nhân lực, tăng khả năng tiếp cận nguồn lao động đáng tin cậy trong ngành nông nghiệp của Úc. Hai bên đang tích cực hợp tác, trao đổi thông tin để đưa ra những điều kiện tuyển dụng cho chương trình này.
"Cầm đèn chạy trước ôtô"
Trong khi Bộ LĐ-TB-XH và cơ quan của Chính phủ Úc đang soạn thảo, chưa công bố bất cứ văn bản hướng dẫn thực hiện nào cho chương trình này thì trên các nền tảng quảng cáo trực tuyến, nhiều cá nhân, tổ chức đã thông báo tuyển dụng lao động đi Úc làm việc với mức thu nhập "khủng".
Nhiều diễn đàn tuyển dụng lao động sang Úc làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp đã rầm rộ các hoạt động tư vấn, tuyển dụng, đào tạo tiếng Anh và đào tạo kỹ năng nghề để đưa sang Úc làm việc. Một tài khoản có tên "Visa 642 sang Úc làm việc" đăng công bố của Bộ LĐ-TB-XH và khẳng định đơn vị này được bộ cấp phép đủ điều kiện tuyển dụng lao động sang Úc làm việc theo tinh thần hợp tác giữa hai Chính phủ. Mức tổng chi phí mà tài khoản này đưa ra là gần 300 triệu đồng, kèm lời khẳng định "không đậu visa hoàn tiền 100%".
Theo tìm hiểu của phóng viên, đơn vị này không hề được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép phái cử lao động, kể cả các thị trường đang được nhiều người lao động (NLĐ) lựa chọn như: Nhật Bản, Hàn Quốc… Dù vậy, khi chúng tôi liên hệ số điện thoại được công khai trên tài khoản quảng cáo, nữ nhân viên tư vấn khẳng định: "Chương trình này chỉ có bên chị mới đủ điều kiện thực hiện và đã được Bộ LĐ-TB-XH cấp phép. Rất an toàn vì các hợp đồng lao động lĩnh vực nông nghiệp tại Úc đã được hiệp hội trang trại Úc cấp rồi!".
Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu lao động Mai Linh (quận 7, TP HCM), cảnh báo NLĐ nên cẩn trọng khi quyết định đi lao động ngành nông nghiệp tại Úc. Theo ông Bình, Úc có nhiều dạng visa cho NLĐ nước ngoài đến học tập, làm việc nhưng với visa nông nghiệp, phía Úc và Bộ LĐ-TB-XH đang phối hợp để công bố các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Từ điều kiện tuyển dụng cho đến các thủ tục để cấp visa vẫn đang trong quá trình thương thuyết. Vì vậy, bất cứ đơn vị nào nhận hồ sơ visa lao động nông nghiệp sang Úc khi chưa có hướng dẫn cụ thể đều không phù hợp.
Cảnh báo
Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) - Bộ LĐ-TB-XH đã gửi văn bản đến các cơ quan báo chí về tình trạng lừa đảo lợi dụng chương trình lao động nông nghiệp tại Úc.
Dolab cho biết thời gian gần đây, nhiều nơi đã xuất hiện việc các cá nhân, tổ chức tuyên truyền, mời chào công dân Việt Nam đi làm việc theo chương trình visa nông nghiệp ở Úc với mức chi phí rất cao. Điều này không phù hợp với nội dung thỏa thuận trong bản ghi nhớ về hỗ trợ công dân Việt Nam tham gia Chương trình lao động nông nghiệp Úc được ký kết ngày 28-3 giữa Bộ LĐ-TB-XH và Bộ Ngoại giao - Thương mại Úc.
Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Dolab, cho biết bất cứ hoạt động hợp tác lao động, việc làm nào được ký kết giữa hai Chính phủ đều phải thông qua cơ quan quản lý nhà nước và được hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của NLĐ. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác này, mỗi năm, Úc sẽ tiếp nhận khoảng 1.000 lao động Việt Nam sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp với mức lương cơ bản từ 3.200-4.000 AUD/tháng (tương đương khoảng 53-66 triệu đồng). Mức thu nhập này được đánh giá là khá cao so với các thị trường đang tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam.