Tháng 5 - Tháng vận động, triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân

Ngày 21/11/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1676/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội (BHXH), trong đó chọn tháng 5 hàng năm là Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân. Theo đó, nhiều hoạt động truyền thông diễn ra sôi nổi nhằm nâng cao nhận thức và lan tỏa giá trị nhân văn của chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đến với mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người lao động (NLĐ) khu vực phi chính thức.

Truyền thông về Tháng vận động, triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân năm 2025

Truyền thông về Tháng vận động, triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân năm 2025

Năm 2025, Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân càng có ý nghĩa đặc biệt khi hàng loạt chính sách mới theo Luật BHXH năm 2024 và Nghị định số 143/2024/NĐ-CP về bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ) tự nguyện chính thức đi vào cuộc sống, mở rộng quyền lợi, tạo cơ hội để người dân chủ động tham gia, từng bước xây dựng hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bền vững hơn.

Mở rộng quyền lợi, nhân đôi động lực cho người lao động tự do

Luật BHXH sửa đổi năm 2024 sẽ có hiệu lực từ ngày 01/7/2025, là bước tiến mới trong chính sách an sinh xã hội của Việt Nam khi tiếp tục mở rộng bao phủ và gia tăng quyền lợi cho người dân. Đáng chú ý, đối với nhóm NLĐ tham gia BHXH tự nguyện, Luật cũng có những thay đổi tích cực.

Cụ thể, ngoài 2 chế độ hiện hữu là hưu trí và tử tuất, Luật mới bổ sung trợ cấp thai sản cho NLĐ (bao gồm cả LĐ nữ và LĐ nam) tham gia BHXH tự nguyện khi sinh con hoặc có vợ sinh con. Nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì người tham gia được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Kinh phí do ngân sách nhà nước (NSNN) bảo đảm, được Chính phủ điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH và khả năng của NSNN từng thời kỳ. Đây là lần đầu tiên chế độ quan trọng này được bổ sung vào chính sách BHXH tự nguyện, khẳng định tính bao trùm và tiến bộ của Luật.

Một điểm mới quan trọng khác là quy định giảm thời gian đóng tối thiểu từ 20 năm xuống còn 15 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu. Điều này giúp mở rộng cơ hội tiếp cận chính sách cho nhiều NLĐ có thời gian làm việc ngắn hoặc tham gia muộn khi đã lớn tuổi.

Đặc biệt, mới đây, theo dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật BHXH của Chính phủ, mức hỗ trợ từ NSNN đang được đề xuất tăng lên so với hiện hành. Theo phương án 1 trong dự thảo, người thuộc hộ nghèo sẽ được hỗ trợ 50% mức đóng; hộ cận nghèo 40%; người dân tộc thiểu số 30% và các nhóm đối tượng khác tăng mức hỗ trợ từ 10% lên 20%.

Đối với phương án 2, giữ nguyên mức hỗ trợ như hiện hành (30%, 25%, 10% lần lượt đối với người thuộc hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng khác), bổ sung thêm nhóm đối tượng tham gia là người dân tộc thiểu số được hỗ trợ ở mức 20%. Nhưng dù chọn phương án nào, tinh thần chung của chính sách vẫn là tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhiều người dân tham gia BHXH, giảm gánh nặng tài chính và tăng cơ hội tiếp cận lương hưu - một nguồn thu nhập ổn định và an toàn khi về già.

Lưới an sinh cần thiết cho người lao động khu vực phi chính thức

Một chính sách mang tính đột phá khác là việc Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện đối với NLĐ tự do, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Đây là lần đầu tiên NLĐ khu vực phi chính thức được tạo điều kiện tiếp cận một chính sách phòng ngừa rủi ro nghề nghiệp bài bản và nhân văn.

Theo đó, NLĐ làm việc không theo hợp đồng LĐ từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, có tham gia bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện, khi bị suy giảm khả năng LĐ từ 5% trở lên do TNLĐ thì được hưởng trợ cấp TNLĐ một lần. Cụ thể: Suy giảm 5% khả năng LĐ thì được hưởng 3 lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng IV do Chính phủ quy định, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV.

