Thận trọng với 10 nguyên nhân gây đau răng vào buổi sáng
Buổi sáng ngủ dậy bị đau răng không phải là một tình trạng hiếm gặp.

Đau răng vào buổi sáng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Từ những nguyên nhân bình thường như do răng bị sâu, tư thế ngủ xấu đến những nguyên nhân nghiêm trọng hơn, cần được chăm sóc y tế sớm như áp xe răng, rối loạn khớp thái dương hàm hay do u răng.
Tùy từng nguyên nhân gây đau răng khi thức dậy là gì mà điều trị sẽ có sự khác biệt.
Nguyên nhân gây đau răng vào buổi sáng do đâu?
Theo Healthline, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây đau răng vào buổi sáng mà bạn có thể tham khảo. Lưu ý rằng, các thông tin này không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ.
Nếu như cơn đau răng sau khi thức dậy trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài không khỏi sau vài ngày; đau răng kèm theo sưng nướu, đau xoang hay chảy mủ, chảy máu nướu răng hoặc sốt, sưng mặt thì cần nhanh chóng thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán nguyên nhân gây đau răng là gì.

Nguyên nhân gây đau răng vào buổi sáng do đâu? Ảnh: ST
1. Tật nghiến răng khi ngủ
Nghiến răng được hiểu là hoạt động lặp đi lặp lại của cơ hàm, đặc trưng bởi việc siết chặt/nghiến chặt răng hoặc bởi sự giằng/đẩy cửa hàm dưới. Nếu bị tật nghiến răng khi ngủ, bạn cũng có thể "vô thức" siết chặt hàm khi thức. Khi một người nghiến răng sẽ tạo ra âm thanh ken két. Nếu thường xuyên nghiến răng, bạn có thể gặp phải các cơn đau răng, đau quai hàm, đau tai, đau đầu và tổn thương răng theo thời gian.
Cần làm gì? Tùy vào nguyên nhân gây ra chứng nghiến răng khi ngủ mà biện pháp điều trị cũng khác nhau, mục tiêu chung là giảm dần tình trạng nghiến răng và khắc phục ảnh hưởng như: giảm đau, phục hình, giảm ảnh hưởng đến răng, khớp thái dương hàm,... thông qua các biện pháp kiểm soát căng thẳng, dùng thuốc (thuốc giãn cơ, thuốc giảm đau, tiêm botox với những trường hợp nặng), can thiệp nha khoa (chế tạo máng chống nghiến giúp giảm nguy cơ răng bị mài mòn).
2. Viêm xoang
Nhiễm trùng xoang hay viêm xoang có thể là nguyên nhân khiến một người bị đau răng vào buổi sáng. Điều này được giải thích là do viêm xoang hàm khiến dịch tích tụ trong xoang, kể cả khi ngủ - dẫn tới áp lực và đau đớn ở răng hàm trên và đau quai hàm. Triệu chứng viêm xoang phổ biến gồm: Đau đầu, ho, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, giảm chức năng khứu giác, mệt mỏi và sốt.
Điều trị viêm xoang chủ yếu bắt đầu bằng các cách giúp giảm triệu chứng viêm xoang mà người bệnh gặp phải. Trong trường hợp viêm xoang khởi phát do vi khuẩn, nấm kháng sinh có thể được bác sĩ chỉ định. Để giảm đau, các loại thuốc như acetaminophen hay ibuprofen cũng có thể đem lại hiệu quả. Chườm ấm hoặc xông mũi có thể giảm nhẹ cảm giác nhức xoang. Trong trường hợp viêm xoang do cấu trúc mũi thì phẫu thuật xâm lấn có thể giúp phục hồi chức năng bình thường của xoang.
3. Rối loạn khớp thái dương hàm
Khớp thái dương hàm là khớp kết nối xương hàm với hộp sọ và là một trong những khớp phức tạp nhất trong cơ thể. Khớp thái dương hàm đảm nhận nhiệm vụ đưa hàm dưới ra trước, lui sau và sang hai bên.
