Thận trọng khi VN-Index tiến gần đến vùng đỉnh cũ
Mức tăng điểm của thị trường chứng khoán mặc dù rất tích cực về mặt tâm lý nhưng vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro và sự phân hóa sâu sắc. Giới phân tích đồng thuận với quan điểm xu hướng tăng vẫn có thể tiếp diễn, song áp lực chốt lời dần gia tăng.
Thị trường chứng khoán (TTCK) ghi nhận tuần giao dịch 14-18/7 diễn biến khởi sắc với việc VN-Index có thời điểm vươn lên chạm ngưỡng tâm lý quan trọng 1.500 điểm. Đáng chú ý, mặc dù dòng tiền gia tăng nhưng tập trung chủ yếu vào các nhóm cổ phiếu trụ cột như chứng khoán, bất động sản, ngân hàng và họ Vingroup.
Ẩn chứa rủi ro và phân hóa sâu sắc
Trong một tháng qua, chỉ số chính tăng tới 140 điểm. Đợt tăng điểm lần này có sự gắn kết chặt chẽ với sức mua quay trở lại của khối ngoại, cùng đóng góp của 2 mã cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường là VIC (Tập đoàn Vingroup) và VHM (Vinhomes).
Theo dữ liệu từ FiinPro, VIC và VHM đã đóng góp lần lượt 39 điểm và 33,5 điểm vào mức tăng chung của chỉ số VN-Index. Như vậy, tổng cộng 2 cổ phiếu này đã góp gần 73 điểm, tức hơn một nửa mức tăng của VN-Index trong một tháng qua. Và nếu tạm thời loại bỏ đóng góp mang tính trọng yếu của 2 cổ phiếu này, VN-Index trong tháng qua thực chất cũng chỉ tăng khoảng 67 điểm. Điều này cho thấy đà tăng của VN-Index đang được dẫn dắt và phụ thuộc rất nhiều vào một vài cổ phiếu trụ cột thay vì có sự lan tỏa đồng đều trên diện rộng.

Mức tăng điểm của TTCK mặc dù rất tích cực về mặt tâm lý nhưng vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro và sự phân hóa sâu sắc.
Trong một tháng qua, bất chấp mức tăng chung rất tích cực của thị trường, vẫn có hơn 700 mã chứng khoán trên tổng số hơn 1.600 mã trên toàn thị trường không hề tăng điểm, thậm chí giảm điểm. Đây chính là biểu hiện rõ nét của tình trạng "xanh vỏ, đỏ lòng", khi chỉ số chung tăng đẹp nhưng danh mục của nhiều nhà đầu tư không được như vậy. Điều này cho thấy mức tăng điểm của thị trường trong đợt vừa qua mặc dù rất tích cực về mặt tâm lý nhưng vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro và sự phân hóa sâu sắc.
Theo thống kê của các công ty chứng khoán, chỉ có khoảng 12/50 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường tăng mạnh hơn VN-Index từ ngày 31/3 đến nay. Có đến gần một nửa cổ phiếu trong top 50 vẫn chưa phục hồi về thời điểm trước tháng 4/2025.
Thực tế, trên nhiều diễn đàn hội, nhóm đầu tư chứng khoán, bên cạnh nhiều nhà đầu tư khoe lãi với mức lãi 30-40% thậm chí 100% chỉ trong thời gian ngắn, nhưng cũng có không ít nhà đầu tư "khóc ròng" nhìn tài khoản vẫn chìm ngập trong “sắc đỏ”.
Chị Minh Thắm (Hà Nội) kể tuần qua, mỗi ngày mở bảng điện đều thấy VN-Index tăng 10-15 điểm nhưng tài sản ròng của chị vẫn chưa có sự khởi sắc, với mức lỗ hàng trăm triệu, bởi nhiều cổ phiếu mua ở vùng giá cao nên đến giờ vẫn đang bị âm.
Bên cạnh sự phân hóa, một yếu tố rủi ro khác mà nhà đầu tư cần quan tâm lúc này chính là định giá của các cổ phiếu đã tăng nóng. Khi một cổ phiếu tăng giá mạnh mẽ cần xem xét các chỉ số định giá cơ bản như P/E (giá trên lợi nhuận) và P/B (giá trên giá trị sổ sách) để đánh giá xem mức giá đó còn hấp dẫn hay không.