Ngoài mức trợ cấp nêu trên, NLĐ khu vực phi chính thức còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm TNLĐ tự nguyện, từ 1 năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV.

Cơ quan BHXH chi trả phí giám định đối với NLĐ chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng LĐ trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để hưởng hoặc điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp bảo hiểm TNLĐ tự nguyện.

Trường hợp đặc biệt, NLĐ đang làm việc mà bị chết do TNLĐ hoặc chết trong thời gian điều trị lần đầu do TNLĐ hoặc chết trong thời gian điều trị thương tật do TNLĐ mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng LĐ thì ngoài tiền trợ cấp TNLĐ một lần như trên, thân nhân NLĐ còn được hưởng trợ cấp một lần bằng 31,5 lần tháng lương tối thiếu vùng IV.

Lan tỏa chính sách trong Tháng vận động, triển khai bảo hiểm xã hội toàn dân

Trong Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân năm 2025 với chủ đề “BHXH - an tâm cho mọi gia đình”, BHXH tỉnh tích cực hưởng ứng bằng nhiều hoạt động truyền thông đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt, góp phần lan tỏa sâu, rộng thông điệp về chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước.

Ngay từ cuối tháng 4/2025, BHXH tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch truyền thông; đồng thời, phối hợp các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng: Tổ chức các hội nghị tuyên truyền, đối thoại trực tiếp với đơn vị sử dụng LĐ, NLĐ và nhân dân, treo băng rôn trên các tuyến đường, phát tờ gấp,...

Không dừng lại ở cung cấp thông tin, các hoạt động truyền thông trong tháng cao điểm còn hướng đến khơi gợi nhận thức, tạo chuyển biến rõ nét về hành động trong cộng đồng, nhất là LĐ khu vực phi chính thức - nơi còn nhiều người dân chưa tiếp cận hoặc chưa hiểu đúng về lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện.

Điểm nhấn nổi bật trong chuỗi hoạt động là Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động, triển khai BHXH toàn dân, dự kiến diễn ra vào ngày 17/5/2025. Buổi lễ được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu BHXH tỉnh, kết nối trực tuyến đến các điểm cầu tại BHXH, Bưu điện các huyện, thị xã trên toàn tỉnh.

Sau hội nghị, BHXH các địa phương sẽ phối hợp thành viên Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và nhân viên tổ chức dịch vụ thu tổ chức các hội nghị truyền thông hoặc tuyên truyền nhóm nhỏ gắn với phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, phù hợp với đặc điểm địa bàn.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông đa kênh tiếp tục được đẩy mạnh từ truyền hình, báo chí, loa truyền thanh cơ sở đến fanpage, Zalo OA, Cổng thông tin điện tử BHXH tỉnh, các trang mạng xã hội của công chức, viên chức, NLĐ trong ngành,... Những câu chuyện đời thực, những tấm gương người dân tham gia BHXH tự nguyện và nhận lương hưu, BHYT kịp thời,... được lan tỏa sâu, rộng, trở thành minh chứng sống động cho giá trị nhân văn của chính sách.

Khi chính sách ngày càng hoàn thiện, quyền lợi ngày càng mở rộng thì việc lan tỏa thông tin, đưa chính sách đến gần hơn với NLĐ, nhất là LĐ khu vực phi chính thức chính là chiếc “chìa khóa” để hiện thực hóa mục tiêu BHXH toàn dân.

Với quyết tâm của ngành BHXH Việt Nam và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị - xã hội, chắc chắn rằng chính sách BHXH tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ, trở thành nền tảng vững chắc, giúp người dân an tâm làm việc và cống hiến, góp phần vào mục tiêu xây dựng một xã hội công bằng, tiến bộ và bền vững./.

BHXH tỉnh Long An

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thang-5-thang-van-dong-trien-khai-bao-hiem-xa-hoi-toan-dan-a195258.html