Rối loạn khớp thái dương hàm là tình trạng đau ở cơ nhai hoặc khớp hàm. Bên cạnh cảm giác khó chịu ở tai, người bị rối loạn khớp thái dương hàm có thể bị đau răng, đau đầu, đau mặt, đau tai ù tai, mất thính lực, đau hàm khi ăn hoặc khi nói, cứng hàm và khó cử động hàm, phát ra tiếng kêu lục cục hoặc lách cách từ hàm. Cơn đau do rối loạn khớp thái dương hàm được mô tả là đau âm ỉ xuất hiện từ từ và đôi khi là đau nhói; có thể bắt đầu từ vùng thái dương - tai - hàm rồi lan ra cổ, vai gáy thậm chí là đau lan tỏa lên nửa đầu.

Rối loạn khớp thái dương hàm là tình trạng đau ở cơ nhai hoặc khớp hàm (Ảnh: ST)
Rối loạn khớp thái dương hàm uống thuốc gì? Cho tới hiện tại, chưa có thuốc đặc trị cho chứng rối loạn khớp thái dương hàm nhưng thuốc giảm đau hoặc liệu pháp thư giãn tâm lý có thể có hiệu quả. Tùy từng trường hợp mà máng nhai, chính khớp cắn, phẫu thuật khớp thái dương hàm có thể giúp đem lại hiệu quả nắn chỉnh.
4. Sâu răng
Sâu răng là những vùng bị tổn thương vĩnh viễn trên bề mặt men răng, phát triển thành những lỗ nhỏ li ti trên răng. Sau đó phát triển những lỗ sâu răng lớn có thể phá vỡ men răng, thậm chí phá hủy ngà răng, tủy răng gây áp xe răng dẫn tới những cơn đau nhức răng lan vào tủy răng và đau lan tỏa sang hàm dữ dội hoặc đau nhói liên tục. Vào buổi sáng, sau khi thức dậy, vi khuẩn tiêu thụ men răng và ngà răng khiến các dây thần kinh ở tủy răng bị kích thích và gây đau răng vào buổi sáng.
Ngoài các lỗ sâu răng nhìn thấy được thì răng bị sâu có thể gây sưng đau lợi, chảy máu lợi, hơi thở có mùi hôi, đau nhói răng khi nhai, buốt răng khi ăn thức ăn nóng hoặc lạnh.
Trám răng là biện pháp chữa sâu răng phổ biến nhất. Nếu răng bị sâu nghiêm trọng, xâm lấn tới tủy thì cần loại bỏ tủy và bít lỗ sâu răng rồi bọc răng hoặc nhổ răng nếu không thể phục hồi.
5. Bệnh nướu răng
Bệnh nướu răng nhẹ hay còn gọi là viêm nướu, viêm lợi. Viêm nướu gây ra tình trạng sưng đỏ, viêm nhức ở nướu, thậm chí chảy máu khi đánh răng. Bệnh xảy ra khi mảng bám tích tụ trên răng gây ra tình trạng viêm nướu. Viêm nha chu kéo dài có thể gây tụt lợi, tổn thương răng, mô và xương hàm. Dấu hiệu viêm nướu ngoài sưng đỏ và chảy máu lợi còn gồm: Hôi miệng, nướu chạm vào bị mềm, mưng mủ ở nướu.

Viêm nướu gây ra tình trạng sưng đỏ, viêm nhức ở nướu, thậm chí chảy máu khi đánh răng (Ảnh: ST)
Điều trị viêm nướu chính là kiểm soát nhiễm trùng và phục hồi sức khỏe răng và nướu. Nhìn chung, sẽ bao gồm các phương pháp như: Cạo sạch vôi và làm sạch gốc răng, sử dụng các loại nước súc miệng kháng khuẩn, dùng thuốc giảm đau giảm viêm như acetaminophen hay ibuprofen. Bên cạnh đó, nếu viêm nướu là do cấu trúc răng như răng mọc lệch, mão răng, cầu răng không phù hợp thì bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp khắc phục phù hợp với từng tình trạng.