Một mức định giá quá cao có thể cho thấy rằng mọi kỳ vọng tốt đẹp về tương lai của doanh nghiệp đã được "phản ánh vào giá". Khi đó, chỉ cần một thông tin không mấy tích cực hoặc kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng, cổ phiếu đó sẽ rất dễ bị điều chỉnh giảm. Nhiều cổ phiếu trong nhóm công nghệ và ngân hàng, sau một đợt tăng giá dài, đang có chỉ số P/E ở mức cao so với trung bình lịch sử của chính nó và của ngành.
Nhịp chỉnh bất ngờ có thể xuất hiện sau đà tăng nóng
Trước mắt, các chuyên gia và công ty chứng khoán đều đồng thuận với quan điểm xu hướng tăng vẫn có thể tiếp diễn, song áp lực chốt lời dần gia tăng.
Theo ông Đinh Việt Bách, Chuyên gia Phân tích Chứng khoán Pinetree, VN-Index vươn lên chạm mức cao chưa từng thấy trong vòng 3 năm trở lại đây, nhưng biên độ tăng điểm đã dần thu hẹp đáng kể phần nào cho thấy lực cầu có dấu hiệu suy yếu và áp lực chốt lời bắt đầu gia tăng.
Mặc dù dòng tiền vẫn đang hoạt động mạnh mẽ, song tâm lý nhà đầu tư đã có phần thận trọng hơn khi khối ngoại phát tín hiệu giảm mua ròng và thị trường thiếu vắng thêm các thông tin hỗ trợ đủ mạnh. Đáng chú ý, thị trường đã xác nhận một phiên phân phối trong phiên 15/7, đồng thời các phiên đầu và cuối tuần trước ghi nhận biên độ dao động khá rộng cho thấy độ nhiễu và sự giằng co giữa bên mua và bán bắt đầu rõ nét hơn.
Theo chuyên gia Pinetree, đà tăng trung hạn của VN-Index khả năng vẫn được duy trì. Tuy nhiên, dấu hiệu điều chỉnh ngắn hạn đang dần hiện rõ khi áp lực chốt lời gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh đang là cao điểm công bố báo cáo tài chính quý II – thời điểm thường xuyên xảy ra “sell the news”.
Thêm vào đó, các yếu tố hỗ trợ vĩ mô mạnh mẽ dường như đã được phản ánh phần lớn vào giá, khiến dư địa tăng mạnh trong ngắn hạn trở nên hạn chế. Sự phân hóa dự kiến sẽ diễn ra sâu hơn giữa các nhóm ngành, khi dòng tiền có xu hướng luân chuyển khỏi các mã đã tăng nóng sang nhóm cổ phiếu chưa tăng hoặc được hưởng lợi từ kết quả kinh doanh tích cực.
“TTCK vẫn duy trì được xu hướng tăng nhưng mức độ lan tỏa và biên độ tăng nhiều khả năng sẽ hạ nhiệt. Áp lực chốt lời có thể gia tăng trong tuần này, khiến chỉ số biến động giằng co mạnh hơn”, ông Bách nhận định.
Theo giới phân tích, nhà đầu tư nên giữ tâm thế thận trọng, tránh FOMO mua đuổi ở vùng giá cao, đồng thời chủ động tận dụng các nhịp tăng để chốt lời dần, bảo toàn lợi nhuận và cơ cấu lại danh mục một cách hợp lý.
“TTCK đã dần xuất hiện các lực chốt lời sau đà tăng nóng. Việc xảy ra các nhịp rung lắc trong xu hướng tăng lên các ngưỡng điểm số cao của chỉ số chung là không tránh khỏi. Nhà đầu tư có thể tiếp tục quan sát sức mạnh thị trường, hạn chế mua đuổi và hạn chế gia tăng tỷ trọng các cổ phiếu đã tăng nóng trong vài phiên qua”, Chứng khoán VCBS khuyến nghị.