Thận trọng với lạm phát

Từ diễn biến các chỉ số tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân từ 2011 đến nay các chuyên gia đã đưa ra nhận định, chúng ta vẫn phải thận trọng với lạm phát. Căn cứ thứ nhất đó là sự chủ quan lơ là trong việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Thứ hai là có nhiều yếu tố tác động đến lạm phát trong thời gian tới.

 Giá xăng dầu tăng với tốc độ tăng khá cao sẽ tác động tới lạm phát

Giá xăng dầu tăng với tốc độ tăng khá cao sẽ tác động tới lạm phát

Thực tế, trong giai đoạn 2011 - 2014, CPI bình quân năm tăng khá cao, có năm ở mức 2 chữ số. Sau đó tốc độ tăng chậm dần đến mức rất thấp, thấp đến mức gần như thiểu phát. Từ năm 2017, CPI bình quân năm đã tăng lên, nhưng thấp hơn mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (4%) - đó là mức tăng hợp lý với tư duy kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và được coi là kiểm soát lạm phát thành công, góp phần ổn định tăng trưởng. Sự thành công này do nhiều yếu tố ở trong nước và trên thế giới.

Ở trong nước, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chậm lại chỉ còn bằng 1/3 cách đây mấy năm và tiếp tục giảm trong năm 2018. Tăng trưởng cao lên làm cho nhiều sản phẩm cung đã vượt cầu, GDP cao hơn tích lũy tài sản và tiêu dùng cuối cùng nên xuất siêu liên tục đã trên 3 năm; tư duy điều hành đã chuyển từ “kiềm chế lạm phát” sang “kiểm soát lạm phát theo mục tiêu”; dừng hoặc giãn tiến độ thực hiện “lộ trình giá thị trường” đối với một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quyết định tăng giá... Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã kéo dài gần một năm tác động đến Việt Nam và nhiều đối tác thương mại lớn của Việt Nam...

Diễn biến và sự thành công của việc kiểm soát lạm phát theo mục tiêu trong thời gian qua đã làm nảy sinh sự chủ quan, thỏa mãn, từ đó lơ là kiểm soát lạm phát. Việc thận trọng với lạm phát không chỉ xuất phát từ sự chủ quan, thỏa mãn, mà còn xuất phát từ các yếu tố tác động đến lạm phát trong thời gian tới. Việc tăng giá điện vào cuối tháng 3 (chưa tác động đến CPI quý I mà sẽ tác động từ tháng 4) với tốc độ cao quá gấp đôi tốc độ tăng CPI chung theo mục tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra, đã tác động về 4 mặt: Trực tiếp đó là giá điện tăng sẽ đẩy CPI tăng lên; Giá điện được tăng lũy tiến theo lượng tiêu dùng nên thực tế có thể còn tăng cao hơn tốc độ tăng được tính theo theo giả thiết số học thông thường; Điện là đầu vào của hầu hết hàng hóa tiêu dùng, sẽ đẩy giá hàng hóa, tiêu dùng tăng lên theo; Giá cả của tất cả các hàng hóa tiêu dùng đã được hình thành một mặt bằng, giống như nước lên thì thuyền phải lên, nếu một mặt hàng quan trọng là điện tăng dẫn đến các mặt hàng khác tăng theo.

Ngoài ra còn phải kể đến nhiều yếu tố tác động đến lạm phát như: Giá xăng dầu tăng với tốc độ tăng khá cao, trong khi mức tồn của quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng đã cạn... Giá dịch vụ giáo dục từ đầu năm đến nay đã tăng khá cao (gấp 2,5 lần tốc độ tăng chung); khả năng sẽ tiếp tục tăng với chủ trương “tự chủ tài chính” của các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề... Giá dịch vụ y tế từ đầu năm đến nay tăng thấp hơn tốc độ tăng chung, nhưng xu hướng sử dụng dịch vụ chất lượng cao tăng lên, tỷ trọng dịch vụ y tế tư nhân tăng... sẽ làm cho giá dịch vụ y tế tăng.

Sự nới lỏng chính sách tiền tệ của nhiều nước nhằm hạn chế sự chậm lại của tốc độ tăng trưởng sẽ làm cho giá hàng hóa trên thị trường thế giới tính bằng USD sẽ cao lên. Tỷ giá VND/USD đã ổn định từ mấy năm trước, trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng lên so với cùng kỳ năm trước, sẽ khó được tiếp tục giữ ở mức thấp trong thời gian tới. Khi đó giá hàng hóa thị trường trong nước tính bằng VND sẽ cao lên và tác động trực tiếp đến CPI.

Đức Minh

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/than-trong-voi-lam-phat-342361.html