Ở nhà, người bệnh cần chú ý vệ sinh răng miệng bao gồm đánh răng 2 lần một ngày, dùng tăm nước/chỉ nha khoa vệ sinh răng sau khi ăn uống đồng thời tái khám theo chỉ định cũng như làm sạch cao răng thường xuyên.
6. Răng bị lệch, mọc ngầm (Impacted tooth)
Khi răng không mọc thẳng, đầy đủ trong miệng mà nằm nghiêng lệch hay ở bên trong xương hàm thì được gọi là răng bị lệch, mọc ngầm. Tình trạng này dễ khiến hư hại răng bên cạnh, sâu răng, viêm nướu, viêm xương hàm, cứng khít hàm,... Cơn đau thường âm ỉ, nhức nhối hoặc đau dữ dội, đau nhói như bị đâm. Trong đó, răng hàm (chẳng hạn như răng khôn) có khả năng dễ bị mọc lệch, mọc ngầm nhất.
Nhổ răng hoặc theo dõi răng sẽ phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ, tùy từng trường hợp cũng như mức độ lệch, ngầm của răng như thế nào.
7. Áp xe răng
Áp xe răng có thể gây đau răng vào buổi sáng hoặc bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Áp xe được hiểu là một túi mủ hình thành bởi các nhiễm trùng do vi khuẩn xảy ra ở vị trí chân răng hoặc nướu xung quanh răng. Áp xe răng gây ra các cơn đau nhói, đau nhức dữ dội, sưng lợi, có thể có hoặc không kèm theo sốt.
Với áp xe răng cấp tính, bác sĩ sẽ rạch và dẫn lưu ổ áp xe để đẩy nhiễm trùng và dịch mủ ra ngoài. Với áp xe răng nghiêm trọng hơn, điều trị tủy hoặc nhổ bỏ răng có thể được chỉ định. Thuốc kháng sinh sẽ giúp hỗ trợ giảm đau, giảm viêm do áp xe răng. Lưu ý rằng, áp xe răng không thể tự khỏi được.
8. Nguyên nhân gây đau răng vào buổi sáng khác
- Lạm dụng nước súc miệng: Một số loại nước súc miệng sau khi ngủ dậy nếu sử dụng quá nhiều có thể dẫn tới răng nhạy cảm do lớp ngà răng bị tổn thương. Đây cũng là lý do tại sao bạn nên đọc kỹ thành phần của nước súc miệng trước khi mua, nhất là các loại nước xúc miệng có chứa axit.
- Đau dây thần kinh sinh ba: Một số người bị đau răng khi đánh răng, mặc dù hiếm gặp nhưng đau dây thần kinh sinh ba có thể là nguynê nhân gốc rễ của tình trạng này. Đau dây thần kinh sinh ba (Trigeminal neuralgia – TN) có cảm giác giống như bị điện giật hoặc bị vật nhọn đâm vào mặt. Cơn đau xuất hiện ở một bên mặt rồi lan dọc theo xương gò má, mũi, môi trên, các răng trên và/hoặc lan xuống phần dưới của xương gò má, môi và xương hàm dưới.
- Mất nước: Sau một giấc ngủ dài cơ thể có thể bị mất nước và nếu không uống đủ nước sau khi ngủ dậy, răng có thể bị đau.
Nhìn chung, tình trạng đau răng vào buổi sáng có nhiều nguyên nhân khác nhau, tùy mỗi nguyên nhân gây đau răng do đâu mà điều trị sẽ có sự khác biệt. Nhưng cơn đau không giảm nhẹ sau khi áp dụng các biện pháp giảm đau răng tại nhà thì đã tới lúc bạn cần gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị phù hợp. Đôi khi cơn đau răng lan tỏa tới hàm có thể cảnh báo cơn đau tim, do vậy cần tìm kiếm chăm sóc y tế khẩn cấp nếu bị đau răng, đau quai hàm một bên kèm theo cơn đau tức ngực dữ dội và đột ngột, khó thở, tê yếu một bên cơ thể...